|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ BIDV: Dự kiến tăng vốn lên hơn 61.200 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 12% và phát hành riêng lẻ 9%

09:00 | 29/04/2022
Chia sẻ
Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng thông qua hai phương án phát hành.

 Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm tại đại hội. (Nguồn: Phương Nga).

Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID)  tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 với nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận. 

Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.600 tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ), đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường, năng lực của BIDV trước tác động của dịch COVID-19 và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong giai đoạn 2022-2025, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng trưởng bình quân 8-12%. Dư nợ cuối kỳ tăng 8-12,5%. Huy động vốn tăng trưởng 8-13%. Lợi nhuận trước thuế tăng 19-26%. ROE đạt trên 12,5% trong cả giai đoạn.

 Một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2022 của BIDV. (Nguồn: Tài liệu họp đại hội đồng cổ đông).

Về kế hoạch tăng vốn điều lệ 2022, BIDV dự kiến tăng vốn thêm 10.623 tỷ đồng lên 61.208 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2021) thông qua hai phương án.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ chia cổ tức là 12%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận được 12 cổ phiếu phát hành thêm.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV/2022, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan nhà nước có thầm quyền.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ chào bán thêm hơn 455 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tỷ lệ phát hành dự kiến là 9%. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022-2023, thời điểm cụ thể giao HĐQT quyết định sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua việc niêm yết các trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền BIDV phát hành ra công chúng trong khoảng thời gian từ 1/1/2022 đến ngày hoàn thành tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

 Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú đọc tờ trình bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. (Nguồn: Phương Nga).

Cũng tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú đề nghị ĐHĐCĐ tại kỳ họp này bầu 10 thành viên HĐQT, trong đó có một thành viên HĐQT đại diện Hana Bank tại BIDV và một Thành viên HĐQT độc lập.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết ông Nguyễn Quang Huy - Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2017-2022 không còn đủ điều kiện để tiếp tục giữ chức vụ Thành viên HĐQT độc lập trong nhiệm kỳ mới theo quy định tại điều 50 Luật các tổ chức tín dụng.

Theo quy định tại điều 50 Luật các tổ chức tín dụng, Thành viên HĐQT độc lập không phải là người đang làm việc cho chính TCTD hoặc Công ty con của TCTD đó và không phải là người quản lý, thành viên Ban Kiểm soát của TCTD tại bất kỳ thời điểm nào trong 5 năm liền kề trước đó.

HĐQT BIDV nhiệm kỳ mới 2022-2027 bao gồm ông Phan Đức Tú, ông Lê Ngọc Lâm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, ông Trần Xuân Hoàng, bà Phan Thị Chinh, ông Ngô Văn Dũng, ông Phạm Quang Tùng, ông Lê Kim Hoà, ông Yoo Je Bong và ông Nguyễn Văn Thạnh.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Thạnh là gương mặt mới tại nhiệm kỳ lần này. Ông Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1960) là Tiến sỹ kinh tế, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - NHNN Việt Nam. Từ 1/2/2020 đến nay, ông Thạnh nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội. 

 Cổ đông giơ phiếu nhất trí với tờ trình của HĐQT tại đại hội. (Nguồn: Phương Nga).

Phần thảo luận:

Cổ đông: Động lực nào cho tăng trưởng năm 2022 với lợi nhuận tăng trên 50%? Kết quả kinh doanh quý I/2022?

Tổng Giám đốc Lê Ngọc lâm: BIDV trong những năm vừa qua chênh lệch thu chi ở mức khá cao tuy nhiên ngân hàng cũng dành nguồn lực để trích lập dự phòng để nâng cao chất lượng tín dụng. Hết năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở  mức 0,82%.

Trong năm 2022, chất lượng tín dụngkỳ vọng được kiếm soát tốt hơn giúp giảm tỷ lệ trích lập nên ngân hàng đặt tham vọng lợi nhuận cao hơn trong năm nay.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, huy động vốn của ngân hàng tăng 1,3% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 4,7%. Chất lượng nợ xấu ở 0,8%.

Lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng là 4.190 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất đạt 4.513 tỷ đồng và thực hiện 22% kế hoạch năm. Các khoản thu khác như thu nợ ngoại bảng để gia tăng lợi nhuận thường diễn ra vào quý III và quý IV.

Cổ đông: BIDV có đưa ra mức giá kỳ vọng nào cho kế hoạch chào bán riêng lẻ hay không? Hệ số CAR sau khi phát hành dự kiến là bao nhiêu?

Ban điều hành: Dự kiến trong năm 2022, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu chia cổ tức từ phần lợi nhuận giữ lại và đang xin cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chào bán riêng lẻ thêm 9% cho hai năm 2022-2023 và phải làm cho được trong hai năm tới đây.

Giá phát hành theo quyết định của Nhà nước và tuỳ theo tình hình thị trường. Ngân hàng sẽ triển khai phương án này theo đúng quy định và chọn lựa nhà đầu tư kỹ càng.

Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 8,6%. Kỳ vọng sau khi hoàn tất phát hành,  hệ số CAR sẽ cải thiện trên 9%. Tuy nhiên, so với mức tăng của tài sản rủi ro, ngân hàng vẫn cần cải thiện CAR trong các năm tới. Mục tiêu đến năm 2027, hệ số CAR dự kiến từ 12-15%.

Cổ đông: Định hướng của BIDV đối với lĩnh vực bảo hiểm là như thế nào trong bối cảnh các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển mảng này?

Ban điều hành: Hệ sinh thái của BIDV bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm, đầu tư tài chính, chứng khoán.

Đối với bảo hiểm thì có hai mảng bao gồm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Với mảng phi nhân thọ, hiện nay BIDV đã có Công ty bảo hiểm BIC - là một trong những công ty được thị trường đánh giá rất cao. Công ty này hiện đang hoạt động hiệu quả và đóng góp tốt cho mảng bảo hiểm của BIDV.    

Tại BIC, ngân hàng đã có một cổ đông chiến lược là Tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ  Fairfax của Canada.

Với mảng nhân thọ, ngân hàng đã có liên doanh với Tập đoàn MetLife của Mỹ. Trong năm 2020 và 2021, công ty bào hiểm này đã có lãi trước kế hoạch. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ bàn bạc với đối tác MetLife và các cổ đông để xem xét cấu trúc sở hữu hợp lý nhất, phù hợp với sự phát triển của thị trường. Chúng tôi có nhiều phương án để đưa ra lựa chọn tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông 

Cổ đông: Chi phí dự phòng cho các năm tới. Từ năm 2022-2027, tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng khoảng 19-26% - mức tăng trưởng khá. Trong các kỳ đại hội trước, ban lãnh đạo có chia sẻ về việc chi phí dự phòng đang có xu hướng giảm dần. Từ năm nào chi phí dự phòng của BIDV sẽ được giảm một cách đáng kể để BIDV xứng tầm là một ngân hàng đứng đầu tại Việt Nam? 

Ban điều hành: BIDV đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Nếu không có COVID-19, chắc chắn mức tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2021 sẽ cao hơn. Tuy nhiên do diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngân hàng đã dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân là 7.900 tỷ đồng.

Mức trích dự phòng rủi ro 2021 là 29.000 tỷ với tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 235%. Ngân hàng cũng trích lập đầy đủ các khoản nợ theo quy định của NHNN và Chính phủ theo Thông tư 01 trước hai năm.

Năm 2022, số trích lập theo kế hoạch của ngân hàng là 23.000 tỷ đồng trong điều kiện dịch COVID-19 được kiểm soát bình thường. Nếu dịch được kiểm soát tốt hơn thì số trích lập sẽ giảm về mức thấp hơn. 

Cổ đông: Số dư nợ cơ cấu theo thông tư 01,03 và 14 của BIDV ở thời điểm hiện tại có biến động gì so với cuối năm 2021. Và đến 30/6 khi thông tư này hết hiệu lực thì ban lãnh đạo đánh giá khả năng chuyển tốt của tổng số dư nợ này là khoảng bao nhiêu %? Có thể đem lại phần hoàn nhập dự phòng hay không? 

Ban điều hành: Dư nợ theo Thông tư 01, 03 và 14 đến nay của BIDV là 25.262 tỷ đồng và ban lãnh đạo đánh giá khả năng phục hồi số nợ này lên đến 95%. Ngân hàng chắc chắn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Việc các thông tư hết hiệu lực không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng của ngân hàng do ngân hàng đã trích lập dự phòng 3% trong cả 3 năm. 

Cổ đông: Cơ cấu dư nợ bất động sản hiện tại của BIDV là bao nhiêu? Khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản như nào?

Ban điều hành: Nếu làm tốt thì TPDN là một kênh huy động vốn tốt cho doanh nghiệp, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn. Nếu thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, rõ ràng, thị trường trái phiếu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.

Ngân hàng cũng đánh giá rất kỹ tình hình kinh tế xã hội và thấy rằng quyền năng của ngân hàng khi cho vay lớn hơn rất nhiều quyền năng của ngân hàng khi với tư cách là người mua trái phiếu. Do đó, trong những năm qua, BIDV rất hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Số dư TPDN của BIDV hiện nay là 13.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,93% tổng dư nợ. Và trong hai năm gần đây, trái phiếu của BIDV tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, một phần khác là đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp.

Về tín dụng bất động sản, ban lãnh đạo cho rằng bất động sản không xấu mà còn rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Ngân hàng đã kiểm soát cho vay lĩnh vực này nhiều năm nay. Dư nợ bất động sản hiện nay khoảng 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 2% tổng dư nợ. Với cách quản lý danh mục của ngân hàng, nợ xấu bất động sản là không đáng kể. 

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình. 

Phương Nga