Quán quân vốn điều lệ BIDV sắp bị một ngân hàng cổ phần soán ngôi, cuộc đua tăng vốn tiếp tục nóng trong năm 2022
Bước vào mùa đại hội cổ đông thường niên 2022, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận "khủng", những thay đổi lớn ở thượng tầng,... thì tăng vốn cũng là một trong những kế hoạch hết sức quan trọng mà hầu hết ngân hàng đặt ra trong năm.
Việc sở hữu bộ đệm vốn dày sẽ giúp các nhà băng có lợi thế trong việc được NHNN xem xét cấp room tín dụng, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn Basel II và tiến đến Basel III. Đồng thời giúp ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Cho năm 2022, hầu hết ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng từ 20-40% vốn điều lệ, song cũng có nơi dự kiến tăng vốn đến 60-70% thông qua nhiều phương án như phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ vốn chủ sở hữu, phát hành riêng lẻ,...
Đáng chú ý, ngôi vị quán quân vốn điều lệ dự báo sẽ tuột khỏi tay "ông lớn" BIDV, thay vào đó là một ngân hàng tư nhân.
Theo tài liệu họp đại hội cổ đông mới công bố, VPBank đặt kế hoạch tăng vốn khủng lên trên 79.000 tỷ đồng thông qua hai đợt trong năm là phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại.
Trong đợt 1, ngân hàng dự kiến tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu. Đợt phát hành sẽ được thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022.
Đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ tối đa 1,9 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ.
Như vậy, vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng lên 79.334 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống nếu hoàn tất hai đợt phát hành trên.
Ngoài ra, VPBank cũng sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng dự kiến 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ.
- TIN LIÊN QUAN
-
VPBank đặt kế hoạch tăng vốn khủng lên trên 79.000 tỷ đồng, sẽ mua lại công ty bảo hiểm OPES 08/04/2022 - 15:44
Bên cạnh VPBank, hai ngân hàng khác cũng gia nhập câu lạc bộ tăng vốn cao là OCB và Nam A Bank. Cụ thể, Nam A Bank sẽ trình đại hội cổ đông phương án tăng vốn điều lệ của năm 2022 thêm 4.000 tỷ đồng từ hơn 6.564 tỷ đồng lên hơn 10.564 tỷ đồng. Phương án tăng vốn cũ của năm 2021 chưa thực hiện sẽ loại bỏ.
Theo phương án mới, việc tăng vốn sẽ được thực hiện bằng ba cách gồm phát hành 190 triệu cổ phiếu để trả cổ tức; chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ 160 triệu cổ phiếu.
Ngân hàng sẽ dùng 1.900 tỷ đồng từ lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tối đa là 28,9439%. Trong đó tỷ lệ cổ tức năm 2020 (đã được ĐHĐCĐ năm 2021 phê duyệt) là 10,2075%, còn tỷ lệ cổ tức năm 2021 là 18,7364%.
Còn tại OCB, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng thông qua phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 0,88 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược Ngân hàng Aozora. Phương án này ngân hàng đã nộp hồ sơ cho NHNN, đang chờ chấp thuận.
Đồng thời sẽ phát hành hơn 412 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 30% sau khi các phương án trên hoàn tất.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%. Mức vốn điều lệ sau khi phát hành dự kiến tăng từ 47.325 tỷ lên 55.891 tỷ đồng, đứng ngay sau VPBank.
Trong khi đó, VietinBank dự kiến sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại sau khi trích lập các quỹ năm 2021 là hơn 9,624 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của VietinBank đã được tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy nếu thực hiện chia cổ tức xong, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng thêm khoảng 20%. Phương án phân phối lợi nhuận của ngân hàng sẽ được trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi được thực hiện.
Khó có "tiền tươi, thóc thật"
Theo phương án tăng vốn điều lệ đã công bố, hầu hết ngân hàng đều dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu có thể kể đến như MSB (30%), HDBank (25%), ACB (25%) hay MB (20%),...
Mặt khác, nhiều ngân hàng tiếp tục giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức trong nhiều năm nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tài liệu họp đại hội cổ đông của Techcombank cho thấy ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2022, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Nếu phương án được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ 4 liên tiếp không chia cổ tức.
Hay tại PG Bank, ngân hàng cũng không có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022. Đây là năm thứ 12 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ. Lần gần nhất ngân hàng thực hiện tăng vốn là trong năm 2010, nâng từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Đặc biệt hơn cả là trường hợp của Sacombank khi nhà băng này không thể chia cổ tức cho cổ đồng do đề án tái cơ cấu. Tuy nhiên, mới đây, ngân hàng cho biết giai đoạn 2022-2026 sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro.
Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc Đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép NHNN để thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.
Đặc biệt trong giai đoạn 2022-2026, Sacombank sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).