|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo, nội bộ CTCK nhộn nhịp mua bán cổ phiếu, quy mô tới hàng chục triệu đơn vị

14:02 | 30/08/2024
Chia sẻ
Thị trường xuất hiện loạt giao dịch của lãnh đạo công ty chứng khoán và bên liên quan, với khối lượng hàng triệu đến hàng chục triệu đơn vị.

Khác với sự trầm lắng trong quý II, hoạt động giao dịch cổ phiếu của người nội bộ công ty chứng khoán (CTCK) và bên liên quan trở nên sôi động trong quý III.

Đa phần giao dịch được thông báo với mục đích cá nhân, cơ cấu danh mục hay để đầu tư. Một số trường hợp ghi nhận diễn ra trước cuộc họp quan trọng, hay biến động cơ cấu vốn công ty.

Ở chiều mua vào cuối tháng 7, ông Lê Đình Dương đã gom 1,5 triệu cp Chứng khoán Hòa Bình (HBS). Theo đó, vị chủ tịch Gen Z nâng sở hữu lên 6,5 triệu cp, tương ứng gần 20% vốn.

CEO HBS Nguyễn Phan Trung Kiên cũng muốn mua mới 8 triệu cp, nhằm sở hữu tỷ lệ trên 24% vốn, bằng với cổ đông lớn nhất là ông Phan Ngọc Quân. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 28/8 đến 25/9. Chiếu theo thị giá kết phiên 29/8, lượng cổ phiếu ông Kiên cần mua trị giá khoảng 79 tỷ đồng.

Cùng chiều mua, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Chứng khoán APG. Ông Hưng đăng ký mua 2 triệu cp từ 25/7 đến 23/8. Tuy nhiên, giao dịch đã bất thành với lý do giá không đạt kỳ vọng. Thị giá APG tăng 8% trong khoảng thời gian trên, khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 76.000 cp.

Giao dịch bán ra áp đảo so với chiều mua. Cũng tại APG, hai người nội bộ khác lại muốn thoái vốn. Đó là trường hợp ông Trần Thiên Hà - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán 673.010 cp và bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ đăng ký bán 351.135 cp.

Hoạt động thoái vốn diễn ra đồng loạt tại Chứng khoán Hải Phòng (HAC). Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Vũ Dương Hiền đã bán toàn bộ hơn 7 triệu cp, tương ứng hơn 24% vốn, vào ngày 2/8. Cùng ngày, Thành viên HĐQT Đoàn Đức Luyện và Thành viên BKS Khoa Thị Thanh Huyền cũng thoái lần lượt hơn 203.000 cp và 1,4 triệu cp.

Cổ phiếu HAC kém thanh khoản trên thị trường UPCoM. 2/8 là phiên xuất hiện khối lượng thỏa thuận vượt 23 triệu cp, nên giao dịch của các lãnh đạo trên khả năng nằm trong số này. Danh tính bên mua đối ứng chưa xuất hiện.

Loạt lãnh đạo Chứng khoán Hải Phòng thoái vốn ngay trước thềm ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức trong tháng 9. Nội dung họp chỉ được thông báo bằng văn bản đến cổ đông (theo danh sách chốt ngày 28/8).

Thống kê giao dịch/đăng ký giao dịch của người nội bộ và bên liên quan tại một số CTCK trong quý III. (Nguồn: X.N tổng hợp).

Hai giao dịch có khối lượng và giá trị cao nhất ngành chứng khoán đều diễn ra tại cổ phiếu SSI. Trong thời gian 21/8 - 23/8, một tổ chức liên quan Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng là Công ty TNHH Đầu tư NDH đã mua thỏa thuận 32 triệu cp như đăng ký trước đó. Khối lượng nắm giữ tăng từ 94,23 triệu cổ phiếu (6,23% vốn) lên 126,23 triệu cổ phiếu (8,35% vốn). Ông Hưng là chủ sở hữu và Chủ tịch của Đầu tư NDH.

Chiều ngược lại, ông Nguyễn Duy Linh, con trai ông Hưng, đã bán thỏa thuận toàn bộ hơn 47,1 triệu cổ phiếu (chiếm 3,11% vốn) như đăng ký để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch được thực hiện từ ngày 19/8 đến 23/8.

Trong thời gian 19/8 đến 23/8, SSI ghi nhận các giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng hơn 48 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 1.571 tỷ đồng (bình quân 32.700 đồng/cp). Tạm chiếu theo mức giá này, lượng cổ phiếu NDH và ông Nguyễn Duy Linh giao dịch trị giá khoảng lần lượt 1.046 tỷ đồng và 1.537 tỷ đồng.

Hiện Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đang nắm 11,7 triệu cp, tương ứng 0,77% vốn. Một người con khác của ông Hưng là ông Nguyễn Duy Khánh đang sở hữu 3,5 triệu cp, tương ứng với 0,32% vốn. Tính chung, ba cổ đông này nắm giữ tỷ lệ hơn 1% vốn.

Tâm điểm thị trường sau đó dồn về Chứng khoán Vietcap (VCI). Bà Trương Nguyễn Thiên Kim, vợ ông Tô Hải -Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán 13,2 triệu cp VCI từ ngày 4/9 đến ngày 3/10 do nhu cầu cá nhân.  Đây là lần đầu tiên bà Kim đăng ký bán cổ phần tại Vietcap kể từ khi công ty niêm yết.

Lần giao dịch gần đây nhất, vợ ông Hải đã mua vào 5 triệu cp trong tháng 7/2017 khi công ty chứng khoán phát hành riêng lẻ 14,8 triệu cp.

Bà Kim dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,17% về 2,18%. Chiếu theo thị giá kết phiên 29/8, cổ đông này có thể thu về khoảng 611 tỷ đồng nếu bán ra. Về phần ông Tô Hải, vị CEO đang là cổ đông lớn nhất sở hữu gần 99,15 triệu cp, tương ứng với 22,44% vốn.

Cũng tại Vietcap, ông Nguyễn Quang Bảo, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội kiêm Phó Tổng Giám đốc, đăng ký bán 2,8 triệu cp từ ngày 30/7 đến ngày 28/8. Tuy nhiên, ông Báo chỉ bán được 1,5 triệu cp (54%) với lý do điều kiện thị trường không thuận lợi. Khối lượng sở hữu giảm xuống 1,7 triệu cp, tương ứng với 0,38% vốn.

Giống SSI, những chuyển động tại Vietcap diễn ra trước thềm tăng vốn. Cụ thể, Vietcap thông báo sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền vào 13/9.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 30% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 3 cổ phiếu mới). Với 441,9 triệu cp đang lưu hành, Vietcap dự kiến sẽ phát hành thêm 132,57 triệu cp mới; qua đó sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 5.745 tỷ đồng. Việc này nằm trong lộ trình tăng vốn từ 4.375 tỷ đồng lên 7.181 tỷ đồng, thông qua phát hành ESOP, thưởng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ.

Xuân Nghĩa