Không chỉ gây sốc với AI, Trung Quốc còn khiến thế giới ngỡ ngàng với những đột phá về thuốc men
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/17/crawl-20250217145517798-20250217145517811.jpg?width=700)
(Hình minh họa: Rose Wong/Economist).
Keytruda, một loại thuốc điều trị ung thư theo cơ chế miễn dịch, đang nằm trong nhóm các dược phẩm sinh lời nhất từ trước đến nay. Kể từ khi được phép bán ra thị trường vào năm 2014, Keytruda đã mang về cho nhà sản xuất Merck của Mỹ hơn 130 tỷ USD doanh thu. Nhưng nó đang phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm.
Vào tháng 9 năm ngoái, một loại thuốc thử nghiệm đã tạo ra kỳ tích. Trong các thử nghiệm giai đoạn cuối đối với bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, loại thuốc này đã kéo dài thời gian sống của bệnh nhân mà không khiến bệnh trở nặng tới 11,1 tháng, gấp đôi con số 5,8 tháng mà Keytruda đem lại.
Kết quả trên khiến giới y khoa kinh ngạc. Và điều khiến mọi người sửng sốt không kém là Aseko - công ty chế tạo loại thuốc nói trên - có quốc tịch Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, bước tiến của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến cả thế giới sửng sốt. Nhưng một chuyển biến khác quan trọng không kém cũng đang diễn ra trong ngành công nghệ sinh học.
Tăng tốc
Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với việc sản xuất lượng lớn các loại thuốc phổ thông, cung cấp nguyên liệu thô và tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thế giới dược phẩm.
Nhưng hiện nay, các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc cũng đang sở hữu công nghệ tiên tiến nhất, chế tạo các loại thuốc mới có mức giá phải chăng hơn sản phẩm tương tự của phương Tây. Trung Quốc đã trở thành nhà phát triển thuốc mới lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/17/e1-2025021714503187.png)
Chính phủ Trung Quốc xác định công nghệ sinh học là ưu tiên chiến lược quốc gia. Vào năm 2015, cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc khởi động một cuộc cải cách đầy tham vọng, tuyển dụng thêm nhiều nhân viên và giải quyết hơn 20.000 đơn đăng ký thuốc tồn đọng chỉ trong vòng hai năm.
Các nhà quản lý cũng tinh gọn quy trình thử nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Reviews Drug Discovery chỉ ra rằng cuộc cải cách đã rút ngắn khoảng thời gian phê chuẩn vòng thử nghiệm trên người đầu tiên từ 501 ngày xuống 87 ngày.
Thời gian cải cách diễn ra trùng với làn sóng “rùa biển hồi hương”, tức hiện tượng các nhà khoa học Trung Quốc trở về nước sau thời gian làm việc hoặc đào tạo ở nước ngoài.
Đồng thời, các quan chức cũng nới lỏng quy định niêm yết, làm tăng thêm sức hấp dẫn của ngành công nghệ sinh học trong mắt các nhà đầu tư. Vốn tài trợ tư nhân cho ngành công nghệ sinh học Trung Quốc đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2016 lên 13,4 tỷ USD năm 2021.
Nhờ sự gia tăng của nhân lực và tài lực, doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây không còn sao chép thuốc của phương Tây. Họ theo đuổi chiến lược “theo dõi nhanh”, tức nghiên cứu các loại thuốc hiện có và cải tiến chúng để tăng cường độ an toàn, tính hiệu quả hoặc khả năng phân phối. Trong giai đoạn 2021 - 2024, số lượng thuốc Trung Quốc đang phát triển đã tăng gấp đôi lên 4.391.
Bà Michelle Xia, nhà sáng lập Akeso, khẳng định: “Ngành dược phẩm Trung Quốc có thể làm việc nhanh gấp đôi hoặc gấp ba bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.
Trên thực tế, đúng là Trung Quốc có khả năng tiến hành thử nghiệm lâm sàng - giai đoạn dài nhất và đắt đỏ nhất trong việc phát triển thuốc - nhanh hơn phương Tây. Lý do là nước này có dân số lớn nên dễ dàng thu hút người tham gia thử nghiệm, đồng thời chính phủ cũng khuyến khích các bác sĩ và bệnh viện hỗ trợ viện nghiên cứu.
Chất lượng từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc cũng được những quốc gia khác công nhận. Ví dụ, kết quả thử nghiệm thuốc điều trị ung thư phổi của Aseko đủ để thuyết phục Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chuyển thẳng loại thuốc này sang thử nghiệm giai đoạn cuối.
Rủi ro từ Mỹ
Tờ Economist cho biết Mỹ là thị trường lớn của các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc, bởi Washington không quản lý giá thuốc chặt chẽ bằng Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc hiếm khi bán thuốc trực tiếp ở Mỹ mà thay vào đó thường thực hiện các thỏa thuận cấp phép. Điều này có nghĩa là công ty Trung Quốc trao cho doanh nghiệp Mỹ quyền bán thuốc bên ngoài Trung Quốc. Đổi lại, công ty Trung Quốc sẽ nhận được một khoản trả trước, cộng thêm tiền khi thuốc đạt được các mục tiêu nhất định và một phần lợi nhuận từ doanh số bán hàng trong tương lai.
Ví dụ, Akeso đã ký một thỏa thuận về thuốc điều trị ung thư phổ với Summit Therapeutics của Mỹ, nhận trước 500 triệu USD và cơ hội kiếm thêm tới 5 tỷ USD, cùng với một phần tiền bản quyền trong tương lai.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/17/e2-20250217145032170.png)
Một trong những rủi ro lớn nhất đối với ngành công nghệ sinh học Trung Quốc là căng thẳng địa chính trị. Cho tới nay, ngành này nhìn chung vẫn tránh được sức nóng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Một nỗ lực nhằm ngăn cản doanh nghiệp Trung Quốc cung ứng một số dịch vụ và thiết bị công nghệ sinh học đang bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ. Nhưng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chĩa mũi dùi vào thương mại của Mỹ với Trung Quốc, ngành công nghệ sinh học có nguy cơ sẽ chịu tổn thương.
![Trung Quốc xây dựng mạng lưới tàu dành riêng cho du khách cao tuổi để giữ bánh xe kinh tế tiếp tục lăn Trung Quốc xây dựng mạng lưới tàu dành riêng cho du khách cao tuổi để giữ bánh xe kinh tế tiếp tục lăn](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/13/crawl-20250213113944571-20250213113944579-avatar-fb-20250213114203991.jpg?width=257&height=172)