|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 1.200 tỷ đồng tuần đỏ lửa, đâu là tâm điểm?

09:17 | 27/10/2024
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index giảm về gần mốc 1.250 điểm, giao dịch khối ngoại nhuốm màu ảm đạm khi họ tiếp tục bán ròng 1.183 tỷ đồng trên toàn thị trường.

VN-Index đóng cửa tuần 21 – 25/10 tại 1.252,72 điểm, giảm mạnh 32,74 điểm tương đương 2,44% so với cuối tuần trước. Thanh khoản suy giảm với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 16.784 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 15.173 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với tuần trước và thấp hơn 8,4% so với trung bình 5 tuần gần nhất.

Lực bán chủ động áp đảo trong 4/5 phiên giao dịch của tuần này, chủ yếu xuất hiện ở nhóm ngân hàng và chứng khoán. Ngược lại, dòng bất động sản vẫn có lực mua chủ động rải rác trong tuần.

Trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tuần qua, BID trở thành “tội đồ” chính khiến thị trường đánh rơi 3,8 điểm. GVR đứng thứ hai với mức ảnh hưởng giảm 3,4 điểm. Ngoài BID, danh mục 10 lực cản chính đến VN-Index còn 5 đại diện khác cũng thuộc nhóm ngân hàng, bao gồm CTG, TCB, MBB, ACB, VIB. Ở phiếu đối diện, EIB và VNM là hai trụ cột chính nâng đỡ thị trường với mức đóng góp lần lượt là 0,7 điểm và 0,3 điểm. 

Giao dịch khối ngoại vẫn nhuốm màu ảm đạm khi họ tiếp tục bán ròng 1.183 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung ở sàn HOSE (1.046 tỷ đồng) và HNX (194 tỷ đồng). Trong khi đó, NĐT ngoại mua ròng hơn 57 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng hơn 35,1 triệu cổ phiếu, tương đương 1.046 tỷ đồng trong tuần qua, trong đó giao dịch chủ yếu thực hiện qua kênh khớp lệnh với 1.040 tỷ đồng. So với tuần trước đó, quy mô xả ròng đã giảm một nửa trong tuần này.

Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với quy mô 302 tỷ đồng. Đứng thứ hai trong Top bán ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 211 tỷ đồng.

Danh mục rút ròng của NĐT nước ngoài còn có những cái tên như MSN (188 tỷ đồng), STB (160 tỷ đồng), VRE (143 tỷ đồng), KDH (129 tỷ đồng), DGC (126 tỷ đồng), VCI (117 tỷ đồng), KBC (86 tỷ đồng) và DGW (76 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dẫn đầu danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 350 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tương đương gần 17,3 triệu cổ phiếu.

Đứng thứ hai trong Top mua ròng là MWG với quy mô 212 tỷ đồng. Mặt khác, khối ngoại cũng gom ròng các mã TCB (156 tỷ đồng), VNM (134 tỷ đồng), CTD (125 tỷ đồng), PDR (76 tỷ đồng), EIB (65 tỷ đồng), SSI (61 tỷ đồng), BVH (57 tỷ đồng) và DXG (53 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 4/5 phiên với giá trị gần 194 tỷ đồng, tương ứng gần 9,4 triệu đơn vị.

Trong đó, họ tập trung bán ròng 130 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS của CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội, theo sau là 47 tỷ đồng mã IDC. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như PVS (38,8 tỷ đồng), TNG (7,5 tỷ đồng) và LAS (7,3 tỷ đồng

Ở phía đối diện, NĐT ngoại rót ròng 28,6 tỷ đồng gom cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn CEO. Cùng chiều, PVI cũng được mua ròng với quy mô gần 6,9 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của BVS, DL1, HVT với giá trị dưới 3 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng cả 5 phiên với quy mô hơn 57 tỷ đồng, tương đương gần 1,8 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh nhất 42,5 tỷ đồng ở cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu MCH (9,5 tỷ đồng), HNG (7,8 tỷ đồng), FT1 (3,6 tỷ đồng), MPC (3,2 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu Top bán ròng với quy mô hơn 17,1 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 1,8 tỷ đồng mã QTP của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như LTG (0,7 tỷ đồng), AAS (0,6 tỷ đồng) và FOC (0,4 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.