|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại hạ nhiệt bán ròng trong tuần VN-Index giảm gần 16 điểm

14:19 | 21/07/2024
Chia sẻ
Trong tuần qua, khối ngoại bán ròng 760 tỷ đồng trên toàn thị trường, giảm hơn 80% so với quy mô rút ròng tuần trước đó.

Trong tuần (15 - 19/7), phiên thứ Hai diễn ra khá ảm đạm với thanh khoản thấp thể hiện sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Sau đó VN-Index đã không thể vượt kháng cự 1.290 và bất ngờ giảm mạnh phiên ngày 17/7, đi ngược lại với diễn biến tăng mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ. Hai phiên cuối tuần chỉ số chính sàn HOSE trong thế giằng co với ưu thế về nghiêng về bên bán.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

VN-Index chốt tuần tại 1.264 giảm 15,97 điểm, giảm 1,25% so với tuần trước. Đà giảm của VN-Index trong tuần này đến từ nhiều cổ phiếu đã tăng khá mạnh trong giai đoạn trước, đứng đầu là HVN với mức giảm 24,1% trong tuần đã lấy đi 4,2 điểm của VN-Index. GVR xếp thứ hai với mức ảnh hưởng giảm gần 3,1 điểm và vị trí thứ 3 là FPT với mức giảm mạnh hơn tuần trước cũng đã ảnh hưởng đến VN-Index với 2,7 điểm.

Chiều tăng điểm chứng kiến sự trở lại của nhóm ngân hàng với 8/10 mã, trong đó dẫn đầu là MBB với mức tác động 3,2 điểm.

Trên HOSE, NĐT nước ngoài chưa ngừng xả ròng với tổng khối lượng gần 9,2 triệu cổ phiếu, tương đương quy mô hơn 778 tỷ đồng. Điểm sáng trong tuần là 2 phiên mua ròng của khối ngoại với tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng, giúp tổng quy mô bán ròng đã giảm hơn 80% so với tuần trước đó. Tính riêng kênh khớp lệnh, nhà đầu tư bán ròng gần 1.276 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong đó, cổ phiếu MSN bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 483 tỷ đồng, ghi nhận 2 tuần liên tục bị bán ròng. Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu FPT với 376 tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 3 triệu đơn vị. Dưới sức ép bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu FPT có nhịp giảm gần 6% so với tuần trước xuống 126.000 đồng/cp, nằm trong Top 3 cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index. 

Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như VHM (293 tỷ đồng), VPB (204 tỷ đồng), HSG (150 tỷ đồng), VND (117 tỷ đồng), VNM (113 tỷ đồng), VIC (99 tỷ đồng), PVD (98 tỷ đồng) và TCB (88 tỷ đồng).

Bên chiều mua ròng, SBT được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 437 tỷ đồng với khối lượng khoảng 34 triệu đơn vị. Trong đó, hoạt động giải ngân tập trung trong phiên cuối tuần khi NĐT nước ngoài mạnh nay mua ròng 419 tỷ đồng cổ phiếu của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa với giá trị 419 tỷ đồng. Đây cũng là phiên khối ngoại mua ròng kỷ lục mã cổ phiếu này.  

Trở lại với giao dịch của khối ngoại tuần qua, MWG và NLG cũng được mua ròng lần lượt 274 tỷ và 166 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của chứng chỉ quỹ FUEVFVND, TNH, HDB, CTG, PLX, VCB, BCM với quy mô 52 – 125 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 3/5 phiên. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư rút ròng với giá trị hơn 60 tỷ đồng với khối lượng gần 1,6 triệu đơn vị.

Trong đó, cổ phiếu PVI của CTCP PVI dẫn đầu bên bán với giá trị hơn 79,7 tỷ đồng. Mã IDC cũng bị rút ròng 16,9 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã CEO (12,7 tỷ đồng), VGS (11,8 tỷ đồng) và VCS (9,3 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, khối ngoại tiếp tục mua ròng 32,1 tỷ đồng ở cổ phiếu MBS của Chứng khoán MB. Theo sau là PVS (30,5 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như TIG (16 tỷ đồng), NTP (4,2 tỷ đồng), TNG (3,2 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 4/5 phiên và mua ròng duy nhất phiên 15/7. Dù vậy, tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài gom ròng hơn 80 tỷ đồng, nhưng bán ròng với khối lượng gần 127.490 đơn vị.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng gần 55,1 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã ACV (27,2 tỷ đồng), VEA (13,7 tỷ đồng), BSR (6,2 tỷ đồng) và OIL (4,1 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 10,3 tỷ đồng cổ phiếu PHP của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như DGT (5,1 tỷ đồng), LTG (4,8 tỷ đồng), QNS (3 tỷ đồng), DDV (3 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo