Khối ngoại chỉ còn mua ròng nhẹ trên HOSE tuần VN-Index vượt 1.225 điểm, tập trung MSB, DCM
Tâm lý tích cực tiếp tục được duy trì trong tuần, thể hiện ở phiên đầu tuân tăng mạnh tạo gap tại 1.211, chỉ số sau đó tiếp tục diễn biến tăng điểm trong phiên tiếp theo và hướng đến mốc 1.234,5. Tại đây áp lực chốt lãi đã liên tục xuất hiện, kéo VN-Index rơi vào diễn biến điều chỉnh trong 3 phiên (từ 1 – 3/8).
Tuy nhiên những thông tin tích cực về việc xử lý pháp lý đã xuất hiện trong phiên cuối tuần giúp VN-Index lấy lại những gì đã mất và chốt tuần khá gần vùng đỉnh cũ. Chốt tuần tại 1.225,98 điểm, VN-Index tăng 18,31 điểm, tương đương tăng 1,5% và kéo dài chuỗi tăng điểm lên 5 tuần.
Nhóm cổ phiếu Vingroup là đầu kéo chính cho VN-Index trong tuần sau các thông tin như VinFast có thể niêm yết lên sàn Nasdaq trong quý III/2023; đồng thời kết quả kinh doanh khả quan của VHM. VIC và VHM đã giúp VN-Index tăng lần lượt 11,02 điểm và 4,94 điểm. Nhóm ngân hàng cũng chiếm 5 vị trí trong top 10 với các đại diện BID, ACB, CTG, EIB và SHB, tổng cộng đã giúp VN-Index tăng 8,2 điểm.
Chiều giảm điểm, VCB đã điều chỉnh 3,1% trong tuần làm chỉ số giảm 34,2 điểm và là cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong tuần.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Trong bối cảnh thị trường nối dài sắc xanh, khối ngoại đã mua ròng nhẹ gần 80 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó dẫn đầu là MSB và DCM với giá trị mua ròng lần lượt 589 tỷ đồng và 224 tỷ đồng.
Chiều bán ròng, HPG bị khối này bán ra hơn 414 tỷ đồng là trở thành cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất. Theo thông báo mới đây, doanh thu thuần của Hoà Phát đạt 29.496 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 11% so với quý I.
Quý II, doanh thu thuần từ mảng thép của Hòa Phát đạt 28.120 tỷ đồng, bằng gần 80% so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng đã cải thiện, tăng 13% so với quý I. Doanh thu xuất khẩu tăng từ 4.067 tỷ lên 10.439 tỷ, nâng tỷ trọng xuất khẩu từ 15% lên 35% trên tổng doanh thu hợp nhất tập đoàn.
Trong khi doanh thu bán hàng của Hòa Phát quý này tăng 8% so với quý trước, giá vốn hàng hóa và thành phẩm đã bán chỉ tăng 3%. Lợi nhuận tập đoàn cũng phục hồi quý thứ hai liên tiếp sau khi lỗ lớn nửa cuối năm ngoái. Quý II, Hoà Phát lãi ròng 1.460 tỷ, bằng 36% cùng kỳ song đã tăng gấp hơn 3,6 lần quý I.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà mua ròng gần 67 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 69,8 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần. Bên cạnh đó, danh mục rót ròng có sự góp mặt của SHS (32,6 tỷ đồng), TNG (18,5 tỷ đồng), CEO (14,7 tỷ đồng), VNR (2,4 tỷ đồng), ....
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 43,8 tỷ đồng ở cổ phiếu PVI, theo sau là 7,3 tỷ đồng mã PVS. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như BCC, NVB, MBG,... với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.441 tỷ đồng, tâm điểm là giao dịch cổ phiếu VNZ.
Tại chiều mua, cổ phiếu MCH của Hàng tiêu dùng Masan dẫn đầu với quy mô gần 6,8 tỷ đồng. Kế đó, mã PAT cũng được gom ròng 3,5 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân còn được chứng kiến ở các cổ phiếu QTP, MPC, ABI với quy mô quanh ngưỡng 2 tỷ đồng.
Bên phía còn lại, giao dịch bán ròng tuần qua chủ yếu ghi nhận ở cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG với quy mô 1.111,6 tỷ đồng.
Theo công bố mới đây, CTCP Công nghệ BigV mua thành công hơn 1,74 triệu cổ phiếu VNZ của CTCP VNG. Trước giao dịch, BigV là cổ đông lớn nắm giữ 1,64 triệu cổ phiếu VNZ, tương đương 5,72% cổ phần của VNG. Sau thương vụ trên, BigV nâng tỷ lệ lên 11,78%, tương đương gần 3,4 triệu cổ phiếu VNZ.
Nhận định về diễn biến thị trường tuần tới, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng VN-Index kết tuần tạo nến xanh tăng điểm, tiệm cận lại khu vực đỉnh cũ quanh 1.230. Hầu hết các chỉ báo ở khung đồ thị ngày đều đã hình thành đỉnh đầu tiên và đang hướng lên trở lại.
Với diễn biến hiện tại, VN-Index vẫn sẽ có những phiên tăng điểm, bám sát lại khu vực kháng cự ngắn hạn quanh 1.230 trước khi xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh và bất ngờ hơn.