|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng gần 7.400 tỷ đồng hai cổ phiếu trong tuần VN-Index hồi phục nhẹ

19:30 | 03/11/2024
Chia sẻ
Trong tuần qua, quy mô xả ròng ở hai mã VIB và MSN đã chiếm 96% giá trị rút ròng của khối ngoại trên HOSE.

VN-Index đóng cửa tuần giao dịch 28/10 – 1/11 tại 1.254,89 điểm, tăng nhẹ 2,17 điểm tương đương 0,17% so với tuần trước, với thanh khoản duy trì ở vùng đáy. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) đạt 16.382 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân ghi nhận 12.383 tỷ đồng, giảm mạnh 18,3% so với tuần 43 và 23,9% so với trung bình 5 tuần gần nhất.

Cầu chủ động kém đi ở hầu hết các phiên giao dịch trong tuần, ghi nhận ở cả 3 nhóm vốn hóa. Trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tuần qua, VHM trở thành “tội đồ” chính khiến thị trường đánh rơi 2,4 điểm. VNM đứng thứ hai với mức ảnh hưởng giảm 1,1 điểm.

Ở phiếu đối diện, VCB và CTG là hai trụ cột chính nâng đỡ thị trường với mức đóng góp lần lượt là 2,3 điểm và 1,3 điểm.  Bên cạnh đó, 5 đại diện khác cũng thuộc nhóm ngân hàng, bao gồm STB, VIB, LPB, BID, TCB, SSB đều nằm trong Top 10 mã có đóng góp tích cực lên VN-Index.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng gần 7.658 tỷ đồng, giao dịch chủ yếu được thực hiện qua kênh thỏa thuận. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 1.357 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VIB với quy mô 5.400 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận của NĐT nước ngoài tập trung trong phiên 29/10 với khối lượng lên đến 300,1 triệu cổ phiếu, mức giá phổ biến là 18.000 đồng/cp. Tổng giá trị thỏa thuận lên đến 5.400 tỷ đồng. Với gần 2,98 tỷ cổ phiếu VIB đang được lưu hành, số cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng chiếm hơn 10% vốn cổ phần Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam.

Một cổ phiếu khác cũng bị khối này xả ròng đột biến là MSN với giá trị 1.953 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong Top bán ròng. Như vậy, chỉ hai mã VIB và MSN đã chiếm 96% giá trị rút ròng của khối ngoại.

Danh mục rút ròng của NĐT nước ngoài còn có những cái tên như VHM (528 tỷ đồng), HPG (222 tỷ đồng), SSI (166 tỷ đồng), BID (136 tỷ đồng), VCB (120 tỷ đồng), KBC (113 tỷ đồng), HDB (113 tỷ đồng), KDC (105 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dẫn đầu danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị gần 700 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tương đương gần triệu cổ phiếu.

Đứng thứ hai trong Top mua ròng cũng là một cổ phiếu ngành ngân hàng - TCB với quy mô 323 tỷ đồng. Mặt khác, khối ngoại cũng gom ròng các mã GMD (177 tỷ đồng), MWG (164 tỷ đồng), CTG (118 tỷ đồng), EIB (117 tỷ đồng), BMP (90 tỷ đồng), FPT (89 tỷ đồng), CTD (52 tỷ đồng), PDR (41 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 3/5 phiên với giá trị gần 117 tỷ đồng, tương ứng hơn 9,1 triệu đơn vị.

Trong đó, họ tập trung bán ròng 109 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS của CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội, theo sau là 19,3 ỷ đồng mã PVS. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như CEO (8,9 tỷ đồng), PGT (4,4 tỷ đồng), VGS (2,9 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, NĐT ngoại rót ròng 24,7 tỷ đồng gom cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG. Cùng chiều, IDC cũng được mua ròng với quy mô gần 6,4 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của PVI, BVS, SLS với giá trị dưới 3 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng 4/5 phiên nhưng bán ròng với quy mô hơn 35 tỷ đồng, tương đương gần 2,1 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh nhất 38,7 tỷ đồng ở cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch giải ngân vào các cổ phiếu MCH (17,8 tỷ đồng), ABW (3,1 tỷ đồng), ABI (3 tỷ đồng), MPC (2,5 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu WSB của CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây dẫn đầu Top bán ròng với quy mô hơn 87,9 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng 7 tỷ đồng mã HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như BSR (6,3 tỷ đồng), VEA (1,2 tỷ đồng), VAB (0,7 tỷ đồng), …

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.