|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Infographic: Các 'cá mập' cam kết đầu tư hơn 318 tỷ đồng cho 31 startup trong Shark Tank mùa 5

12:03 | 10/09/2022
Chia sẻ
Shark Tank Việt Nam mùa 5 vừa khép lại với tập cuối cùng được phát sóng vào hôm 5/9.

Theo thống kê của chúng tôi, mùa 5 ghi nhận 31 startup giành được cam kết đầu tư từ các cá mập trên sóng truyền hình với tổng số tiền đầu tư ước tính lên tới con số 318,5 tỷ đồng (giá trị tiền USD được quy đổi theo giá bán ra tại Ngân hàng Vietcombank ngày 5/9 với 1 USD = 23.600 đồng).

Trong đó, Thương vụ Bạc tỷ mùa 5 cũng ghi nhận 5 deal triệu đô. Trong đó, Shark Liên đầu tư hai thương vụ gồm Em & AI (1 triệu USD) và e-Timber (2 triệu USD); Shark Hùng Anh đầu tư 1 triệu USD cho Hệ thống Anh ngữ Á Châu (đã giải ngân); Shark Bình rót 1 triệu USD cho Melya; startup Nerman thuyết phục Shark Phú và Shark Bình cùng đầu tư 1 triệu USD.

 

Vị cá mập giành được nhiều deal nhất trên sóng truyền hình là Shark Hùng Anh với tổng cổng 10 thương vụ, gồm: Hệ thống Anh ngữ Á Châu, Shondo, Robot Delta X, Remaps, Hanz, Trường Foods, Dauthau.net, Bh.nong, Ecosoi, Jaros Candle.

 

Hội đồng đầu tư của Shark Tank Việt Nam mùa 5 đã rút tổng cộng 9 vé vàng (Golden Ticket) với 3 tổng giá trị lên tới 1,75 tỷ đồng. Shark Liên là người rút nhiều vé vàng nhất (4 lần) dành cho Seesaw (100 triệu đồng), Jaros Candle (100 triệu đồng), Vmeta (100 triệu đồng) và vé vàng có giá trị cao nhất thuộc về startup IRC do tuyển thủ quốc gia Lương Xuân Trường làm đồng sáng lập với 500 triệu đồng từ Shark Liên.

 

Shark Hùng Anh cũng là người tích cực rút vé vàng với 3 lần dành cho Seesaw (150 triệu đồng dù không đầu tư), Jaros Candle (100 triệu đồng) và Hệ thống Anh ngữ Á Châu (100 triệu đồng). Shark Hưng rút vé vàng với 400 triệu đồng dành cho startup Jungle Boss và Thịt chua Trường Foods nhận vé vàng trị giá 200 triệu đồng từ Shark Bình.

 Shark Linh và Shark Erik chỉ cam kết đầu tư trực tiếp vào một startup duy nhất. Trong đó, Shark Erik rót 100.000 USD cho 10% cổ phần của Meta Class và Shark Linh cam kết đầu tư 5 tỷ đồng cho 25% của 8K Studio. Ngoài ra, Shark Erik có bắt tay chung cùng Shark Liên và Shark Hùng Anh đầu tư vào Jaros Candle; liên minh với Shark Liên trong deal với Seesaw.

 

Trong khi đó, Shark Linh bắt tay cùng Shark Louis Nguyễn, Shark Liên để đầu tư chung vào Bánh mì Má Hải. Hồi đầu mùa 5, trước lùm xùm chưa giải ngân vốn cho bất cứ startup nào dù ngồi ghế nhà đầu tư tới 4 mùa, Shark Liên có tiết lộ đã rót tiền cho một vài dự án khởi nghiệp, song từ chối tiết lộ danh tính vì mong muốn của startup.

Đáng chú ý, Shark Louis Nguyễn là cá mập duy nhất không có một thương vụ đầu tư trực tiếp nào trong mùa 5.

Trái ngược với 3 mùa trước đó, Shark Phú xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 5 với vai trò khách mời. Ông có hai thương vụ đầu tư 6 tỷ đồng đổi lấy 50% cho startup sản xuất phụ kiện Make in Vietnam, velasboost, đi kèm với cam kết hỗ trợ startup hệ thống nhà máy cũng như nguồn lực phát triển sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hải Vũ, CEO Founder của velasboost tiết lộ quá trình thẩm định đang diễn ra khá thuận lợi và có thể, velasboost sẽ là startup duy nhất được Shark Phú giải ngân vốn trong mùa 5.

Ngoài ra, Shark Phú cũng có màn kết hợp với Shark Bình đầu tư cho startup Nerman với 1 triệu USD cho 27% cổ phần, đây là startup gây ra lùm xùm bùng kèo với Shark Bình sau khi lên sóng.

Cụ thể, Nerman bị Shark Bình tố trục lợi danh tiếng của chương trình song phía startup khẳng định họ chỉ thay đổi kế hoạch gọi vốn, từ chối nhận đầu tư với Shark Bình. Trả lời chúng tôi khi đó, CEO Thanh Định của Nerman cho biết startup đang tiếp tục thẩm định với Shark Phú.

Trong Shark Tank Việt Nam mùa 5, đã có 56 startup thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ, giáo dục, thực phẩm - F&B, thiết kế - xây dựng, nông nghiệp, thời trang, du lịch, y tế, dịch vụ, hóa mỹ phẩm, điện tử... được lên sóng truyền hình giới thiệu mô hình kinh doanh cũng như các ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp tới hàng triệu công chúng trong và ngoài nước.

Thành Vũ - Chu Toàn