|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

HPG dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại 4 tháng đầu năm, HSG xếp thứ 3

21:36 | 30/04/2023
Chia sẻ
Sau khi bị bán ròng gần 4.200 tỷ đồng trong năm 2022, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát lại được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích và gom vào gần 2.700 tỷ trong 4 tháng đầu năm 2023.

Cổ đông tham dự đại hội thường niên của Hòa Phát. (Ảnh: Đức Quyền).

Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm HOSE, HNX, và UPCoM) đạt xấp xỉ 933.600 tỷ đồng, tương ứng với mức bình quân 11.818 tỷ đồng mỗi phiên. So với cùng kỳ năm 2022, thanh khoản thị trường 4 tháng qua giảm tới 60%.

Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là 189.568 tỷ đồng, chỉ giảm 35% so với 4 tháng đầu năm ngoái. Do đi xuống chậm hơn nên tỷ trọng giao dịch của khối ngoại so với thanh khoản toàn thị trường tăng từ 6,3% trong 4 tháng đầu 2022 lên 10,2% trong 4 tháng đầu năm nay.

Trong đó, tổng giá trị khối ngoại mua vào là 97.532 tỷ đồng, giá trị bán ra là 92.036 tỷ. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5.496 tỷ đồng trong 4 tháng vừa qua, trái ngược với giá trị bán ròng 2.541 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại gom thêm nhiều nhất từ đầu năm đến nay là HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị mua ròng 2.678 tỷ đồng, gần gấp đôi cổ phiếu đứng ngay sau là IDP của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế.

Năm 2022, khối ngoại bán ròng 4.194 tỷ đồng HPG, nhiều thứ 2 chỉ sau mã EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Năm 2022 cũng là giai đoạn đầy thách thức với Hòa Phát, đặc biệt là nửa cuối năm. Trong quý III và IV năm ngoái khi giá thép liên tục giảm sút và sản lượng tiêu thụ tụt dốc, Hòa Phát lỗ sau thuế tổng cộng 3.784 tỷ đồng, kỷ lục trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.

Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 30/3, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đánh giá giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua. Trong quý I/2023, Hòa Phát ghi nhận lãi sau thuế 383 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi thua lỗ hai quý liên tục.

Trong báo cáo ngày 28/4, Hòa Phát cũng nhận định thời kỳ khó khăn nhất đã qua, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều thử thách với ngành thép.

Sau khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero COVID hà khắc, với kỳ vọng về các biện pháp thúc đẩy bất động sản sẽ kéo nhu cầu thép lên cao hơn, giá bán thép thế giới đầu năm 2023 đã tăng nhẹ và mang đến một vài tín hiệu khởi sắc cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép.

Tuy nhiên, giá nguyên nhiên liệu đầu vào đồng thời cũng tăng khiến cho biên lợi nhuận tuy đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể. Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát được nhận định là đã chạm đáy vào quý IV/2022 và bắt đầu hồi phục dần trong quý I/2023 với biên lợi nhuận gộp đạt 6% và biên lợi nhuận thuần đạt 1,4%.

 

Một cổ phiếu thép khác cũng góp mặt trong top 10 mua ròng của khối ngoại 4 tháng đầu năm là HSG của Tập đoàn Hoa Sen với giá trị 900 tỷ đồng, xếp thứ 3. Tương tự Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen cũng chấm dứt chuỗi hai quý thua lỗ liên tiếp bằng khoản lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023.

Hoa Sen đạt được kết quả khả quan này nhờ kiểm soát chặt chi phí. Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm hai chữ số so với cùng kỳ năm trước.

Cổ phiếu POW của PV Power và HDB của HD Bank lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 trong top khối ngoại mua ròng, với giá trị tương ứng là 746 và 703 tỷ đồng. VRE của Vincom Retail đứng thứ 6 với 588 tỷ đồng. Tiếp đến là SSI của Chứng khoán SSI được nhà đầu tư nước ngoài gom thêm 554 tỷ đồng.

Trong top 10 còn hai cổ phiếu khác của ngành chứng khoán là VCI của Chứng khoán Vietcap (tên cũ là Chứng khoán Bản Việt) và HCM của Chứng khoán HSC.

 

Trong top 10 bán ròng của khối ngoại, cổ phiếu EIB của Eximbank dẫn đầu với 3.285 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cổ phiếu ngân hàng xếp ngay sau là STB của Sacombank với giá trị bán ròng 671 tỷ đồng.

Trong năm 2022, EIB cũng là quán quân bán ròng với giá trị 4.943 tỷ đồng. Ngược lại, STB từng dẫn đầu danh sách mua ròng khi được gom thêm 4.590 tỷ trong năm ngoái.

Trong top 10 bán ròng 4 tháng đầu năm 2023 còn một cổ phiếu ngân hàng khác là VCB của Vietcombank.

Đại hội cổ đông thường niên do Vietcombank tổ chức ngày 21/4 vừa qua đã phê duyệt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng tối thiểu 15% so với năm ngoái lên gần 43.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 9%, dư nợ tín dụng đi lên tối đa 14%, tỷ lệ nợ xấu phấn đấu dưới 1,5%.

Sacombank và Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế lần lượt là 9.500 tỷ và 5.000 tỷ đồng trong năm nay.

 

Đức Quyền

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.