|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hoa Lâm Group sắp toàn quyền phát triển tổ hợp hàng trăm triệu USD ở khu Tây Sài Gòn, tái khởi động Aio City

17:06 | 26/10/2021
Chia sẻ
Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la ở cửa ngõ Tây Sài Gòn trước đây do Hoa Lâm Group liên doanh với đối tác ngoại triển khai. Song song với kế hoạch rút lui khỏi thị trường Việt Nam của đối tác, thời gian gần đây Hoa Lâm Group liên tục huy động vốn để nhận chuyển nhượng lại phần vốn này.
Hoa Lâm Group muốn mua lại vốn từ cổ đông ngoại, toàn quyền phát triển tổ hợp dự án khu Tây Sài Gòn - Ảnh 1.

Một góc Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la. (Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP HCM).

Cổ đông ngoại từng bước thoái vốn tại Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la

Năm 2008, CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (Hoa Lâm Group) được UBND TP HCM giao phát triển Khu y tế Kỹ thuật cao tại quận Bình Tân. Sau đó liên doanh Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La được thành lập để thực hiện dự án, trên cơ sở hợp tác giữa Shangri-La Healthcare Investment Pte.Ltd (70%) và Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm (30%).

Trong đó, nhà phát triển bất động sản Aseana Properties Limited (ASPL) sở hữu 51% vốn tại Dịch vụ Hoa Lâm và 73% vốn tại Shangri-La Healthcare Investment Pte.Ltd.

Theo thông tin từ Aseana, Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la có tổng quy mô 37,5 ha với 19 lô đất, trong đó có 6 lô đất dành để phát triển bệnh viện. Toàn dự án có tổng mức đầu tư khoảng 770 triệu USD, được phát triển trong 9 năm và phân kỳ thành 5 giai đoạn.

Bệnh viện Quốc tế City (CIH) có quy mô 2,5 ha là bệnh viện đa khoa đầu tiên được phát triển trong Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la. Dự án CIH được hoàn thành vào tháng 3/2013 và chính thức hoạt động từ tháng 1/2014.

Ngoài CIH, tại quỹ đất trong Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la đã hình thành AEON Mall Bình Tân và dự án Aio City (Khu nhà ở D2 và D3).

Hoa Lâm Group muốn mua lại vốn từ cổ đông ngoại, toàn quyền phát triển tổ hợp dự án khu Tây Sài Gòn - Ảnh 2.

Các khu đất thuộc Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la tại số 532A Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM. (Nguồn: Phòng kinh doanh Hoa Lâm Group).

Từ nhiều năm nay, Aseana có kế hoạch chuyển nhượng một số khu đất và khoản đầu tư tại Việt Nam, trong bối cảnh kết quả kinh doanh của tập đoàn liên tục lỗ. Trong năm 2020, Aseana lỗ 11,4 triệu USD, phần lớn do chi phí tài chính phát sinh từ các khoản đầu tư, trong đó có Bệnh viện Quốc tế City.

Aseana cũng cho biết thêm, một số khoản vay của tập đoàn tại Việt Nam được đảm bảo bằng Bệnh viện Quốc tế City và các khu đất phát triển liền kề. Aseana sẽ bán các khoản đầu tư này để trả nợ hoặc cơ cấu nợ. Trước đó vào năm 2018, Aseana đã ký thỏa thuận chuyển nhượng một lô đất tại Bệnh viện Quốc tế City với giá 6,6 triệu USD.

Aseana niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán London vào đầu tháng 4/2007. Tập đoàn chuyên đầu tư BĐS tại Malaysia và Việt Nam, thông qua việc mua lại, phát triển và tái phát triển khu dân cư, thương mại và khách sạn cao cấp. Aseana từng sở hữu 6,9% vốn tại Nam Long (Mã: NLG), tính đến cuối năm 2019.

Cuối tháng 8 vừa qua, Aseana công bố đã ký thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp tại Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la và Bệnh viện Quốc tế City cho Hoa Lâm Group với giá ước tính 95 triệu USD, qua đó rút khỏi thị trường Việt Nam và tập trung cho 4 dự án tại Malaysia. Dự kiến giao dịch sẽ được thực hiện trong vài tháng tới.

Cập nhật đến đầu tháng 10, Dịch vụ Hoa Lâm không còn vốn ngoại nên nhiều khả năng Aseana đã hoàn tất thoái vốn tại đơn vị này.

Hoa Lâm Group tiến tới toàn quyền sở hữu Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la, tái khởi động Aio City

Cuối tháng 9 vừa qua, CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, Mã: VBB) chi nhánh TP HCM đã thu xếp cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Gia An phát hành 456 tỷ đồng trái phiếu để nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La từ Shangri - La Healthcare Investment Pte.Ltd.

Nếu thương vụ này diễn ra thành công, Hoa Lâm Group sẽ chính thức sở hữu 100% vốn tại Y tế Hoa Lâm – Shangri-La thông qua các đơn vị liên quan.

Tính từ cuối năm ngoái đến nay, nhóm doanh nghiệp liên quan đến Hoa Lâm Group đã phát hành trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu để phát triển các dự án thành phần tại Khu y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la.

Hoa Lâm Group muốn mua lại vốn từ cổ đông ngoại, toàn quyền phát triển tổ hợp dự án khu Tây Sài Gòn - Ảnh 5.

Trong diễn biến mới nhất, dự án Aio City vừa khởi động trở lại vào ngày 24/10 sau khi được cấp phép xây dựng vào cuối tháng 9. Nhà thầu chính cũng được thay đổi từ CTCP Xây dựng Central sang CTCP Cơ khí và Đầu tư Xây dựng số 9 (Coma 9).

Theo giới thiệu của Hoa Lâm Group trước đây, Aio City có diện tích 21.560 m2, cao 28 tầng với 2.300 sản phẩm (căn hộ, văn Phòng, shophouse, officetel,…).

Tại TP HCM, Hoa Lâm Group sở hữu các tòa nhà: Lim Tower (9-11 Tôn Đức Thắng, quận 1), Lim Tower 2 (158 Võ Văn Tần, quận 3), Lim Tower 3 (29A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1),...

Theo thông tin tự giới thiệu, doanh nghiệp đang tiếp tục phát triển nhiều dự án khác như Khu dân cư 2, 3, 4 (80 ha) và dự án văn phòng kết hợp khu thương mại căn hộ (1,6 ha) tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2; Chung cư Kingdom 101 cao 30 tầng (334-334 Tô Hiến Thành, quận 10); Khu phức hợp trung tâm thương mại - khách sạn - văn phòng - căn hộ (quận 1);…

Nguyên Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.