|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hết thời ‘đốt tiền’ cho mặt bằng vàng?

08:00 | 20/09/2024
Chia sẻ
Ngoài vị trí vật lý, những yếu tố vô hình như chất lượng sản phẩm, các chiến dịch marketing,... cũng có thể trở thành "mặt bằng vàng" tạo giá trị cho các thương hiệu.

 

Ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB, chuyên gia tư vấn cấp cao về vận hành F&B tại Việt Nam.

Việc Starbucks và McDonald’s trả mặt bằng tại các vị trí đắc địa như Bến Thành, Hàn Thuyên có thể là dấu hiệu cho thấy thời kỳ các thương hiệu đổ tiền vào những mặt bằng vàng để chiếm lĩnh thị trường đã qua đỉnh cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kết thúc hoàn toàn.

Các cửa hàng flagship của những thương hiệu này đã hoàn thành sứ mệnh tạo dấu ấn trong giai đoạn đầu. Những điểm bán này giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường, nhưng khi đã đạt được độ nhận diện nhất định, việc duy trì chi phí thuê cao có thể không còn mang lại hiệu quả tài chính.

Ngoài ra, yếu tố chi phí vận hành là lý do lớn. Ví dụ, giá thuê mặt bằng tại các khu trung tâm như Bến Thành thường dao động từ 25.000 - 30.000 USD/tháng. Trong khi doanh thu từ các cửa hàng tại những vị trí này có thể không còn tương xứng với chi phí.

Quyết định trả mặt bằng có thể là động thái tối ưu hóa tài chính khi thương hiệu nhận thấy rằng việc giữ lại không còn mang lại lợi ích kinh tế tương đương với chi phí bỏ ra. Đây cũng là chiến lược điều chỉnh linh hoạt, giúp các thương hiệu tái cơ cấu chi phí để tập trung vào các khu vực khác có lợi nhuận cao hơn hoặc kênh bán hàng khác như trực tuyến.

Mặt bằng đẹp vốn luôn có vai trò chiến lược trong việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là ở giai đoạn mở rộng thị trường và nâng cao nhận diện. Một vị trí đắc địa không chỉ đơn thuần là nơi bán hàng mà còn là công cụ marketing mạnh mẽ. Việc đầu tư vào các vị trí này thường đến từ các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, như trường hợp của Danny Green tại ngã 6 Phù Đổng với chi phí thuê lên đến 700-750 triệu đồng/tháng.

Thương hiệu không chỉ nhìn vào doanh thu trực tiếp mà còn nhìn vào giá trị tổng hợp từ hiệu ứng truyền thông và nhận diện thương hiệu mà vị trí đắc địa mang lại. Đối với thương hiệu Danny Green – một thương hiệu nông sản hữu cơ cao cấp, vị trí ngã 6 Phù Đổng giúp thương hiệu kết nối trực tiếp với nhóm khách hàng mục tiêu, tăng cường sự hiện diện và khẳng định giá trị của sản phẩm.

Bên cạnh đó, yếu tố Earned Media cũng đáng kể. Một cửa hàng tại vị trí như ngã 6 Phù Đổng có thể thu hút hàng triệu lượt khách qua lại mỗi tháng, biến cửa hàng thành một bảng quảng cáo sống động, tạo ra giá trị marketing tự nhiên mà các chiến dịch quảng cáo khác không thể đạt được. Giá trị này có thể tương đương với 5-7 tỷ đồng mỗi năm, giúp tiết kiệm chi phí quảng cáo và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc đánh đổi lợi nhuận để lấy mặt bằng đẹp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên mục tiêu tài chính và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Đối với các thương hiệu lớn, điều này có thể mang lại lợi ích nhưng với các chuỗi nhỏ, cần tính toán cẩn thận để tránh rủi ro tài chính.

Sự phát triển của các kênh bán hàng online, đặc biệt trong ngành F&B, đang tạo ra một sự chuyển dịch trong chiến lược lựa chọn mặt bằng. Mặc dù doanh thu từ kênh online chỉ chiếm 10% tổng doanh thu của toàn ngành, nhưng đối với các mô hình fast food hay đồ uống, tỷ lệ này có thể lên tới 40-50%. Tuy nhiên, doanh thu từ cửa hàng vật lý vẫn chiếm phần lớn, đặc biệt đối với các thương hiệu lớn và các chuỗi chuyên nghiệp.

Việc tăng trưởng bán hàng trực tuyến có thể làm giảm vai trò của mặt bằng đắc địa, nhưng không hoàn toàn loại bỏ nó. Thay vào đó, các thương hiệu cần tìm cách kết hợp cả hai hình thức bán hàng, tối ưu hóa cả cửa hàng vật lý và kênh trực tuyến để tận dụng tối đa các nguồn doanh thu. Đồng thời, việc lựa chọn mặt bằng sẽ thay đổi theo hướng tập trung vào diện tích và chức năng phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng hiện đại.

Trong bối cảnh mà mặt bằng đẹp không còn là yếu tố cạnh tranh duy nhất, các thương hiệu F&B cần phải chuyển hướng. Xu hướng cạnh tranh sẽ tập trung nhiều hơn vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Sự kết hợp giữa khẩu vị độc đáo, chất lượng nguyên liệu, nghệ thuật chế biến và phong cách phục vụ chuyên nghiệp sẽ là những yếu tố thu hút khách hàng.

Thương hiệu không chỉ cần phải mạnh về mặt sản phẩm mà còn phải có chiến lược marketing thông minh, nhất là trong bối cảnh kênh trực tuyến ngày càng phát triển. Sự kết hợp giữa trải nghiệm trực tuyến và ngoại tuyến, cũng như khả năng kết nối thương hiệu với khách hàng thông qua các hoạt động quảng bá trên mạng xã hội và các chiến dịch marketing độc đáo, sẽ giúp các thương hiệu tạo ra sự khác biệt trong thị trường ngày càng cạnh tranh.

Đối với các chuỗi/cửa hàng nhỏ lẻ, chiến lược mặt bằng cần linh hoạt và tối ưu hóa chi phí. Mô hình tinh gọn, như kiosk hoặc cửa hàng nhỏ tập trung vào take-away hoặc giao hàng trực tuyến, là xu hướng phổ biến để giảm chi phí mặt bằng và tăng hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực Việt Nam nhấn mạnh tính kết nối trong trải nghiệm ăn uống, vì vậy một mặt bằng thuận tiện, không gian thoải mái vẫn là yếu tố thu hút khách hàng quan trọng.

Các chuỗi nhỏ nên cân nhắc kỹ giữa lợi nhuận ngắn hạn và giá trị lâu dài mà mặt bằng có thể mang lại. Một chiến lược mặt bằng hiệu quả không nhất thiết phải dựa vào vị trí đắc địa nhất, mà quan trọng là sự phù hợp với phân khúc khách hàng và mục tiêu kinh doanh.

Ông Đỗ Duy Thanh - Giám đốc FnB, chuyên gia tư vấn cấp cao về vận hành F&B tại Việt Nam