Hải Phòng, Quảng Ninh miễn nhiễm COVID-19 và kỳ vọng nâng đỡ tăng trưởng kinh tế năm 2021
Trong khi nhiều tỉnh thành phía Nam, nơi tập trung nhiều trung tâm sản xuất lớn vẫn đang chưa thể kiểm soát COVID-19 thì Hải Phòng, Quảng Ninh gần như miễn nhiễm với dịch bệnh. Cùng với các tỉnh đi đầu về sản xuất công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang đã dập được dịch, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng được kỳ vọng là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế nửa cuối năm.
Hải Phòng đến nay ghi nhận 27 ca nhiễm COVID-19, trong khi đó Quảng Ninh mới có 6 bệnh nhân – những con số rất thấp so với số ca mắc từ chục nghìn đến 100.000 - 200.000 ở các điểm nóng của dịch trên cả nước. Với việc gần như miễn nhiễm với dịch bệnh, nhiều ngày không phát sinh ổ dịch mới, người dân ở đây duy trì nhịp sinh hoạt bình thường và hoạt động kinh doanh sản xuất cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Các chỉ số kinh tế khả quan
Số liệu kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2021 cho thấy Hải Phòng và Quảng Ninh đều lọt top các tỉnh thành có Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng cao. Chỉ số IIP tháng 8 của Hải Phòng tăng 9,08% so với tháng trước và tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,63% so với cùng kỳ năm trước. Còn Quảng Ninh, chỉ số IIP tháng 8 và 8 tháng lần lượt tăng 17,5% và 7,45.
Còn tại Bắc Ninh và Bắc Giang – hai nơi từng là ổ dịch lớn, tình hình sản xuất đã gần như khôi phục hoàn toàn. Riêng trong tháng 8, chỉ số IIP của Bắc Ninh tăng khá ở mức 13,63 % so với tháng trước, tính chung 8 tháng tăng 9,8% so với cùng kỳ. Bắc Giang cũng ghi nhận mức tăng chỉ số IIP ấn tượng là 36,6% so với tháng trước và 8 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021, Hải Phòng ghi nhận mức tăng 13,52% và Quảng Ninh tăng 8,02% - đều thuộc top 5 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước.
Riêng với Hải Phòng, thành phố này có nhiều chỉ số nổi bật hơn cả. Doanh thu của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng trong 7 tháng đầu năm đạt 10,3 tỷ USD (gần 240.000 tỷ đồng), tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà máy tại Hải Phòng ước tính xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 11,12 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng tới 15% so với năm ngoái. Số nộp ngân sách ước trong 8 tháng sẽ đạt hơn nửa tỷ USD, đạt tới 128% kế hoạch.
Thành phố vẫn duy trì gần như 100% hoạt động nhà máy thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế, thậm chí còn tuyển thêm hàng nghìn công nhân, thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư.
Cụ thể trong 8 tháng đầu năm, Hải Phòng thu hút 25 dự án FDI cấp mới với số vốn 304 triệu USD, 40 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 2,479 tỷ USD. Như vậy tổng vốn FDI thu hút từ đầu năm đạt gần 2,8 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tư mạnh vào loạt dự án quy mô lớn, ưu tiên tiêm vắc xin cho doanh nghiệp sản xuất
Với việc sớm khống chế được dịch, sản xuất công nghiệp của Bắc Giang hồi phục nhanh, vượt mục tiêu đề ra. Đến nay, 6/6 khu công nghiệp (KCN), 30/30 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã hoạt động bình thường.
Từ tháng 6 đến nay, số lượng công nhân quay trở lại làm việc tăng mạnh (tăng 14.000 người so với thời điểm trước dịch), chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn thuộc KCN: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám và Song Khê - Nội Hoàng. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là sản xuất, gia công linh kiện điện tử, tấm pin năng lượng mặt trời,…
Còn tại Bắc Ninh, trong tháng 8 vừa qua đã có thêm 13 dự án FDI "đổ bộ" với tổng vốn đăng ký 51,5 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2021, Bắc Ninh đã thu hút được 89 dự án đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký đạt 465,3 triệu USD, tuy giảm về số dự án, nhưng tăng 39% về số vốn so với cùng kỳ; điều chỉnh vốn cho 55 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 102 triệu USD.
Với Hải Phòng, thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất đến nay chưa phải giãn cách xã hội, nơi đây cũng đón nhiều tin tích cực. Mới đây, Công ty TNHH LG Display Việt Nam quyết định rót thêm 1,4 tỷ USD vào nhà máy tại Hải Phòng, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại đây lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố.
Với sự đầu tư này, công ty dự kiến tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng cho dự án LG Display Hải Phòng. Ước tính doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm và nộp ngân sách hằng năm thêm khoảng 25 triệu USD, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.
Ngoài ra, thành phố còn chuẩn bị đầu tư loạt dự án nhà ở, thiết chế văn hóa và hạ tầng quy mô lớn như dự án Đầu tư xây dựng khu chung cư Vạn Mỹ hơn 2.718 tỷ đồng; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khoảng 1.785 tỷ đồng; đường Vành đai 2 hơn 7.439 tỷ đồng, cầu Nguyễn Trãi hơn 5.375 tỷ đồng kết nối khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp,...
Với Quảng Ninh, đến nay tỉnh đã tiếp nhận hàng chục hồ sơ nghiên cứu lập quy hoạch, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức trên 63.800 tỷ đồng.
Để bảo vệ kinh tế nội tỉnh trước làn sóng COVID-19, tỉnh chủ động xây dựng phương án xử lý khi có dịch. Đến ngày 31/8, có 56/56 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch và đang được ban quản lý khu kinh tế phê duyệt.
Về tình hình tiêm chủng, Bắc Ninh và Bắc Giang có tỷ lệ tiêm chủng khá cao do từng là tâm dịch nên được phân bổ nhiều. Hải Phòng vừa được TP HCM đồng ý cho mượn 500.000 liều vắc xin Vero Cell và hôm nay đã triển khai đồng loạt tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng: tài xế, công nhân, cán bộ, người cao tuổi có bệnh nền,…
Tại Quảng Ninh, tỉnh đang có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho doanh nghiệp sản xuất
Theo báo cáo của ban QLKKT tỉnh Quảng Ninh, có 4/5 khu công nghiệp gồm: Hải Yên, Texhong Hải Hà, Đông Mai, Việt Hưng đã được tiêm mũi 1 vắc xin ngừa COVID-19 với 23.481/ 27.900 (chiếm 84%) người lao động. Từ 5/8 đến hết 14/8 có 22.023 người lao động được tiêm mũi 2 vắc xin ngừa COVID-19.
Theo kế hoạch, trong tháng 9, ban QLKKT tiếp tục phối hợp UBND TP Hạ Long triển khai tiêm vắc xin cho gần 5.000 công nhân còn lại tại khu công nghiệp Cái Lân và Việt Hưng.
Có thể nói với việc không phát sinh nhiều ca nhiễm, các tỉnh thành đi đầu về sản xuất công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn đang duy trì được kinh tế và nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Nếu giữ vững được đà tăng trưởng hiện tại, chống dịch tốt, các tỉnh thành này sẽ là những gam màu sắc trong bức tranh kinh tế nửa cuối năm và chắc chắn sẽ đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của cả nước trong bối cảnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.