Gỡ khó cho thị trường ô tô
Doanh số bán xe sụt giảm
Hai tháng đầu năm nay, hầu hết doanh số các hãng xe trong nước đều sụt giảm mạnh. Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán xe hai tháng đầu năm đã giảm 30% so với cùng kỳ. Trong đó xe sản xuất, lắp ráp trong nước giảm tới 40%.
Riêng trong tháng 1, theo VAMA, doanh số bán hàng đã giảm mạnh giảm 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước đó.“Suy giảm doanh số bán hàng những tháng trước thời điểm Tết Nguyên đán 2023 là những tín hiệu bất thường và đáng ngại với các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam”, Hiệp hội nêu.
Suy giảm doanh số bán hàng những tháng trước thời điểm Tết Nguyên đán 2023 là những tín hiệu bất thường và đáng ngại với các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam
Một số dòng xe ăn khách có sự sụt giảm mạnh như Toyota Vios chỉ bán ra 275 xe trong tháng 1, giảm hẳn 2.498 xe so với tháng liền trước đó. Cùng tháng, Hyundai Accent bán được 1.024 xe, giảm hơn 180% so với doanh số 2.929 xe trong tháng 12/2022.
Xét chung về thương hiệu, Toyota và Hyundai là hai hãng có mức sụt giảm doanh số lớn nhất, mỗi hãng giảm hơn 6.000 xe trong tháng 1 so với tháng bán hàng liền trước. Tiếp sau đó là Ford giảm gần 2.500 xe) và Mitsubishi (giảm gần 2.000 xe).
Theo tìm hiểu, nhu cầu mua ô tô suy yếu được giải thích bởi nhiều lý do, trong đó việc không tiếp cận được các gói vay tín dụng nói chung và vay tiêu dùng nói riêng của khách hàng được xem là nguyên nhân chính.
Để khắc phục thực trạng này, các hãng đều đưa ra các giải pháp của riêng mình. Đơn cử, với Toyota, hãng xe Nhật Bản sẵn sàng tặng 50% lệ phí trước bạ, tặng bộ phụ kiện cho khách mua Toyota Vios trong tháng 3. Tổng ưu đãi lên tới 37 triệu đồng.
Với ông lớn Hyundai, nhiều đại lý đang quảng cáo chương trình hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho toàn bộ các mẫu xe. Honda Việt Nam cũng triển khai chương trình ưu đãi 100% lệ phí trước bạ cho hai dòng xe là Honda CR-V và Honda City.
Giải pháp kích thích tiêu dùng
Trước thực tế này, trong công văn gửi Bộ Công thương, VAMA ủng hộ việc ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô và giảm lệ phí trước bạ cho xe ô tô đăng ký mới.
Lãnh đạo Hiệp hội mong muốn Chính phủ cân nhắc và sớm ban hành các chính sách áp dụng ngày đầu quý II/2023 để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm duy trì sản xuất, tạo công việc làm ổn định cho người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Phía TC Group cũng cho rằng Chính phủ và các cơ quan hữu trách nên xem xét ban hành chính sách hỗ trợ chi phí đăng ký cho người dân khi thực hiện tiêu dùng và đăng ký sở hữu xe ô tô sản xuất trong nước, mức hỗ trợ tương đương 50% lệ phí trước bạ áp dụng với phương tiện đăng ký, áp dụng ít nhất trong thời hạn một năm.
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng nhận định rằng thị trường ô tô đang sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đã đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm.
Tuy nhiên, theo VAMI nếu chỉ dựa vào nguồn lực và giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ là không đủ tạo sức bật giúp thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và bền vững.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 cũng cũng nêu giải pháp, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, trong đó đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định, trong khoảng thời gian 6 tháng hoặc đến hết năm 2023.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Trước đó, ngày 22/2, VAMA cũng đã đề xuất Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành cân nhắc cho phép mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế đối với Thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô.
“Chúng tôi thiết tha kiến nghị Chính phủ xem xét giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt”, phía VAMA nêu và cho biết áp lực lên dòng tiền của doanh nghiệp hiện tại rất căng thẳng và giải pháp này mang hiệu quả tức thì với hoạt động của doanh nghiệp ngành ô tô.
Hiệp hội này đề xuất Chính phủ xem xét đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 6/2023.
Theo Bộ Công thương, ngày 4/3, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã có công văn gửi Chính pủ và liên bộ, trong đó có đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi lĩnh vực sản xuất ô tô. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiến nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023, đồng thời đề xuất giảm 50%, là phi trước bạ đăng ký mới đối với xe - tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong khi đó, VAMI nhận xét rằng rong giai đoạn 2020-2022, nhờ các chính sách giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất, các doanh nghiệp ô tô đã có thêm thời gian cân đối nguồn vốn, bảo đảm thu - chi để tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường.
Tuy vậy, các chính sách hầu như chỉ áp dụng riêng lẻ trong thời gian ngắn nên tác động chưa đủ sâu rộng nhằm tạo được bản lề vững chắc để doanh nghiệp hồi phục hoàn toàn sau dịch COVID-19 và có nguồn lực ứng phó với thách thức mới từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước, nhà nước cần có những phản ứng chính sách kịp thời, thiết thực. Chẳng hạn, xem xét ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023…”, phía VAMI nêu giải pháp.