|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đường đua khốc liệt trên thị trường taxi - nơi ông Phạm Nhật Vượng vừa bỏ gần 3.000 tỷ đồng lập công ty để 'tham chiến'

17:50 | 06/03/2023
Chia sẻ
Trong những năm qua, sự phát triển của các hãng gọi xe công nghệ đã tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường taxi tại Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường taxi Việt Nam được định giá 440 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 790 triệu USD vào năm 2026, đạt tốc độ CAGR (Compound Annual Growth Rate - tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) khoảng 10,25% trong giai đoạn 2021-2026.

Cuộc cạnh tranh của hơn 200 hãng taxi

Theo báo cáo, hiện thị trường Việt Nam đang có hơn 200 hãng taxi hoạt động. Trong đó, Vinasun và Mai Linh là hai doanh nghiệp có quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, sự gia nhập của các hãng gọi xe công nghệ như Grab, Gojek,… đã thay đổi cục diện thị trường này trong những năm gần đây.

Đơn cử, CTCP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị vận hành hãng taxi Vinasun, đã từng là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần phía Nam với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng từ năm 2008 nhưng đã bắt đầu suy thoái kể từ năm 2016.

Vinasun bắt đầu xuất hiện các khoản lỗ trong hai năm 2020, 2021 liên tiếp. Số lượng xe của hãng cũng liên tục đi xuống. Cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi, cuối năm 2022 con số này ước đạt 2.621 chiếc, tức giảm hơn một nửa.

 Taxi Vinasun. (Ảnh: Facebook/Vinasun).

Thống trị thị trường taxi phía Bắc là CTCP Tập đoàn Mai Linh cũng rơi vào cảnh khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, lỗ luỹ kế của Mai Linh là 1.419 tỷ đồng, lớn hơn cả con số 1.246 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Năm 2021 cũng là năm Mai Linh ghi nhận mức doanh thu thấp nhất trong lịch sử hoạt động, khi đạt 1.064 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cũng phải chịu khoản lỗ ròng kỷ lục 254 tỷ đồng. “Thua lỗ do chúng tôi sai lầm”, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn khi ấy thừa nhận.

Trong bối cảnh đó, các hãng gọi xe công nghệ lại nhận được sự ủng hộ từ người dùng, bởi khách hàng không hài lòng với việc cung cấp dịch vụ không đầy đủ và không đáng tin cậy từ các hãng taxi truyền thống. Chẳng hạn, tài xế từ chối phục vụ khi quãng đường di chuyển ngắn hay không xuất hiện bất chấp việc khách hàng đã đặt xe, báo cáo nêu. 

Điều này đã giúp cho Grab - một hãng công nghệ có trụ sở tại Singapore, dù không sở hữu bất kỳ một chiếc xe hay tài xế nào, đã lần đầu tiên lọt top các hãng taxi phổ biến nhất tại Việt Nam bên cạnh các tên tuổi như Mai Linh, Vinasun và VinaTaxi.

Dù cả Vinasun và Mai Linh đều chứng kiến sự sụt giảm doanh số trước sức ép của các hãng gọi xe công nghệ, song Vinasun vẫn đang chiếm phần lớn thị trường do đã có kinh nghiệm hơn một thập kỷ hoạt động trong ngành.

Nhiều người Việt Nam vẫn có thói quen đặt xe qua gọi điện hoặc vẫy xe trực tiếp trên các tuyến phố. Và đây là đất sống cho các hãng taxi truyền thống phổ biến như Mai Linh, Vinasun, Vinataxi, TaxiGroup, Hoàng Long,…

“Thị trường taxi Việt Nam đang bị phân tán. Những người tham gia trong ngành có khả năng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt do các chiến lược tích cực, bao gồm mua lại, định giá, sáp nhập và phát triển sản phẩm mới”, báo cáo viết.

Nhu cầu về taxi vẫn đang tăng

Báo cáo cho hay, những năm qua, thị trường taxi Việt Nam đã chững lại do các đợt phong toả chống dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi nền kinh tế từng bước được mở cửa. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2026, thị trường taxi sẽ tăng trưởng nhanh do giá cước taxi giảm và việc đặt xe dễ dàng thông qua các ứng dụng di động.

TP HCM hiện đang dẫn đầu cả nước về số phương tiện taxi. Theo kế hoạch quản lý xe taxi của thành phố, dự báo số lượng taxi truyền thống sẽ vượt 16.500 phương tiện vào năm 2025. Tuy nhiên, đây chỉ là con số quy hoạch trên giấy tờ.

Thực tế, năm 2019 - thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, quy hoạch của thành phố này khi đó là 14.500 xe taxi. Nhưng cộng cả taxi truyền thống và các loại hình xe công nghệ hoạt động tương tự taxi, thành phố lúc bấy giờ có khoảng 51.600 xe đăng ký hoạt động, đồng nghĩa đã vượt quy hoạch 4 lần.

Nói vậy để thấy quy mô thực tế của thị trường taxi đang vượt quá con số tính toán khiêm tốn của các nhà hoạch định chính sách. Tương tự, tại Hà Nội, thị trường xe taxi dự kiến cũng sẽ bùng nổ khi 77 hãng taxi tại đây lên kế hoạch để phát triển một ứng dụng gọi xe riêng nhằm lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ thường xuyên hơn. Trong số này, Mai Linh và TaxiGroup, đã cung cấp các lựa chọn đặt xe trực tuyến thông qua ứng dụng của họ.

Hay mới đây nhất, thị trường taxi Việt Nam thêm sôi động khi Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, đã đứng ra góp gần 3.000 tỷ đồng để thành lập một hãng taxi điện. Công ty GSM của ông Vượng kinh doanh dịch vụ vận tải phức hợp, hoạt động trong hai mảng chính: cho thuê ô tô - xe máy điện và taxi điện.

Công ty cho biết hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam do GSM thành lập sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng tới tại Hà Nội, tiến tới phủ sóng toàn quốc trong năm 2023. Quy mô đầu tư ban đầu là 10.000 ô tô điện VinFast.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý, dễ thấy, GSM không đặt nặng vấn đề cạnh tranh trên thị trường taxi, bởi mục đích của nó là “phổ cập thói quen sử dụng xe điện tới từng người dân”, và đưa hình ảnh xe điện VinFast tiếp cận sâu rộng tới nhiều đối tượng khách hàng nhất có thể.

Đức Huy

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.