|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Gỡ hai nút thắt lớn, vực dậy thị trường bất động sản

07:28 | 15/12/2022
Chia sẻ
Nút thắt về nguồn vốn và cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản nếu được tháo gỡ nhanh chóng sẽ là xung lực để thị trường bất động sản lấy lại đà phục hồi trong thời gian tới.

Thị trường bất động sản kỳ vọng xuất hiện tín hiệu đảo chiều vào cuối năm 2023. (Ảnh: Hoàng Huy).

Trong công điện phát đi vào hôm qua (14/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định chồng chéo gây cản trở dự án bất động sản, nhà ở, đô thị; rà soát và lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các thành phố, khu công nghiệp,... nhằm đạt mục tiêu có ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội 10 năm tới.

Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại giảm chi phí, thủ tục hành chính để cung ứng vốn. Các nhà băng cần giải ngân, cho vay nhanh chóng với những dự án, doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện theo quy định; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà thương mại giá phù hợp thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo rà soát việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Riêng với doanh nghiệp bất động sản, Thủ tướng yêu cầu cần chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, sản phẩm, giá cả, thời hạn, phương thức thanh toán,... để tạo thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.

Sau quyết định thành lập Tổ công tác gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc, các dự án và sau động thái nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% của nhà điều hành thì đây là tín hiệu tiếp theo cho thấy Chính phủ đã vào cuộc nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn. Những động thái này được đánh giá là kịp thời trong bối cảnh thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro.

Mà hai điểm nghẽn lớn nhất khiến thị trường địa ốc sụt giảm được giới chuyên môn chỉ ra đó là nguồn vốn và cơ chế, chính sách.

Như một thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) chỉ ra, vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.

Vướng mắc lớn thứ hai là thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3-5 năm), thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp,…

Thị trường sẽ dần phục hồi từ năm sau?

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) đánh giá, thị trường bất động sản vừa trải qua một giai đoạn có nhiều thứ “dễ”. Tuy nhiên, thời điểm này bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khó hơn như làm dự án khó hơn, đầu tư phải thận trọng hơn, lợi nhuận thấp hơn, dòng tiền bị siết chặt hơn,...

“Thị trường đang trong giai đoạn ảm đạm, trầm lắng, tâm lý e ngại xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, thị trường hiện nay không có dấu hiệu khủng hoảng.

Năm 2023, tôi dự đoán Chính phủ sẽ vào cuộc, chắc chắn sẽ có những giải pháp và thị trường chắc chắn sẽ được tháo gỡ những điểm nghẽn. Năm 2023, cũng sẽ có room tín dụng mới. Trong khi đó, kinh tế đang tăng trưởng, lạm phát đang được kiểm soát, tôi cho rằng NHNN sẽ cân nhắc nới trần tín dụng. Mặc dù vậy, dòng vốn sẽ đi vào những mục tiêu phù hợp với sự phát triển, phù hợp với nhu cầu thị trường hơn giai đoạn trước”, vị này nhận định.

Về phía các chủ đầu tư, theo chuyên gia, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ tập trung vào những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường và sẽ đầu tư thận trọng hơn.

“Thị trường bất động sản năm 2023 có thể sẽ tiếp tục giảm tốc, giảm quy mô nhưng chất lượng của thị trường sẽ tốt hơn và có xu hướng ổn định, bền vững hơn”, ông Đính nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đưa ra nhận đinh, thị trường bất động sản hiện nay khác thời điểm cách đây 10 năm. Thời điểm đó, hệ thống tài chính ngân hàng gặp khó khăn, sau đó lan sang bất động sản. Lạm phát và lãi suất đều hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế rất thấp.

Bây giờ thì ngược lại, khó khăn không phải do hệ thống tài chính ngân hàng mà là do dịch bệnh, chiến tranh,… Lúc này, thị trường điều chỉnh rất mạnh sau hai năm tăng nóng, Chính phủ cũng vào cuộc chấn chỉnh phát hành trái phiếu. Kinh nghiệm điều hành hiện nay cũng tốt hơn rất nhiều.

Một điểm khác biệt nữa theo ông đó là nền tảng vĩ mô, tiềm lực doanh nghiệp hiện nay tốt hơn 10 năm trước rất nhiều. Đây là cơ sở để khẳng định rằng thị trường bất động sản không gặp khủng hoảng mà chỉ suy giảm. Trong năm tới, những sai phạm sẽ được chấn chỉnh để thị trường phát triển tốt hơn.

Ông Lực so sánh, thị trường bất động sản Việt Nam ít rủi ro hơn thị trường bất động sản Trung Quốc. Nội lực doanh nghiệp địa ốc của Việt Nam cũng tốt hơn các doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam rất khó có thể dùng tiền ngân sách để hỗ trợ thị trường vì còn rất nhiều ngành nghề khác cần vốn ngân sách.

“Chính phủ sẽ hỗ trợ về cơ chế, chính sách và điều này cần thiết hơn rất nhiều”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng đưa ra nhận định, thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi trong 3 năm tới là có cơ sở, bởi ba lý do chính. Đầu tiên, thế giới bắt đầu vào giai đoạn dừng tăng lãi suất, áp lực tỷ giá trong nước cũng bớt đi. Thứ hai, những vụ việc sai phạm xảy ra trong thời gian vừa qua đến nay đã cơ bản được xử lý. Thứ ba, các nhà đầu tư đang lấy lại niềm tiên trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hà Lê