|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm giá 50%, 30 nhân viên phục vụ 4 phòng 'sáng đèn' trong khu du lịch 5ha

14:57 | 04/03/2020
Chia sẻ
Khu du lịch có tiếng ở Quy Nhơn vẫn duy trì đầy đủ tất cả các dịch vụ trong bối cảnh chỉ có 4 trong số gần 20 bungalow nghỉ dưỡng có khách.

Chuyến du lịch mãn nguyện và ái ngại

Anh K. (ở Hà Nội) vừa có một chuyến du lịch mà anh gọi là "giá rẻ chưa từng thấy" đến Quy Nhơn giữa mùa dịch COVID-19. 

Giá vé máy bay chỉ 99.000 đồng/người/chiều chưa bao gồm thuế và phí, tính ra anh chỉ phải chi hai triệu đồng cho cặp vé khứ hồi của hai bố con.

Cả chuyến đi ba ngày đều đúng như anh K. kỳ vọng: giá tốt, không ồn ào, không đông đúc.

Trên đường từ Hà Nội ra sân bay Nội Bài, vài lần anh K. được nghe tiếng thở dài của tài xế taxi. "Từ đầu mùa dịch đến nay, lượng khách đi sân bay giảm còn một nữa. Bình thường mỗi ngày tôi chạy 4 - 5 vòng, nay chỉ còn 2 - 3 vòng", anh tài xế kể, trong bối cảnh các đường bay đến Hàn Quốc chưa bị dừng khai thác.

Điểm đến anh K. chọn là một khu du lịch lớn và trung cấp ở Quy Nhơn, nằm ngay bên cửa biển. Chi phí chỉ 700.000 đồng/bungalow cho một ngày ở, đã bao gồm ăn sáng và combo 9 trò chơi cả dưới nước và trên cạn.

Giảm giá 50%, 30 nhân viên phục vụ 4 phòng 'sáng đèn' trong khu du lịch 5ha - Ảnh 1.

Khu du lịch rộng chừng 5ha với nhiều dịch vụ, tiện ích nhưng chỉ có 4 bungalow có khách trong một ngày cuối tháng Hai. (Ảnh: H.S)

Khu du lịch này kết hợp các khai thác lưu trú và dịch vụ vui chơi, ăn uống trong ngày cho du khách.

Bình thường, có khoảng 40 người phục vụ ở đó, từ bảo vệ, lái xe điện, lễ tân, buồng phòng, chăm sóc cảnh quan, đầu bếp, bán hàng, thu ngân, chạy bàn, quản lí trò chơi,…

Mức giá gốc thông thường cho combo này khoảng 1,5 triệu đồng, nhưng được giảm 50% để thu hút khách.

Ngoại trừ việc chuyển gói buffet sáng thành thực đơn lên sẵn, tất cả các dịch vụ ở khu du lịch này đều duy trì hoạt động. Bảo vệ ba vòng, từ hướng dẫn bãi trông xe, đến bảo vệ ở cổng chính, cổng phụ và bảo vệ riêng cho khu lưu trú biệt lập. Khoảng 30 người túc trực để phục vụ khách. Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất: không có khách để phục vụ.

Đêm đầu tiên lưu trú tại đây, anh K. và cậu con trai 10 tuổi rất hài lòng vì dịch vụ buồng phòng rất sạch sẽ, ân cần. Lễ tân, bảo vệ luôn làm việc 24/24.

Nhìn hàng nghìn bóng đèn sáng lung linh và tiếng nhạc nhẹ dễ chịu phát ra từ hệ thống loa ngoài trời, anh K. tự hỏi: "Không biết 700.000 đồng của mình có đủ trả tiền điện cho cả khu rộng 5ha này không?". Nhân viên buồng phòng cho biết, có 4 trong số gần 20 bungalow có khách ở.

Đạp xe thăm thú trong khu và trải nghiệm các trò chơi trong combo như công viên nước, chèo thuyền, đu dây qua hồ… xung quanh hai bố con anh K. hầu như chỉ thấy nhân viên phục vụ. 

Các điểm rửa tay có tấm biển tạm "Rửa tay chống virus corona" được bố trí rải rác trong khu, cũng chỉ có gia đình anh sử dụng. Anh K. tự thấy có lỗi với ý nghĩ mình đang thuê cả khu du lịch này.

Cần nhắc lại rằng, Quy Nhơn không hề ghi nhận ca dương tính nào, và cũng không phải là nơi tập trung đông khách Trung Quốc, Hàn Quốc nhất nếu so với Đà Nẵng hay Nha Trang.

 'Tôi vừa chia tay nhân viên, sắp tới có thể đến lượt tôi'

Cảm giác vừa hài lòng, vừa ái ngại của anh K. có lẽ được kết nối rất gần đến tình thế đau đầu của các ông chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch: mở cửa hay đóng, duy trì hay cắt giảm dịch vụ, trả lương hay cắt giảm nhân viên.

Giảm giá 50%, 30 nhân viên phục vụ 4 phòng 'sáng đèn' trong khu du lịch 5ha - Ảnh 2.

Một khách sạn mini lặng lẽ đóng cửa trên phố Hàng Hòm (Hà Nội). (Ảnh: Phương Linh).

Trên các trang web đặt phòng, mức giảm giá 50%-60% là phổ biến. Ngay tại trung tâm Hà Nội, những tấm biển giảm giá viết vội bằng phấn màu được đặt san sát trước cửa các khách sạn mini ở phố cổ, xen kẽ là các khách sạn khóa cửa im ỉm.

Nhiều khách sạn nhỏ đã chọn giải pháp đơn giản nhất: đóng cửa, cắt giảm nhân viên.

Giảm giá 50%, 30 nhân viên phục vụ 4 phòng 'sáng đèn' trong khu du lịch 5ha - Ảnh 3.

Những tấm biển "giảm giá đặc biệt" dễ nhìn thấy trước các khách sạn mini ở phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh).

Với khách sạn lớn, câu chuyện không dễ dàng như thế. "Chúng tôi đã phải hủy 90% lượng đặt phòng từ Trung Quốc", một lãnh đạo tầm trung của một công ty kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam nói vào thời điểm đỉnh dịch ở Vũ Hán.

Để làm việc đó, công ty này chấp nhận bồi thường cho một số khách hàng và công ty lữ hành. Là chuỗi 5 sao, tất cả các dịch vụ vận hành theo tiêu chuẩn đều được duy trì, chưa kể các chi phí phát sinh để khử trùng, phòng dịch.

Sau khách Trung Quốc, lần lượt khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, châu Âu cũng hủy đơn đặt phòng, tương ứng với tỷ lệ lan rộng của dịch. Lượng khách ở chuỗi này giảm đến khoảng 60%, con số còn lớn hơn tỉ lệ khuyến mãi mà công ty này tung ra để kích cầu.

Một công ty hàng đầu khác trong mảng du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam cũng vừa chia tay 20% nhân sự ở mảng truyền thông - quảng cáo - thương hiệu, và còn tiếp tục rà soát để cắt giảm.

"Tôi vừa xin lỗi những người bị cắt giảm. Không phải họ yếu kém, nhưng đây là việc mà công ty cần làm để vượt qua giai đoạn này. Đây là khủng hoảng chưa từng thấy với ngành du lịch, vượt mọi khả năng dự báo dù trước đó chúng tôi đã dự báo rằng 3 năm tới là quãng khó khăn với kinh tế toàn cầu và ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên", lãnh đạo bộ phận của công ty này chia sẻ, không quên nói thêm "có thể sắp tới sẽ đến lượt tôi".

Ở các khách sạn trong chuỗi do công ty này sở hữu, các nhân viên được chia ca làm luân phiên phục vụ số khách ít ỏi. Số còn lại được điều động đi trồng cỏ để phát triển cảnh quan, chờ đợi những du khách mới trong tương lai.

Từ chối nói về những con số thiệt hại, vị giám đốc khối chỉ đưa ra hai ví dụ. "Một khách sạn lớn ở miền Trung của chúng tôi, có gần 200 phòng nhưng có ngày chỉ có 8 phòng có khách. Chúng tôi mà như thế, thì tôi dám chắc các công ty khác khó mà khá hơn".

Có những khoản chi tổ chức sự kiện lên tới nhiều triệu USD, nhưng đến nay dù dừng hay tổ chức tiếp đều thiệt hại. "Chúng tôi cân đo làm sao vừa giảm thiểu thiệt hại, nhưng vẫn duy trì được uy tín và chất lượng vận hành của các thương hiệu để chờ qua cơn bĩ cực", vị này nói.

Vị giám đốc này tin rằng, các con số thống kê thiệt hại vĩ mô đều chưa đầy đủ, bởi nhiều doanh nghiệp không muốn liệt kê hết những tổn thất đang gánh chịu. "Không phải ai cũng cố kê thật nhiều để hưởng sự hỗ trợ nào đó như nhiều người tưởng tượng".

'Khách rời đi đầu tiên, và trở lại cuối cùng'

Du lịch và hàng không là hai ngành bị tổn thương trước nhất và nhiều nhất trong khủng hoảng dịch bệnh.

Marriott, tập đoàn sở hữu thương hiệu khách sạn hạng sang hàng đầu thế giới vừa báo cáo doanh thu từ khách Trung Quốc, vốn chiếm 9% tổng doanh thu toàn cầu của họ, đã giảm tới 90% trong tháng Hai vừa qua.

Đó chỉ là một lát cắt nhỏ, đóng góp vào một số thống kê đơn điệu về tổng thiệt hại toàn cầu của ngành hàng không và du lịch, đại loại như lượng đặt phòng toàn cầu đã sụt giảm 8%, hay mức 7% đối với ngành hàng không. 

CNN đã không nói quá khi gọi COVID-19 là "cú sốc tồi tệ nhất kể từ thảm họa 11/9" đối với ngành du lịch toàn cầu, ngành có qui mô 5.700 tỉ USD.

Khi Cục Hàng không Việt Nam công bố thiệt hại bước đầu với các hãng hàng không trong nước khoảng 10.000 tỉ đồng, nhiều người đã hoài nghi liệu có chăng việc "khai khống".

Nhưng tiếng nói hoài nghi đó sớm bị dập tắt, khi các con số ước tính cho thấy mức sụt giảm doanh thu toàn ngành hàng không trong nước có thể lên tới 25.000 tỉ trong năm nay.

Trước khi phải dừng khai thác các đường bay đến Hàn Quốc, Vietnam Airlines đã có 40% số máy bay đắp chiếu. 

Các hãng khác không công bố thiệt hại ước tính, nhưng qua hình ảnh những chuyến bay vắng hoe thường được chia sẻ trên mạng xã hội, có thể đoán sự khác nhau chỉ là thiệt hại bao nhiêu, dựa trên phân khúc và số lượng đường bay đến các vùng nhạy cảm như Đông Bắc Á và châu Âu.

Giảm giá 50%, 30 nhân viên phục vụ 4 phòng 'sáng đèn' trong khu du lịch 5ha - Ảnh 4.

Cảnh xếp hàng, quá tải ở các sân bay lớn từng là mối đau đầu nhưng nay lại trở thành niềm mơ ước với các sân bay. (Ảnh: H.S).

Việc tạm dừng khai thác các đường bay hái ra tiền đến Trung Quốc và Hàn Quốc thoạt nghe là tin xấu, nhưng có thể nó bớt xấu hơn khi biết rằng nhiều đường bay trong số này có lượng sụt giảm khách lên tới 80 - 100% trong những ngày tháng Hai. Để dễ hiểu, có nhiều chuyến bay gần như không có khách.

Với toàn ngành du lịch, thống kê sơ bộ từ Chính phủ cho thấy lượng khách lưu trú toàn ngành giảm 60 – 70% trong đợt dịch, thiệt thu có thể lên tới 7 tỉ USD.

Nếu các khách sạn nỗ lực níu kéo khách bằng việc miễn phí đổi ngày lưu trú, các hãng hàng không cũng liên tục tung ra công bố miễn phí đổi lịch trình. Thậm chí, Vietnam Airlines - hãng hàng không 4 sao, cũng không ngần ngại bước vào cuộc đua giá rẻ với các đối thủ. Bài toán phân khúc được gác lại, ưu tiên cho bài toán giữ chân và lôi kéo khách bay.

Trong cuộc nói chuyện kéo dài một giờ với người viết, vị giám đốc khối nói trên liên tục nhìn các tin nhắn điện thoại. Vị này cập nhật tình hình dịch nhanh và chính xác hơn bất kỳ một tờ báo nào. 

Tình hình khả quan ở Trung Quốc chỉ khiến gương mặt người này giãn ra trong giây lát, khi nhắc đến triển vọng hồi phục của ngành này.

"Hàng không và du lịch là những ngành mà mỗi khi có khủng hoảng, khách sẽ rời đi đầu tiên và trở lại cuối cùng", vị giám đốc khối đang chờ "đến lượt mình" chia sẻ.

Theo vị này, ngoài bài toán tâm lí thì các trận dịch sẽ ảnh hưởng rất sâu đến kinh tế gia đình. Sau khi hết dịch, các gia đình sẽ tập trung ổn định nhịp sống, ưu tiên các hoạt động thiết yếu. Đi du lịch là việc họ nghĩ đến sau cùng.

Mới đây nhất, trên trang cá nhân, một chuyên gia kinh tế đã nói đùa: "Các chính phủ đang tính đến chuyện kích thích kinh tế, nhưng đừng quên một gói kích thích tâm lí để vượt qua trạng thái phòng thủ". Câu nói đùa này khó mà làm giãn bớt những nếp nhăn trên trán các ông chủ ngành hàng không, du lịch.

Hoành San