Giám đốc Đầu tư TPS: VN-Index quanh vùng 1.200 là cơ hội tích lũy cổ phiếu cho chiến lược dài hạn
-Thị trường chứng khoán dần khép lại năm 2024. Đâu là những yếu tố mà nhà đầu tư cần chú ý theo dõi trong tháng 12, thưa ông?
Ông Trần Văn Thảo: Các yếu tố chính có thể tác động chính đến thị trường trong tháng cuối cùng của năm 2024 là cuộc họp của Fed vào giữa tháng 12, kết quả kinh doanh kỳ vọng của các doanh nghiệp trong quý IV, xu hướng biến động tỷ giá cũng sẽ tác động nhiều đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, yếu tố gần đây tác động tiêu cực đến thị trường là việc bán ròng của khối ngoại. Theo dữ liệu trong 11 tháng đầu năm, tổng giá trị bán ròng đạt mức 88.000 tỷ đồng.
Áp lực bán ròng trong tháng 10 và tháng 11 tăng mạnh so với quý II đến từ tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi niềm tin vào đồng USD tăng lên sẽ tác động đến rủi ro tỷ giá, và các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền về thị trường Mỹ nhiều hơn. Xu hướng bán ròng của khối ngoại là yếu tố cần tiếp tục theo dõi trong tháng 12 này.
-Ông dự báo đâu là kịch bản phù hợp cho thị trường chứng khoán cho tháng cuối năm?
Ông Trần Văn Thảo: Tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng tích lũy (sideway up). Thanh khoản chưa cải thiện nhiều, vẫn duy trì trong mức 10.000 - 15.000 tỷ đồng mỗi phiên. Hiện thị trường đang trong vùng trống thông tin và chịu áp lực bán ròng của khối ngoại, nhưng lực mua cân bằng của nhà đầu tư nội vẫn tốt, giúp giữ vững xu hướng của thị trường.
Quý IV thường là quý sôi động trong lĩnh vực xây dựng, bán lẻ tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng. Quý cuối năm kỳ vọng sẽ ghi nhận phục hồi tốt hơn so quý II và III do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân tăng cao trong dịp cuối năm, đặc biệt trong các lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất.
-Điều gì chờ đón đối với bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn trong quý IV và qua 2025, thưa ông?
Ông Trần Văn Thảo: Đến cuối quý III thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn đạt mức 27,8% so với quý III/2023. Nếu tính trung bình 4 quý gần nhất, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt mức 18,6%.
Trong đó tốc độ phục hồi có đóng góp lớn từ nhóm phi tài chính với mức tăng trưởng 42,5% so với quý III/2023, trong khi nhóm ngân hàng tăng trưởng 16,7%. Phục hồi chính đến từ nhóm nguyên vật liệu và bán lẻ.
-Đâu là những nhóm ngành mà nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Trần Văn Thảo: Nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm ngành được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, có yếu tố nội tại cơ bản tốt, quản trị chi phí hợp lý.
Một số ngành nghề được cho sẽ có lợi nhuận cao trong quý IV nhờ tính mùa vụ như vật liệu xây dựng, bán lẻ, ngân hàng.
-Một số nhà đầu tư tỏ ra khá chán nản khi thị trường không có những đợt sóng mới, VN-Index quanh quẩn 1.200 - 1.300 điểm cùng thanh khoản thấp. Ông đánh giá gì về tình trạng này?
Ông Trần Văn Thảo: Tôi cho rằng đây là cơ hội để tích lũy cổ phiếu tốt trong 1 đến 3 năm tới nhiều hơn là rủi ro. Thị trường đang ở mức định giá tương đối hấp dẫn khi P/E ở mức 13,08x, thấp hơn mức trung bình trong 5 năm gần đây là 14,5x.
Ngoài ra tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp đang phục hồi mạnh so với năm 2023. Môi trường vĩ mô ổn định khi tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2025 vừa được Thủ tướng đặt ra là 8% so với mức ước tính trong năm 2024 là 6%.
Lạm phát hiện vẫn duy trì ở mức thấp ở mức 3,5% - 4% so với giai đoạn 2022 - 2023 là 3,5% - 5%. Điều này giúp cho chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong việc kích thích hỗ trợ kinh tế. Tỷ giá có xu hướng tăng trong các tháng 9 - 10, nhưng gần đây đã giảm và ổn định hơn. Việc Fed được dự báo là tiếp tục có khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2025 cũng sẽ giúp tình hình tỷ giá đỡ căng thẳng hơn so với năm 2024.
Thanh khoản duy trì ở mức thấp có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Xu hướng bán ròng khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại và nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đứng ngoài thị trường để theo dõi xu hướng trên, ngoài ra những bất ổn về chính trị và kinh tế của các nên kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam. Tôi cho rằng xu hướng thanh khoản thấp sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 12 và các tháng đầu năm 2025.
-Lời khuyên nào gửi gắm đến nhà đầu tư khi thị trường bước qua tháng 12 và chuẩn bị đón chào năm mới 2025, thưa ông?
Ông Trần Văn Thảo: Như đã đề cập phía trên, tôi tương đối lạc quan về triển vọng thị trường trong năm 2025 về định giá, về các yếu tố vĩ mô, và tốc độ phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Để chuẩn bị tốt nhất cho năm 2025, các nhà đầu tư nên duy trì một chiến lược thận trọng, dài hạn và đa dạng. Quan trọng là duy trì sự kỷ luật, kiểm soát rủi ro, và tập trung vào các cơ hội tăng trưởng bền vững thay vì chạy theo các xu hướng đầu cơ ngắn hạn. Khi có sự ổn định vĩ mô và các chính sách hỗ trợ phát triển nền kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư có sự chuẩn bị trước.
Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn!