|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giải mã nghịch lý: Dù ưu đãi giảm nhưng lượng người dùng của Grab vẫn tăng kỷ lục?

12:01 | 28/08/2023
Chia sẻ
Cắt giảm chi phí, tối ưu hoạt động bằng công nghệ đã giúp Grab giải bài toán tăng trưởng và đang trên đường hoà vốn trên cơ sở EBITDA vào quý III năm nay.

Giảm ưu đãi, tập trung vào người dùng trung thành  

Năm nay, Grab đang phải đối mặt với hai bài toán: Tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn khiến người dùng thắt chặt chi tiêu và cải thiện doanh số hướng tới mục tiêu có lợi nhuận. Hai mệnh đề này dường như đang trái ngược nhau. Gần đây, trao đổi với chúng tôi, phía công ty cho biết họ đang đề ra những chiến lược mạnh mẽ để dung hoà hai mục tiêu này.

Theo báo cáo tài chính mới được công bố, quý II vừa qua, Grab ghi nhận doanh thu đạt 567 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi là gọi xe, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Grab trong quý II tăng 28% nhờ nhu cầu đi lại của khách du lịch phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, GMV của phân khúc kinh doanh giao hàng cũng tăng 4% trong cùng kỳ nhờ vào chương trình đăng ký hàng tháng, qua đó thu hút nhiều người dùng hoạt động thường xuyên hơn.

Kết thúc quý II, Grab lỗ 148 triệu USD, thu hẹp đáng kể so với khoản lỗ 572 triệu USD cùng kỳ năm trước. Con số mới nhất cho thấy sự tập trung của Grab vào việc đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững đã phần nào thu được hiệu quả.

 

Trong chiến lược tăng trưởng bền vững này, Grab giảm dần các ưu đãi và tập trung hơn vào số người dùng trung thành. Bằng chứng là tổng ưu đãi dành cho người dùng Grab trong quý II đạt 245 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng ưu đãi cho các đối tác cũng bị thu hẹp 17% xuống còn 175 triệu USD.

Tuy nhiên, số người dùng giao dịch hàng tháng vẫn đạt mức cao nhất từ trước tới nay trong quý II, là 34,9 triệu người, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, theo tờ Nikkei Asia. 

 

Bằng cách tối ưu hoạt động nhờ công nghệ, cắt giảm chi phí, tập trung vào người dùng trung thành, theo giới phân tích, Grab đang trên đường hòa vốn trên cơ sở EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã điều chỉnh vào quý III tới, sớm hơn một quý so với dự báo trước đó.

“Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng dài hạn của mình và cam kết điều hành doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng bền vững”, CEO Grab Anthony Tan chia sẻ trong cuộc họp công bố báo cáo tài chính quý II được tờ Nikkei Asia dẫn lại.

Tại Đông Nam Á, Grab là một trong ba tập đoàn công nghệ lớn nhất khu vực, cùng GoTo và SEA Group. Tại đây, cứ 20 người thì có một người dùng Grab hàng tháng để đặt đồ ăn, gọi xe hay giao hàng.  

 

Cải tiến sản phẩm phục vụ cho chiến lược

Trong cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi tại Hà Nội, ông Philipp Kandal - Giám đốc Sản phẩm của Grab cho biết: “Grab nhận thấy lạm phát đã ảnh hưởng đến rất nhiều người. Do đó, chúng tôi tập trung vào chi phí để có thể cung cấp dịch vụ chất lượng tới nhiều người, đồng thời vẫn mở rộng được thị trường”.

 Ông Philipp Kandal. (Ảnh: Grab).

Cụ thể, tại Việt Nam, Grab đã giới thiệu hai dịch vụ GrabBike Economy và GrabCar Economy có chi phí tiết kiệm hơn thông thường vào những khung giờ nhất định trong ngày. Theo Grab, dịch vụ này mang lại nhu cầu lớn, đồng thời thúc đẩy cơ hội làm việc của các đối tác tài xế khi có nhiều khách hơn.

Với GrabFood, thay vì sử dụng khuyến mãi để giảm giá, Grab đổi mới bằng cách áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí phục vụ. Đơn cử, thay vì giao một đơn đặt đồ ăn, tài xế có thể giao ba đơn cùng lúc trong một phạm vi thích hợp. Qua đó, Grab có thể điều chỉnh phí giao hàng rẻ hơn, trong khi tài xế vẫn có thể kiếm thêm tiền.

Để làm được điều này, Grab đã xây dựng bản đồ có độ chi tiết cao, giúp tài xế xác định chính xác địa điểm nhà hàng, tài xế cũng không cần ngồi ngoài quán đợi đồ ăn,… 

Grab nhận định Việt Nam là một thị trường khác biệt so với các thị trường khác. Hầu hết các quán ăn đều nằm ven đường, tương đối dễ tiếp cận, có thể chở hàng bằng xe máy. Do đó đây là lợi thế để gộp đơn hàng, giúp một tài xế có thể giao nhiều đơn hơn.

Thay vì một tài xế giao mỗi lần một đơn thì với công nghệ của Grab, giờ đây tài xế có thể giao hai thậm chí ba đơn hàng cùng lúc. Đây là một điểm khác biệt mà các thị trường như Singapore hay Indonesia không thể đạt được hiệu quả tương tự.

Mặt khác, công nghệ mà Grab đang triển khai riêng tại Việt Nam là người dùng và tài xế có thể dễ dàng chia sẻ định vị GPS của nhau, nhờ đó họ có thể gặp nhau dễ dàng hơn.

Công ty mới đây cũng ra mắt sản phẩm mới gọi là bản đồ gợi ý lộ trình - nhờ đó, tài xế có thể nhận biết khu vực nào đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao và di chuyển đến đó. 

“Đây là một loạt những việc chúng tôi có thể làm để cải thiện hiệu quả. Nhờ đó, chúng tôi giúp người dùng tiếp cận được dịch vụ với chi phí rẻ hơn”, ông Philipp Kandal chia sẻ.

Trong thời gian tới, Grab sẽ áp dụng nhiều công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) vào nền tảng. Chẳng hạn, khách du lịch tới Việt Nam dùng GrabFood có thể dịch ngay trên ứng dụng từ menu tiếng Việt. Hay tài xế có thể giao tiếp với khách hàng bằng chatbot, khách hàng trò chuyện bằng tiếng Trung hay tiếng Anh với tài xế người Việt,…

Đức Huy

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'cứu cánh' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, "cứu cánh" cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.