Du lịch tê liệt, nhà giàu Hội An đành bán villa
Hàng loạt thông tin rao bán villa ở Hội An. (Ảnh chụp màn hình).
Hội An là thủ phủ du lịch của tỉnh Quảng Nam, thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế chọn làm điểm đến tham quan, khám phá.
Theo báo cáo của chính quyền tỉnh Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch năm 2019 trên địa bàn tỉnh đạt gần 7,8 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 4,7 triệu lượt, khách nội địa đạt hơn 3,1 triệu lượt.
Tại Hội An, tính đến năm 2019, ngành thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 71% cơ cấu kinh tế thành phố, thậm chí một số ý kiến cho rằng con số thực tế có thể hơn 90% vì hầu hết ngành khác từ nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng đến công nghiệp, sản xuất làng nghề… đều hướng đến phục vụ du lịch, Báo Quảng Nam cho biết.
Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, tổng khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giảm mạnh, đạt 1.477.700 lượt. Trong đó, tổng lượt khách đến Hội An chỉ đạt hơn 923.000 lượt (giảm đến 84% so với năm 2019).
Còn 9 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn ước đạt hơn 410.000 lượt khách, giảm 53,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 12.000 lượt (giảm 97%); khách trong nước ước đạt gần 400 nghìn lượt (giảm 19%). Tổng lượt khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ ước đạt hơn 7.000 lượt (giảm 67%) so cùng kỳ năm trước.
"Ngành du lịch địa phương chịu ảnh hưởng kéo dài nhất bởi dịch bệnh COVID-19 khiến lượng khách tham quan, lưu trú, đặc biệt khách quốc tế giảm mạnh", Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam đánh giá.
Trả lời trên Báo Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An cho biết, trước đây, du lịch kích thích tất cả ngành kinh tế khác của thành phố, bây giờ bị tê liệt thì những ngành nghề khác hầu như cầm chừng.
Du lịch tê liệt, nhiều người rao bán villa
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là ngành nghề chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất khi du lịch tê liệt. Trước khi dịch bệnh xảy ra, không chỉ người dân Hội An mà còn nhiều người từ địa phương khác về đây xây dựng hệ thống, cơ sở lưu trú đa dạng như: Khách sạn, homestay, nhà nghỉ,...trong đó có cả loại hình villa để đáp ứng nhu cầu khách du khách chọn nghỉ dưỡng.
Chị Quyên, một người kinh doanh lĩnh vực du lịch, chia sẻ: Villa chính là nhà ở dạng biệt thự sang trọng, xây dựng ở nơi có không gian rộng, có sân vườn, hồ bơi. Villa hợp với nhóm khách gia đình, bạn bè cần không gian riêng để vui chơi thoải mái, không hợp với khách riêng lẻ. Họ có thể làm tiệc, hát hò, sinh hoạt tự do...mà không sợ ai làm phiền.
“Giá thuê villa rất cao. Tôi thường nhận đặt phòng villa cho nhóm khách đến Hội An giá dao động 3 - 7 triệu đồng/đêm lúc trước dịch COVD-19. Dù giá cao nhưng thời điểm đó có nhiều nhóm khách chọn villa để thuê vì họ thích có sân vườn, hồ bơi, sự riêng tư…”, chị Quyên nói.
Cũng theo người phụ nữ này, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, lượng khách du lịch giảm sâu nên villa nói riêng và các cơ sở lưu trú nói chung ở Hội An cũng rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm, bỏ trống nhiều.
“Tôi biết ba trường hợp chủ rao bán villa. Họ báo lại tôi và một số người rằng không nhận đặt khách cho villa từ cuối năm 2020”, chị Quyên nói.
Chia sẻ với người viết, chị Trang (xin đổi tên) đã xây villa 4 phòng trên diện tích 300 m2 ở phường Tân An năm 2019. Để có tiền mua đất và xây villa, chị Trang vay ngân hàng 4 tỷ đồng và mượn của mẹ.
Do dịch ảnh hưởng nặng nề, villa của chị Trang bỏ trống từ cuối năm 2020 đến nay. Thời gian qua, người phụ nữ này dùng tiền kinh doanh lĩnh vực khác và vay mượn thêm từ người thân để lo tiền lãi ngân hàng, chờ kinh doanh trở lại.
“Không chỉ có gia đình tôi, người nào kinh doanh du lịch, xây villa, homestay cho thuê đều vay mượn, chỉ là số ít hoặc nhiều. Gánh nặng tiền vay mà không có nguồn thu vào bù đắp thì phải bán”, chị Trang chia sẻ.
Chị Lành, môi giới BĐS Hội An cho biết, lượng villa rao bán ở Hội An do kinh doanh khó khăn đã diễn ra từ cuối năm 2020, tuy nhiên không nhiều. Cách đây vài tháng, khi dịch COVID-19 bùng phát lại, tình hình rao, gửi bán villa cao gấp ba lần. Riêng chị Lành đang nhận bán hơn 10 căn villa.
Một môi giới BĐS khác tên Mỹ cho biết, chị cũng đang rao bán 4 villa ở Hội An có giá 10-15 tỷ đồng. Theo chị Mỹ, khách hàng ký gửi bán villa ở chị là nhiều người vay tiền ngân hàng đầu tư villa rồi cho thuê. Tuy nhiên, dịch bất ngờ xảy ra, không có khách, phòng phải bỏ trống quá lâu trong khi gánh lãi vay nên họ muốn bán.
Theo ghi nhận của người viết trên hai trang Alonhadat.com.vn và Batdongsan.com.vn, từ đầu tháng 11 đến nay, mỗi ngày có trung bình 30 tin rao bán villa. Các villa được rao bán chủ yếu trên địa bàn phường Cẩm Châu, Tân An, Cẩm An với giá khoảng 6 - 40 tỷ đồng, tùy vị trí, diện tích, số phòng. Nhiều thông tin đi kèm giảm giá mạnh cho người có thiện chí mua, đi xem trực tiếp, làm hợp đồng mua bán ngay.
Người viết liên hệ qua số điện thoại một tin đăng rao bán villa 5 tầng, 24 phòng trên diện tích gần 700 m2 ở phường Tân An. Người bắt máy điện thoại nhận là người thân của chủ villa, cho biết giá bán villa là hơn 25 tỷ đồng.
“Nếu anh, chị mua nhanh, gửi tiền trong vài ngày thì chúng tôi giảm 500 triệu đồng. Người thân chúng tôi sắp đi nước ngoài, không ai kinh doanh nên bán”, người này nói và cho biết thêm trước dịch villa đắt khách, thu nhập 100 triệu/tháng.
Theo chị Lành, hiện tại ít người quan tâm trước thông tin rao bán villa. Dù chị đã rao nhiều kênh thông tin nhưng chỉ nhận cuộc gọi hỏi thăm tính trên đầu ngón tay.
“Villa có giá bán cao và càng khó bán hơn nếu trong tình cảnh chịu ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay. Theo tôi, sẽ còn nhiều người rao bán, giá có thể giảm hơn trong thời gian tới nếu không có khách đến du lịch đông đúc”, chị Lành chia sẻ.