Dự báo iPhone 16 không tạo 'siêu chu kỳ' doanh số, nhà đầu tư thất vọng
Theo nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo, người chuyên đưa ra các dự báo chính xác về Apple, iPhone 16 không tạo nên một "siêu chu kỳ" doanh số như những thế hệ trước, theo CNBC đưa tin.
Dữ liệu từ các khảo sát chuỗi cung ứng và kết quả đặt hàng trước đã tiết lộ một bức tranh đầy ảm đạm: doanh số của iPhone 16 giảm 12,7% so với iPhone 15, bất chấp việc dòng iPhone 16 và 16 Plus có sự tăng trưởng nhẹ. Sự thất vọng lớn nhất đến từ dòng iPhone 16 Pro và Pro Max – hai sản phẩm chủ lực mà Apple từng rất kỳ vọng.
Nỗi thất vọng "Apple Intelligence"
Một trong những nguyên nhân chính khiến doanh số iPhone 16 Pro không như mong đợi chính là tính năng chủ lực "Apple Intelligence" vẫn chưa xuất hiện ngay trong thời điểm ra mắt. Theo kế hoạch, tính năng này sẽ được phát hành theo từng đợt, bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến năm sau. Điều này đã gây ra không ít sự thất vọng từ phía người dùng và nhà đầu tư.
Apple từng đánh cược rất lớn vào sự vượt trội của dòng Pro Max, nhưng lại không chuẩn bị đủ để đối phó với thực tế rằng tính năng hấp dẫn nhất của sản phẩm vẫn còn thiếu. Đối với một thương hiệu như Apple, sự thiếu đồng bộ giữa quảng cáo và thực tế sản phẩm ra mắt đã khiến nhiều khách hàng trung thành bắt đầu mất niềm tin.
Không còn sự hồi hộp và mong đợi trong mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, người dùng ngày càng thờ ơ và cân nhắc nhiều hơn khi quyết định nâng cấp thiết bị.
Apple Intelligence được xem là tính năng AI mà Apple muốn đặt cược nhằm thúc đẩy doanh số iPhone 16. Công nghệ này được cho là sẽ cải thiện trợ lý ảo Siri và nâng cao chất lượng camera. Tuy nhiên, những tính năng này chỉ có mặt ở Mỹ dưới dạng beta vào tháng tới, và chưa rõ khi nào chúng sẽ hoàn thiện hoặc khi nào có tại Trung Quốc để hỗ trợ tham vọng AI của Apple.
Điều này gây phản ứng tiêu cực tại Trung Quốc, nơi AI được xem là một yếu tố quan trọng. Trên mạng Weibo, hashtag "iPhone 16 phiên bản Trung Quốc chưa hỗ trợ AI" thu hút hơn 11 triệu lượt xem. Một số người dùng thắc mắc, "Mua iPhone để làm gì nếu không có AI?", theo Reuters.
Sức ép từ thị trường tỷ dân
Apple cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong thị trường Trung Quốc, một thị trường mà iPhone từng thống trị. Các hãng smartphone Trung Quốc, như Huawei hay Xiaomi, không ngừng nâng cấp sản phẩm với giá cả cạnh tranh và tính năng tiên tiến, đẩy Apple vào thế khó.
Ông Kuo nhấn mạnh rằng, iPhone 16 sẽ không có sự đột phá lớn tại thị trường này, đặc biệt khi tính năng "Apple Intelligence" hỗ trợ ngôn ngữ Trung Quốc chỉ được ra mắt vào năm 2025. Với tốc độ phát triển chóng mặt của thị trường công nghệ, việc Apple trì hoãn phát triển tính năng tại Trung Quốc có thể dẫn đến việc mất thị phần lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Những dự báo từ các nhà phân tích khác cũng không hề khả quan.
Barclays, JPMorgan và Bank of America đều cho rằng, thời gian giao hàng kéo dài không chỉ phản ánh nhu cầu yếu mà còn thể hiện những khó khăn trong khâu sản xuất và phân phối. Điều này báo hiệu rằng sự hụt hơi của dòng iPhone Pro Max có thể kéo dài, ảnh hưởng đến doanh số trong những tháng tiếp theo.
Tại thị trường tỷ dân, iPhone 16 đã bị đánh giá thấp ngay từ đầu, khi không thể sánh ngang với những đổi mới đột phá từ Huawei, điển hình là dòng điện thoại Mate XT với mẫu điện thoại gập ba màn hình tiên tiến. Không chỉ phải đối mặt với sự vượt trội về công nghệ từ đối thủ, Apple còn bị bao vây bởi những khó khăn nội tại tại Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ VMall, trang web mua sắm chính thức của Huawei, gần 5,74 triệu người ở Trung Quốc đã đặt hàng trước Mate XT tính đến cuối thứ năm, 5 ngày rưỡi sau khi Huawei bắt đầu chấp nhận đơn đặt hàng trước.
Nhưng trong một cuộc khảo sát do Radio France International thực hiện trên trang blog Weibo của Trung Quốc, một nửa trong số 9.200 người được hỏi cho biết họ sẽ không mua Mate XT vì giá quá cao. 3.500 người khác cho biết họ không có nhu cầu mua điện thoại mới ngay bây giờ.
"Tôi đề nghị Huawei tung ra một số sản phẩm mà người dân bình thường có thể mua được", một người dùng Weibo viết dưới tên "Diamond Man Yang Dong Feng".
Việc Apple thiếu ưu thế "sân nhà" đã khiến hãng phải đối đầu với sự ủng hộ mãnh liệt của người tiêu dùng Trung Quốc dành cho các thương hiệu nội địa, đặc biệt là Huawei - một biểu tượng của tinh thần dân tộc trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.
Trong cuộc cạnh tranh giữa Apple và Huawei, iPhone 16 có một số nhược điểm cố hữu, Shih-Fang Chiu, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết.
"Điểm mạnh của Apple là bảo mật thông tin và quyền riêng tư, nhưng điều này khó đạt được tại thị trường Trung Quốc, nơi chính phủ có thể kiểm soát dữ liệu tại thị trường Trung Quốc ở mức độ tương đối cao. Trong kỷ nguyên điện thoại di động AI, điều này sẽ mang đến thách thức cho sự phát triển của Apple tại thị trường Trung Quốc", Chiu cho biết.
Số liệu thống kê từ Counterpoint Research cho thấy, thị phần của Huawei đã vượt qua Apple trong quý II/2024, đạt 15% so với 14% của Apple, một sự sụt giảm đáng kể so với mức 17.3% của Apple vào năm trước. Điều này phản ánh sự giảm sút mạnh mẽ của Apple trên thị trường Trung Quốc, nơi mà người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nội địa và có xu hướng bỏ qua các thương hiệu nước ngoài.
Thêm vào đó, các quy định nghiêm ngặt và sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với dữ liệu và quyền riêng tư đang là rào cản lớn đối với Apple. Những tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) mới của iPhone 16, một trong những tính năng chính, vẫn chưa thể ra mắt ngay tại Trung Quốc, tạo ra khoảng trống mà Huawei dễ dàng lấp đầy với hệ điều hành HarmonyOS, đã vượt qua iOS về mặt sử dụng tại quốc gia này. Chính điều này đã góp phần củng cố vị thế của Huawei trong lòng người tiêu dùng Trung Quốc, làm dấy lên một câu hỏi: liệu Apple có còn cơ hội để quay lại thời hoàng kim tại Trung Quốc hay không?
Sự thật là, với lòng yêu nước mạnh mẽ và sự hỗ trợ của chính phủ đối với các thương hiệu trong nước, Huawei đang từng bước đánh bật Apple khỏi vị trí thống trị trong phân khúc điện thoại cao cấp. Việc cấm sử dụng iPhone trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh cũng là một đòn giáng mạnh vào Apple, khiến doanh số bán hàng của hãng này tại Trung Quốc tiếp tục trượt dốc.
Trong khi đó, Apple lại chưa thể tung ra các sản phẩm đột phá như điện thoại gập hay lật, điều mà các đối thủ nội địa đã nhanh chóng nắm bắt và chiếm lĩnh thị trường. Apple, với những thách thức lớn trước mắt, dường như đang đối diện với một tương lai ảm đạm tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ hai của hãng.
Sự thất vọng từ nhà đầu tư
Cổ phiếu Apple đã giảm 2,8% ngay sau khi thông tin về doanh số kém của iPhone 16 được tiết lộ đầu tuần này. Những gì Apple hứa hẹn về "sản phẩm tốt nhất từ trước đến nay" đã không thể giữ chân các nhà đầu tư và người dùng, khi doanh số sụt giảm đáng kể ngay trong tuần đầu tiên mở bán. Đối với một tập đoàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Apple, đây không chỉ là một cú sốc tạm thời mà còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn: niềm tin vào thương hiệu dần mất đi.
Nhà phân tích Ming-Chi Kuo cảnh báo rằng, sự cải thiện doanh số cho dòng Pro chỉ có thể đến khi "Apple Intelligence" chính thức ra mắt. Tuy nhiên, điều này có vẻ xa vời khi sự cạnh tranh trên thị trường tiếp tục gia tăng. Và dù kỳ nghỉ mua sắm cuối năm có thể giúp Apple hồi phục một phần doanh số, nhưng liệu điều đó có đủ để kéo lại hình ảnh đang lung lay của hãng?