|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Động lực nào giúp cổ phiếu chứng khoán nổi sóng tiến về vùng đỉnh lịch sử?

17:20 | 12/09/2023
Chia sẻ
Nhiều cổ phiếu chứng khoán gấp đôi, gấp ba từ đáy và trên đường trở lại vùng giá hồi đầu tháng 4/2022 khi VN-Index đạt mức đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm. Xu hướng lãi suất giảm, triển vọng từ hệ thống KRX cùng động thái thúc đẩy nâng hạng thị trường của cơ quan quản lý,... là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu ngành chứng khoán quay lại vùng giá thời đỉnh lịch sử của VN-Index

Cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp diễn xu hướng khả quan trong những phiên đầu tháng 9. Tại phiên 12/9, đa phần các mã đại diện ngành đều tăng trên 4% với thanh khoản sôi động, trong đó SSI, BSI, VND, CTS, WSS, AGR, FTS tăng trần.

Với đà tăng này, nhiều cổ phiếu đã quay lại mức giá lập vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2022 - giai đoạn VN-Index dao động ở vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Điều này đồng nghĩa nhà đầu tư mua vào cổ phiếu chứng khoán lúc VN-Index 1.500 điểm thì đến bây giờ đã hòa vốn (hay thường gọi là “về bờ”).

Nhìn lại lại chặng đường tăng giá từ đáy vào tháng 11/2022 đến nay, nhiều mã đã gấp đôi, gấp ba lần ví dụ như SSI (+167%), VND (+157%), VCI (+199%), HCM (+142%),... thậm chí SHS tăng đến 280%, tức gần gấp 4 lần. Hầu hết các mã đã vượt trên mệnh giá (10.000 đồng/cp), chỉ còn số ít như APS, WSS cũng dần tiệm cận (đạt 9.400 đồng/cp tại 12/9).

Diễn biến thị giá một số cổ phiếu ngành chứng khoán. (Biểu đồ: FireAnt).

Xu hướng dòng tiền nội quay trở lại thị trường chứng khoán

Cổ phiếu nhóm chứng khoán khởi sắc sau thông thông tin mới nhất là thị trường đón nhận gần 190.000 tài khoản cá nhân mở mới trong tháng 8. Đây là mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm (kể từ tháng 8/2022), đồng thời là tháng thứ 4 liên tiếp số tài khoản vượt 100.000 đơn vị sau khi chạm đáy vào tháng 4/2023.

Tại nhận định mới đây, nhà điều hành Pyn Elite Fund - ông Petri Deryng dự báo rằng các khoản tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng được thực hiện vào cuối năm 2022 sẽ đáo hạn vào cuối năm 2023, tiền mặt sẽ được tái phân bổ cho các kênh đầu tư khác, chẳng hạn như cổ phiếu. Ông Petri Deryng tin rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rõ ràng sẽ tăng tốc trong quý III nhờ các giải pháp đã được thực hiện. Nhờ vậy, có lý do để tin rằng năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Quỹ ngoại cho rằng tiền mặt trong nước sẽ trở lại cổ phiếu và chỉ số TTCK sẽ tiếp tục phục hồi. Tâm lý lạc quan có thể sẽ tiếp tục kéo dài cho đến năm 2024.

Báo cáo chiến lược tháng 9 của SSI Research đồng quan điểm chính sách lãi suất thấp tiếp tục thúc đẩy dòng tiền vào kênh chứng khoán. Giá trị giao dịch bình quân phiên tháng 8 sàn HOSE tăng 21% so với tháng 7 lên mức 22.200 tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 5/2022 và cao hơn đáng kể so với 14.000 tỷ đồng ở 8 tháng đầu năm. Khối nhà đầy tư cá nhân trong nước đã quay lại mua ròng trong tháng 8 với quy mô gần 3.400 tỷ đồng trong khi tổ chức nước ngoài bán ròng xấp xỉ 2.500 tỷ đồng.

Các yếu tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng trung dài hạn vẫn duy trì và chuyển biến tích cực. SSI Research cho rằng thị trường đang nhìn nhiều hơn vào mức định giá phản ánh triển vọng tương lai.

Các yếu tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng trung dài hạn vẫn duy trì và chuyển biến tích cực. (Nguồn: SSI Research).

Hệ thống KRX đi vào vận hành sẽ cải thiện thanh khoản

Chứng khoán VNDirect cũng chỉ ra TTCK duy trì sức hút so với kênh tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất huy động nới rộng đà giảm trong tháng 8. Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm thêm 0,3 điểm % trong tháng 8 và có thể duy trì xu hướng giảm những tháng cuối năm.

Trong các yếu tố hỗ trợ TTCK, VNDirect cho biết theo kế hoạch của nhà thầu KRX, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) sẽ tổ chức đợt kiểm thử cuối cùng trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai. Hệ thống này hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới, giúp cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát thị trường dựa trên ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, hệ thống mới sẽ thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch và hệ thống thanh toán bù trừ đang vận hành hiện nay, điều này sẽ là cơ sở để Việt Nam được xem xét nâng hạng thị trường lên mới, cũng như xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của thị trường (nhất là thanh khoản) trong những năm tới, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia TTCK Việt Nam. Nhóm phân tích dự báo với KRX, thanh khoản thị trường trong tương lai có thể được đẩy lên mức 4 tỷ USD/phiên.

Cơ quan quản lý tích cực thúc đẩy mục tiêu nâng hạng TTCK trước 2025

Về câu chuyện nâng hạng, tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác tổ chức cuối tháng 8, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định nâng hạnh TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng đến. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã và đang thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam. Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như: tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường minh bạch hơn,…

“Bên cạnh việc phát triển về quy mô, thanh khoản, TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, riêng nhóm VN30 đã có 100% doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới hỗ trợ cho nâng hạng cũng đã được quy định rõ ràng hơn trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Sắp đến, UBCKNN sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo TTCK tăng tính minh bạch, công khai, bền vững, hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng”, đại diện UBCKNN cho biết.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề.

Hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán như môi giới, tự doanh, tư vấn,... vốn gắn liền chặt chẽ TTCK. Với thực tế diễn biến giai đoạn đầu năm cùng triển vọng vẫn sáng cửa, các đơn vị trong ngành kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong giai đoạn cuối năm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Xuân Nghĩa

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.