|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đơn độc trên sân chơi trạm sạc

17:27 | 12/08/2024
Chia sẻ
Dù đã có một vài bên thứ ba nhập cuộc nhưng VinFast vẫn là đơn vị sở hữu mạng lưới trạm sạc dày đặc và đầy đủ nhất hiện tại.

Mới đây, hình ảnh một trạm sạc xe điện bên thứ ba do PV Power xây dựng xuất hiện trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của người dùng. Đây là trạm sạc ô tô điện đầu tiên do PV Power phát triển, đánh dấu ông lớn tiếp theo tham gia cuộc chơi này tại Việt Nam.

Trạm sạc do PV Power phát triển. (Ảnh: Lê Giáp/Facebook).

Trước đó, hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam chủ yếu do VinFast phát triển. Số liệu công bố hồi tháng 5 năm ngoái của hãng xe điện Việt cho thấy công ty đã phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng tại 80 trong tổng số 85 thành phố trên cả nước. Trong đó, khoảng cách di chuyển giữa hai trạm sạc tại khu vực các thành phố không quá 3,5 km. 

Ngoài các khu vực thành phố như bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, chung cư, toà nhà văn phòng,… người dùng cũng có thể tìm kiếm trạm sạc VinFast trên 106 tuyến quốc lộ, cao tốc.

Cuối tháng 3 năm nay, Chủ tịch Vingroup kiêm CEO VinFast toàn cầu, ông Phạm Nhật Vượng, công bố thành lập công ty riêng chuyên về phát triển trạm sạc. Mục tiêu công ty này là đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới. 

Theo doanh nghiệp, trong năm nay và năm sau, công ty của tỷ phú Vượng dự kiến đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Trước đó VinFast đặt kế hoạch có 3.000 trạm sạc với 150.000 cổng sạc cho xe máy, ô tô điện trên toàn quốc.

Từ năm 2022, hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex cũng đã bắt đầu kinh doanh trạm sạc tại các trạm xăng. Theo kế hoạch được công bố, trong giai đoạn 2022 - 2023, hơn 500 trạm sạc xe điện VinFast được lắp đặt trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Con số này được đánh giá là còn khiêm tốn so với 2.700 cửa hàng xăng dầu Petrolimex hiện có trên toàn quốc. Điều này cho thấy bản thân Petrolimex vẫn chưa sẵn sàng gia nhập cuộc chơi.

Tại cuộc họp thường niên diễn ra cuối tháng 4 ở Hà Nội, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Petrolimex, nêu quan điểm: “Những năm gần đây số lượng xe điện được bán ra tăng rất nhanh, tuy nhiên thị phần ô tô điện mới chỉ chiếm khoảng 1%. Tỷ lệ xe điện này chỉ thay thế một phần cho xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chứ chưa thể thay thế cho xe vận chuyển hàng hoá, xe tải, container, xe hạng nặng, xe bồn cũng như giao thông đường thuỷ, hàng không và đường sắt”.

Ông Thanh cho biết việc đầu tư hệ thống trạm sạc hiện nay chủ yếu của VinFast và hãng xe xây dựng cũng chỉ để sạc cho xe điện của VinFast. “Trong một vài năm qua, Petrolimex và VinFast cũng hợp tác, trong đó Petrolimex tham gia với vai trò là đối tác cung ứng hạ tầng trạm sạc”.

Trạm sạc VinFast trong một trạm dừng nghỉ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: Đức Huy).

Ngoài Petrolimex, từ năm 2018, VinFast cũng bắt tay với “ông lớn” xăng dầu là PVOIL với mục tiêu thiết lập 30.000 - 50.000 trạm sạc và cho thuê pin xe điện trên toàn quốc. 

Tại cuộc họp cổ đông trong tháng 4, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PVOIL, cập nhật sau hai năm hợp tác cùng VinFast, doanh nghiệp có 322 cây xăng có tích hợp trạm sạc với gần 1.800 cổng sạc. Trước đó trong tháng 3, tại Hội nghị “Triển vọng đầu tư năm 2024” do Bắc Giang tổ chức, ông Dương cho biết lợi nhuận từ các trạm sạc pin điện đã chiếm 25% lợi nhuận bán dầu của đơn vị.

Dễ thấy, bức tranh trạm sạc kể trên đều xuất phát từ chiến lược phát triển của VinFast, trong đó có việc bắt tay với các hệ thống bán lẻ xăng dầu để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. Trong khi đó, VinFast nhiều lần khẳng định sẽ chưa sớm cho phép các hãng xe bên ngoài khai thác hệ thống trạm sạc này. 

“Chúng tôi xác định chiến lược rõ ràng là sau 10 năm nữa sẽ cho các hãng xe khác dùng chung sạc. Hiện tại, không có lý do gì bỏ ra 500 – 700 triệu USD để xây dựng các hạ tầng mà lại cho các đối thủ dùng chung”, ông Vượng nói.

Điều này tạo ra lợi thế nhất định cho VinFast trước các đối thủ đến sau gia nhập thị trường, và buộc những hãng xe điện muốn mở rộng tại Việt Nam phải tính đến chuyện xây dựng trạm sạc như VinFast hoặc tìm giải pháp khác.

Một trong những giải pháp khác là tận dụng trạm sạc do bên thứ ba phát triển. Đây cũng là hướng đi của BYD - hãng xe năng lượng mới (xe điện, hybrid) lớn nhất thế giới, vừa vào Việt Nam hồi tháng 7.

BYD cho biết hãng không chủ trương tập trung xây dựng trạm sạc công cộng riêng, thay vào đó khách hàng sẽ sạc tại các trạm do bên thứ ba phát triển và tại các showroom, đại lý. BYD nói trong tháng 7 sẽ khai trương 10 showroom và mục tiêu có 100 showroom trên toàn quốc trong ba năm tới. Rõ ràng con số này là quá thấp so với mạng lưới dày đặc của đối thủ VinFast.

Hãng xe Trung Quốc nói rằng đang hợp tác với các đối tác để phát triển hệ thống trạm sạc phù hợp, với sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm xây dựng một hệ sinh thái cho xe năng lượng mới.

VinFast vẫn một mình một ngựa trên đường đua trạm sạc. (Ảnh: Đức Huy).

Hiện tại, ngoài VinFast đã có đơn vị thứ ba bắt tay vào xây dựng trạm sạc công cộng, trong đó có thể kể đến EV One và EverCharge. Hai đơn vị này đều phát triển ứng dụng điện thoại riêng, cho phép người dùng tìm kiểm điểm sạc gần nhất, thống kê phiên sạc và thanh toán.

EV One là cái tên đáng kể nhất khi có 88  trạm sạc trên toàn quốc, nhưng chỉ có 7 cơ sở tại Hà Nội và tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Theo công bố, trung bình mỗi 60km sẽ có một trạm sạc của EV One. Mục tiêu năm 2025, doanh nghiệp này sẽ có hơn 600 đầu sạc trong đó 30% là các trạm được trang bị bộ sạc DC có công suất 180 KW.

Về phía EverCharge, đơn vị này chưa có nhiều điểm sạc như EV One, hiện chỉ có 45 trạm sạc. Một đơn vị khác là Solar Z hiện cũng đang ráo riết tìm kiếm địa điểm, đối tác hợp tác để xây dựng trạm sạc. Solar Z có 27 trạm sạc trên cả nước, tập trung chủ yếu tại TP HCM. Solar Z là đối tác phát triển trạm sạc của BYD Việt Nam.

Những con số trên đây có thể thấy dù đã có nhiều bên thứ ba tham gia thị trường trạm sạc ô tô điện, song chưa có đơn vị nào đủ tiềm lực tài chính và khả năng để xây dựng một mạng lưới bài bản như VinFast đang làm. Có thể nói, VinFast vẫn đang đơn độc trên sân chơi trạm sạc - điều này khiến tính cạnh tranh của thị trường mất đi sức hấp dẫn.

Để khuyến khích phát triển trạm sạc, mới đây tại cuộc họp sáng 6/8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương bổ sung quy hoạch về trạm, trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông. Ông Hà nhấn mạnh cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm, trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí.

Trước đó, theo nghị định mới được công bố, từ 1/8/2024 chung cư được xếp hạng cao nhất (hạng 1) theo tiêu chí mới sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó cần có trạm sạc xe điện.

HSBC ước tính, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần khoảng 12,3 tỷ USD để có đủ trạm sạc cho xe điện.

Đức Huy