Doanh nghiệp BĐS đổ bộ vào phía Đông Quảng Nam
Phía Đông tỉnh Quảng Nam gồm các huyện, thành phố: Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An. Theo quy hoạch khu Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nơi đây là vùng động lực của tỉnh Quảng Nam, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển.
Bên cạnh đường bờ biển dài trên 100 km, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư tuyến đường Võ Chí Công dài 69 km chạy dọc ven biển, nối từ TP Hội An đến TP Tam Kỳ. Hiện nay, đoạn đường nối từ TP Tam Kỳ đến huyện Núi Thành - nơi đang có sân bay Chu Lai hoạt động đang được hoàn thiện.
Hạ tầng ngày càng hoàn thiện cùng với quỹ đất lớn, khu Đông Quảng Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, VinaCapital, BRG, T&T,… đến đầu tư và tìm hiểu đầu tư trong thời gian gần đây.
Cụ thể, Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) đầu tư Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An diện tích khoảng 200 ha với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng ở huyện Thăng Bình.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (thuộc Tập đoàn VinaCapital) đầu tư Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985,6 ha, vốn đầu tư 4 tỷ USD ở huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn BRG đầu tư 5 dự án thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao với tổng diện tích 369 ha ở huyện Thăng Bình. Hay CTCP Tập đoàn T&T đầu tư dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô 278 ha cũng ở huyện Thăng Bình,…
Tập đoàn Vingroup đầu tư Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An khoảng 5.000 tỷ đồng, có mặt tiền đường Võ Chí Công. (Ảnh: Văn Luận).
Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều tập đoàn lớn sau cuộc "viễn chinh" ở các tỉnh, thành phố khác cũng đã chọn vùng Đông Quảng Nam để đầu tư, nghiên cứu đề xuất loạt dự án quy mô lớn.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Panko E&D (thuộc Tập đoàn Panko) mới đây đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam cho nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, khu đô thị thông minh và resort, sân golf trên địa bàn TP Tam Kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản trả lời Panko E&D, cho biết đối với Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam định hướng đầu tư theo tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái và chỉ quy hoạch một khu công nghiệp có diện tích dưới 500 ha, không chia thành các phân khu.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Panko E&D liên hệ với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh (Ban Quản lý) để được hướng dẫn đề xuất nghiên cứu đầu tư theo quy định, trong đó cần lưu ý làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp với các ngành nghề dự kiến ưu tiên thu hút đầu tư tại khu công nghiệp này.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, công ty xem xét nộp hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với dự án khu đô thị và resort, sân golf, công ty được yêu cầu phối hợp với Ban Quản lý nghiên cứu, đề xuất cụ thể về ý tưởng, loại hình đầu tư, các khu chức năng tại các khu vực được Ban Quản lý giới thiệu, phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Quảng Nam sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư, sau đó sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư theo quy định để công ty đăng ký tham gia.
Trước đó vào cuối tháng 7/2015, Tập đoàn Panko đã khởi công xây dựng nhà máy dệt may Panko và nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina tại Khu công nghiệp Tam Thăng với quy mô 33,5 ha và tổng vốn đầu tư 1.540 tỷ đồng.
Ở mảng BĐS công nghiệp, Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp và Đô thị Chu Lai Trường Hải (thành viên Thaco) cũng đề xuất đầu tư Khu công nghiệp Cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng khoảng 210 ha ở huyện Núi Thành.
UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Chu Lai Trường Hải gửi đầy đủ hồ sơ đăng ký đầu tư dự án nói trên cho Ban Quản lý và các ngành, địa phương liên quan để nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh.
Thaco lần đầu tiên đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam vào năm 2003 với dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai hơn 1.200 ha, vốn đầu tư hơn 80.500 tỷ đồng. Dự án gồm 4 phân khu: Khu công nghiệp cơ khí và ô tô (325 ha), Khu công nghiệp nông - lâm nghiệp (451 ha), Khu cảng và hậu cần cảng (140 ha), Khu đô thị, nhà ở công nhân và tái định cư (320 ha).
Một ông lớn khác là CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) cũng đã đề xuất nghiên cứu đầu tư hai dự án lớn ở vùng Đông tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Khu đô thị và cảnh quan nằm ở hai bên đường Điện Biên Phủ TP Tam Kỳ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã giao UBND TP Tam Kỳ phối hợp với Sun Group hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, gửi Ban Quản lý để khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục. Thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trước tháng 10/2021.
Dự án thứ hai Sun Group đề xuất là Khu đô thị ven sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn, Sun Group hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư. Thời gian hoàn thành hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong năm 2021.
Về BĐS nghỉ dưỡng, CTCP Mai Đoàn Chu Lai mới đây có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về việc đầu tư Khu du lịch sinh thái biển Cát Vàng Chu Lai giai đoạn 2 (Sol By Melia Hoi An) có tổng diện tích hơn 4,6 ha tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao các Sở, ngành và UBND huyện Núi Thành hỗ trợ Mai Đoàn Chu Lai thực hiện các hồ sơ, thủ tục để đảm bảo điều kiện khởi công xây dựng dự án trong thời gian tới.