|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

DNA của VinFast

14:07 | 22/01/2023
Chia sẻ
VinFast có gì khác biệt so với Tesla, BYD,… ?

 

Ngày 21/12/2022, 999 xe điện VinFast xuất khẩu đầu tiên của Tập đoàn Vingroup đã cập cảng Benicia (California, Mỹ). 999 xe này thuộc dòng VF 8 City Edition, đây là lô xe phiên bản giới hạn được sản xuất cho thị trường Mỹ.‏

‏Không phải mất 20 năm để mò mẫm dò đường như Tesla, cũng không phải tốn công marketing về xe điện với chi phí rẻ như BYD, VinFast sinh ra đúng thời điểm thế giới đang “khát” một phương tiện di chuyển xanh và những công nghệ cần cho việc phát triển một mẫu ô tô điện đã có đủ. ‏

‏VinFast đã tiến băng băng trên con đường chinh phục thị trường ô tô điện mà không gặp mấy rào cản như những đối thủ trong ngành. Có được điều này một phần cũng nhờ xu hướng toàn cầu hoá và sự hợp tác chia sẻ công nghệ giữa các doanh nghiệp đa quốc gia.‏

‏Nhìn về chặng đường 4 năm qua của VinFast, ta thấy đâu đó bóng hình quá khứ của Hyundai – một trong ba nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Đó là chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” để đi nhanh hơn.‏

‏Hyundai và 10.000 chiếc xe đầu tiên xuất Mỹ‏

‏Năm 1946, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một xưởng dịch vụ ô tô mang tên Hyundai (có nghĩa là “Hiện đại”) được hình thành, do ông Ju-Yung Chung (31 tuổi) làm chủ. Khu xưởng ấy chính là tiền thân cho hãng xe nổi tiếng thế giới Hyundai sau này. 20 năm sau, Hyundai Motor bắt đầu tham gia lắp ráp và phân phối sản phẩm Ford Cortina và Granada tại Hàn Quốc.‏

‏Năm 1975, để khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế, chính phủ Hàn Quốc đã giao nhiệm vụ cho 4 công ty gồm Hyundai, Daewoo, Kia và Ssangyong phát triển ô tô nội địa. Lãnh đạo Hyundai lúc bấy giờ đặt mục tiêu 80.000 ô tô do người Hàn thiết kế được sản xuất mỗi năm. ‏

‏Khi ấy, dù có kinh nghiệm 8 năm gia công ắp ráp xe cho Ford, song để tích luỹ được công nghệ phù hợp, Hyundai đã phải bắt tay hợp tác với 26 công ty nước ngoài.‏

‏Trong đó, có 10 công ty Nhật và Ý cho thiết kế xe; 4 công ty Nhật và Mỹ cho công nghệ tạo thân vỏ; 5 công ty ở Đức cho dây chuyền đổ khuôn và luyện kim; 2 công ty ở Nhật và Anh cho hệ thống máy; 5 công ty ở Mỹ và Anh cung cấp phụ tùng xe.‏

‏Công ty Giorgetto Giugiaro ItaDesign được chọn để đưa ra những mẫu thiết kế cho chiếc xe mang thương hiệu Hyundai đầu tiên trong khi Mitsubishi cung cấp các giải pháp phát triển động cơ, hộp số, trục phía sau và công nghệ đúc. ‏

‏Hyundai ký hợp đồng với cựu giám đốc công ty Leyland Motor Corp, George Turnbull và 6 chuyên gia kỹ thuật khác của Anh cùng tham gia trong khoảng thời gian ba năm để phát triển phiên bản xe ô tô mang tên Hyundai Pony.‏

‏Dây chuyền sản xuất bắt đầu vào năm 1975, sau đó Pony chính thức được phân phối vào năm 1976. Với mục tiêu cuối cùng là xuất khẩu ô tô đến Mỹ, Hyundai cho Pony thử nghiệm, chứng nhận và được phê duyệt tại châu Âu. Phiên bản subcompact (xe bình dân cỡ nhỏ) của Pony được giới thiệu tại Hội chợ Triển lãm ô tô quốc tế Brussels lần thứ 56 vào năm 1978, Cùng năm đó, Hyundai đã xuất khẩu chiếc xe Pony thứ 10.000. ‏

‏Ngày nay, Hyundai là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới tính theo doanh số, với 3,3 triệu xe bán ra trong nửa đầu năm 2022, theo Korea Times.‏

‏VinFast và quá trình làm xe điện từ con số 0‏

‏Tương tự Hyundai. Ngay trong những buổi đầu tiên làm xe, VinFast đã tìm kiếm các đối tác cung cấp phụ tùng, linh kiện trên toàn cầu, có thể kể đến những cái tên như BMW, Magna Steyr, AVL, EDAG, Pininfarina, ItalDesign, Bosch, Siemens,…‏

‏Đối với xe điện, VinFast cũng áp dụng chiến thuật tương tự. Tháng 3 năm ngoái, VinFast đã hợp tác với ProLogium để thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn và được phép sử dụng các bằng sáng chế của đơn vị này để sản xuất pin thể rắn ở Việt Nam.‏

‏Đến tháng 8/2021, VinFast hợp tác với Gotion High-Tech - đơn vị sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc, để sản xuất cell pin LFP cho ô tô điện. Đây là kế hoạch của VinFast trong việc tự chủ chuỗi cung ứng.

 

VinFast cũng đầu tư vào công ty tiên phong trong công nghệ pin sạc siêu nhanh Storedot (Israel). Đơn vị này đang sở hữu công nghệ pin lithium hàng đầu thế giới, giúp người dùng có thể sạc đầy một chiếc xe điện trong thời gian rất ngắn, chỉ tương đương với thời gian cần để tiếp nhiên liệu cho một chiếc xe động cơ đốt trong.‏

‏Tới tháng 9/2021, VinFast công bố lựa chọn Cerence làm đối tác cung cấp giải pháp công nghệ AI trên ô tô điện thông minh. Công ty cũng bắt tay ZF (Đức) phát triển công nghệ hỗ trợ lái trên ô tô điện. Nhờ đó, các mẫu xe điện như VinFast VF8, VF9 đã được trang bị tính năng tự hành lên tới cấp độ 4 - điều hiếm thấy ở những hãng ô tô lớn nhất thế giới, kể cả những hãng xe nổi tiếng về công nghệ như Tesla.‏

‏Ngoài ra, VinFast có riêng cho mình một viện nghiên cứu VinBigData, hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Thành quả đầu tiên là trợ lý ảo VinFast ứng dụng trên các dòng xe ô tô điện của công ty.‏

‏Mới đây, ông Bùi Hải Hưng, Giám đốc điều hành VinAI, cho hay VinFast đã hợp tác với hãng siêu chip NVIDIA và từ tháng 7 đã triển khai một đội xe di chuyển 24/7 để thu thập dữ liệu thực của hàng triệu cung đường tại Mỹ và châu Âu.‏

‏Ông Hưng cho biết bằng sự hợp tác với NVIDIA, hãng xe Việt sẽ sử dụng hệ thống DRIVE Xavier trên chip (SoC) cho VF e34, VF8 và VF9. Hiện tại, NVIDIA Drive Orin là bộ xử lý AV (Autonomous Vehicles) hiệu suất cao nhất trong ngành. ‏

‏Có thể thấy, VinFast đang tập trung vào sản xuất pin và trang bị công nghệ. Hợp tác với những “lão làng” trên thế giới giúp VinFast có khả năng đi nhanh hơn đối thủ, không phải tốn quá nhiều thời gian cho R&D, rút ngắn thời gian ra sản phẩm.‏

Mã gen của VinFast

Với cách làm này, một số người tỏ ra hoài nghi về tính “Made in Việt Nam” của VinFast. Chả thế mà trên trang cá nhân của một vị chuyên gia nọ về quản trị doanh nghiệp, có lần đã từng đặt câu hỏi: Năng lực lõi của VinFast là gì?

Hay nói đúng hơn là DNA của VinFast, điều gì làm nên sự khác biệt giữa xe điện VinFast với Tesla – một doanh nghiệp xe điện mạnh về thương hiệu hay BYD – vốn được biết đến với những mẫu xe điện giá rẻ trang bị vô số công nghệ, để người dùng có thể sẵn sàng rút hầu bao chọn mua?

Trong chiến lược phát triển xe điện, theo quan sát, VinFast đang tập trung vào ba yếu tố, gồm: Công nghệ sản xuất pin, trải nghiệm người dùng trên xe và giá cả.

 

Hai yếu tố đầu tiên đều dựa vào những công nghệ xe điện sẵn có mà trong thời gian qua VinFast đã tích cực hợp tác với các công ty khác nhau trên thế giới để sở hữu và trang bị trên mỗi chiếc xe của mình.

Về giá cả, VinFast là một trong những hãng xe đầu tiên trên thế giới lựa chọn cách tiếp cận cho người mua thuê pin. Chính sách này được đánh giá là vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo độ hoạt động ổn định của pin.

Nhưng, đây có hẳn là mã gen của VinFast? Bởi trong một bài viết đăng trên blog của hãng xe Việt, VinFast từng khẳng định rằng “tài sản lớn nhất [của công ty] không phải là công nghệ”: “Tài sản lớn nhất mà chúng tôi sở hữu chính là tư duy và tinh thần của những con người VinFast”, blog viết.

Thật vậy. Khi người Việt sử dụng công nghệ của thế giới để tạo ra chiếc xe điện “made in Việt Nam”, mang trí tuệ, tinh thần và khát khao của người Việt trong suốt mấy mươi thập kỷ - đây có lẽ sẽ là cách mà VinFast đã và đang sử dụng để tạo ra sự khác biệt so với những đối thủ khác trong ngành.

 

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam. 

Thiên Trường

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.