|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều gì đã xảy ra với đà giảm giá tiêu vừa qua?

08:00 | 11/05/2022
Chia sẻ
Việc nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu yếu, kèm theo đó là sự vắng bóng của giới đầu cơ đã khiến giá tiêu giảm mạnh trong trong thời gian qua.

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 4, giá tiêu thị trường nội địa giảm do ảnh hưởng bởi tình hình bán hàng ảm đạm trong khi nguồn cung lớn.

Theo đó, giá hạt tiêu đen giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cuối tháng 3, xuống mức thấp nhất 76.000 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai; mức cao nhất 79.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu được ghi nhận ở mức 77.000 đồng/kg; tại tỉnh Đồng Nai ở mức 76.500 đồng/kg.

Như vậy, tính trong 4 tháng đầu năm, giá tiêu giảm khoảng 6%, từ mốc trên 81.000 đồng/kg. 

Hiện tại, nhiều nơi đã thu hoạch xong trên 80% vụ tiêu năm nay. Điều này tạo nên áp lực nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, tồn kho trong dân vẫn còn nhiều.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trước đó, hiệp hội báo cáo với Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2022 là 162.000 giảm 10% so với niên vụ 2022. Tuy nhiên, con số này chỉ là tạm thời do thời điểm báo cáo chưa thu hoạch xong và qua khảo sát cho thấy tồn kho của dân còn nhiều và cao hơn so với ước tính ban đầu.

Bên cạnh áp lực nguồn cung lớn, việc tiêu thụ khó khăn, nhất là đối với thị trường Trung Quốc cũng đang yếu lực cản đối với giá tiêu trong thời gian qua.

Theo đó, trong tháng 4 Việt Nam xuất khẩu được 24.795 tấn hồ tiêu các loại  với kim ngạch  đạt 115,2 triệu USD tăng 3,6% về lượng và kim ngạch tăng 1,9%, theo số liệu của VPA. 

Mặc dù vậy, tính chung trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 79.410 tấn hồ tiêu các loại, thu về 369,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 15,5% tương đương 14.611 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 29,2% tương đương 83,6 triệu USD.

Riêng thị trường Trung Quốc, lượng tiêu xuất khẩu chỉ đạt 209 tấn trong tháng 4. Đây là lượng nhập khẩu hồ tiêu ít nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Điều này khiến tổng lượng tổng lượng xuất khẩu sang thị trường trong tháng 4 chỉ khoảng 2.347 tấn, giảm 87,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

H.Mĩ tổng hợp từ số liệu VPA 

Chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc tác động không nhỏ tới thị trường hồ tiêu Việt Nam khi 90% lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Việc tắc nghẽn ở các cửa khẩu, thắt chặt việc đi lại tại thị trường nội địa Trung Quốc khi phát hiện ca dương tính sẽ làm cho việc tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc giảm xuống.

Ông Vũ Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ XNK Hà Nội cho biết vụ thu hoạch đã đạt trên 80%. Trong khi đó, xuất khẩu những tháng đầu năm ảm đạm, thị trường Trung Quốc gần như không nhập, các thị trường khác cơ bản vẫn giữ vững. Hiện nay, khách hàng ngoại muốn mua dài hạn, tuy nhiên thị trường bất ổn khiến các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.

Năm 2021, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của ngành tiêu Việt Nam, sau Mỹ với tỷ trọng khoảng 15%. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, vị thế của thị trường này tụt xuống thứ 8 và tỷ trọng chỉ còn khoảng 3%.

Tỷ trọng xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng vì chính sách Zero Covid (H.Mĩ tổng hợp từ số liệu VPA) 

 

Một yếu tố quan trọng khác, tác động đến giá tiêu đó là sự tham gia của giới đầu cơ. Theo VPA, sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2021 tiếp tục giảm và chạm mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đánh dấu năm thứ 3 giảm liên tiếp. Điều này kéo theo giá hồ tiêu liên tục tăng mạnh. Cán cân cung cầu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng.

Giá tiêu năm 2021 liên tục tăng mạnh và bắt đầu hạ nhiệt trong những tháng đầu năm 2022. (H.Mĩ tổng hợp) 

Tuy nhiên, VPA cho rằng nếu không có sự tham gia của yếu tố đầu cơ thì mức tăng giá có thể không mạnh do tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu.

 

Đồng thời, kỳ vọng giá tăng đang khuyến khích nông dân chăm sóc và đầu tư vườn tiêu, do đó nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì sản lượng hồ tiêu có khả năng tăng ở Việt Nam và Brazil trong năm sau.

 

Theo đánh giá của VPA, thời gian tới thị trường hồ tiêu vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn tác động đến giá.

Theo đó, căng thẳng tại Nga và Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và lãi suất ngân hàng cũng theo chiều hướng tương tự. Sự gia tăng lãi suất ngân hàng và các chi phí kho bãi gây bất lợi cho việc đầu cơ dài hạn. Đây cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy giá tăng trong thời gian tới.

Áp lực giá xăng dầu làm cho chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn, chưa kể tình trạng kẹt cảng, thiếu container vẫn còn tiếp diễn. 

Theo thông báo mới nhất của Hãng tàu ONE, từ tháng 3 giá cước đi Châu Âu sẽ tăng thêm 800 - 1.000 USD lên 8.100 - 8.300 USD cho mỗi container 20 feet.

 

Ngoài ra, sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân, giá thuốc và nhân công tăng. 

Sự kiên định của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid” không chỉ khiến chuỗi cung ứng nội địa đứt gãy mà còn tác động đến giá hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới khi xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm, đồng thời một số lô hàng hồ tiêu đang bị kẹt ở cửa khẩu có thể sẽ bị bán ngược lại Việt Nam để cắt lỗ sẽ gây áp lực lên giá tiêu trong nước. 

Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn vận tải biển có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế của Trung Quốc được nới lỏng bởi sẽ có sự bùng nổ lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo sức ép lớn đối với giá cước giao ngay.

Ông Phan Đình Đạt, Giám đốc nhà máy Công ty Cổ phần Liên Thành cho rằng thị trường Trung Quốc hạn chế nhập cần phải xem họ có nhập từ đâu để thay thế không?

Một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng cho rằng Brazil hiện có mặt khắp nơi trên thế giới, Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh nếu Brazil tấn công thị trường Trung Quốc. Hiện tại, quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn thứ 2 toàn cầu này vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.  

Mặc dù vậy, tiêu Việt Nam vẫn có điểm sáng từ thị trường Ấn Độ. Theo đó, tình trạng vỡ nợ tại Sri Lanka cho thấy sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường hồ tiêu toàn cầu do tiêu Sri Lanka chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ. 

Thống kê của VPA cho thấy xuất khẩu hồ tiêu sang châu Á giảm 27%. Tuy nhiên ghi nhận thị trường Ấn Độ nhập khẩu tăng tới 62,3% đạt 6.663 tấn.