|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐHĐCĐ VIB: Bắt đầu thực hiện tăng trưởng tín dụng từ ngày mai, trong vòng 4-6 tháng hoàn thành mục tiêu năm

08:20 | 15/03/2023
Chia sẻ
Theo chia sẻ của lãnh đạo, VIB thường xuyên tham khảo các chính sách chia cổ tức của các ngân hàng ở nước ngoài và họ duy trì cổ tức tiền mặt khoảng 30-50%/năm. Ngân hàng sẽ cân nhắc để đảm bảo hệ số CAR và nếu không có sự thay đổi chính sách từ cơ quan quản lý thì có thể kỳ vọng cổ tức 2023 ở mức 30% trở lên tính trên lợi nhuận 2023.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VIB khai mạc lúc 8 giờ ngày 15/3. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Sáng ngày 15/3, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023. Đây là ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong năm nay.

Tính đến 8 giờ 10 phút, có 130 cổ đông tham dự (bao gồm tham dự trực tiếp và đại diện ủy quyền), chiếm 75,15% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Năm thứ 6 tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận

Theo báo cáo của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT tại đại hội, năm 2022, VIB bước vào năm đầu tiên của giai đoạn 2 (2022-2026) của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 (2017-2026). Đây là năm thứ 6 liên tiếp VIB đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu, lợi nhuận, cơ sở khách hàng và là năm thứ 3 liên tiếp đạt hiệu suất lợi nhuận trên vốn cao nhất ngành.

Lợi nhuận của VIB đã đạt mức tăng trưởng bình quân (CAGR) 57% mỗi năm trong suốt giai đoạn 6 năm qua và hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 30% trong nhiều năm. Trong năm 2022, ngân hàng đạt 10.581 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32,1% so với năm 2021 và vượt nhẹ so với kế hoạch.

Trên cơ sở kết quả đạt được, HĐQT đề xuất chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 35%, bao gồm 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức bằng tiền mặt. Trong đó, VIB đã thực hiện chi trả tạm ứng 10% cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 3/3 vừa qua.

 (Nguồn: VIB).

Tổng dư nợ tín dụng năm 2022 tăng 14,5% lên 133.920 tỷ đồng. Hoạt động huy động vốn tăng 7% lên 231.899 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng 1,79% nhưng vẫn nằm trong tỷ lệ cho phép dưới 3% theo định hướng của VIB và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến hết năm 2022, VIB đã phát hành gần 3 triệu thẻ, trong đó riêng thẻ tín dụng đạt hơn 600.000 thẻ. Bên cạnh đó, chi tiêu của khách hàng qua thẻ tín dụng VIB tăng trưởng khoảng 9 lần, từ gần 9.000 tỷ đồng ở năm 2018 lên đến mức 75.000 tỷ đồng vào năm 2022. Thu nhập hoa hồng bảo hiểm năm 2022 là 1.303 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT, thay mặt HĐQT báo cáo kết quả kinh doanh 2022 và kế hoạch kinh doanh 2023. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ duy trì ở mức thấp

Năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của VIB tăng trưởng 14,5%, tương đương mức tăng trưởng ngành và sử dụng 100% room tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp. Cho vay bán lẻ tại ngày 31/12/2022 đạt 211.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% và tương đương 90% tổng dư nợ toàn ngân hàng.

Tiền gửi khách hàng năm 2022 tăng trưởng 15,3%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh thanh khoản thị trường khó khăn nhưng khối ngân hàng bán lẻ đã tăng trưởng 10% tiền gửi dân cư chỉ riêng trong quý IV/2022.

Trên thị trường liên ngân hàng, tổng huy động tài trợ thương mại từ các định chế tài chính quốc tế đạt hơn 1 tỷ USD, tổng giao dịch ngoại tệ đạt 110 tỷ USD và tổng giao dịch trái phiếu đạt hơn 155.000 tỷ đồng.

Cũng theo HĐQT, VIB là một trong những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ thấp nhất ngành ngân hàng, chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ. VIB luôn tuân thủ các chỉ số quản trị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước: NHNN: Tỷ lệ an toàn vốn 12,8%; tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi 76%; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn 30%; tỷ lệ nợ xấu 1,79%.

 VIB là một trong những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu trên tổng dư nợ thấp nhất ngành ngân hàng. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

Mục tiêu lãi trước thuế 2023 đạt 12.200 tỷ đồng

VIB đã đặt ra lộ trình chuyển đổi 10 năm 2017-2026. Trong 6 năm đầu của lộ trình, VIB đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận trước thuế là 57%. Mục tiêu của giai đoạn 5 năm 2022-2026 của VIB bao gồm: 10 triệu khách hàng; tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) đạt 20-30%/năm; gia tăng bền vững vốn hóa thị trường.

Trên cơ sở định hướng chiến lược giai đoạn 2022-2026 và nhận định về môi trường kinh doanh năm 2022, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với lợi nhuận trước thuế 12.200 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 15,3% so với kết quả đạt được trong năm ngoái. Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 25% lên 292.500 tỷ đồng và con số này có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng được NHNN cho phép. Mục tiêu huy động vốn tăng 26,2% lên 292.600 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Phát hành cổ phiếu thưởng và ESOP, tăng vốn điều lệ lên gần 25.370 tỷ đồng

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

HĐQT VIB cho biết hiện ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt, cần vốn để đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, VIB cần phát triển ổn định đội ngũ nhân sự chất lượng.

Do đó,HĐQT đề xuất cổ đông phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 thông qua phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên (ESOP), với tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36%. Nếu các đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của VIB tăng từ 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ. (Nguồn: VIB).

Phương án sử dụng vốn sau các đợt phát hành. (Nguồn: VIB).

Phiên thảo luận

Chia sẻ về chính sách cổ tức bằng tiền mặt trong những năm tiếp theo?

Ông Đặng Khắc Vỹ,Chủ tịch HĐQT: VIB trước giai đoạn dịch COVID-19 (năm 2019 trở về trước) thường xuyên chia cổ tức thành hai phần gồm cổ phiếu thưởng và tiền mặt. Trong ba năm qua, theo yêu cầu NHNN, các ngân hàng nói chung và VIB nói riêng cần dành nguồn lực để phòng ngừa rủi ro và phát triển nên không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trong năm 2023, dư địa VIB có thể chia cổ tức 38% nhưng chúng tôi quyết định chỉ dừng và trình mức 35%, trong đó có 15% bằng tiền mặt. Ngày 3/3 vừa rồi, VIB đã ứng trước cổ tức bằng tiền mặt 10%. Nếu được cổ đông thông qua, VIB sẽ chia 5% còn lại trong 3-5 tháng tới.

Chúng tôi thường xuyên tham khảo các chính sách chia cổ tức của các ngân hàng ở nước ngoài và họ duy trì cổ tức tiền mặt khoảng 30-50%/năm. Chúng tôi sẽ cân nhắc để đảm bảo hệ số CAR, nếu không có sự thay đổi chính sách từ cơ quan quản lý thì chúng ta có thể kỳ vọng cổ tức 2023 ở mức 30% trở lên tính trên lợi nhuận 2023.  

Cổ tức của VIB qua các năm. (Nguồn: VIB).

Chi tiết tỷ lệ cho vay của VIB hiện nay?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Năm 2022, VIB có 210.000 tỷ đồng cho vay bán lẻ, trong đó 91% là cho vay có tài sản bảo đảm, 9% còn lại cho vay tín chấp qua thẻ tín dụng VIB (tương đương dư nợ 15.000-16.000 tỷ đồng).

Trong 210.000 tỷ đồng này, cho vay nhà ở chiếm 50%, ô tô 18-19%, căn hộ kinh doanh 17%, sửa chữa nhà hơn 7%,… Tỷ lệ cho vay có tài sản bảo đảm của VIUB chiếm 43%.

VIB không cho vay nhà ở tại biển đảo, các dự án đang triển khai (nhà ở hình thành trong tương la), condotel,… mà chỉ cho vay nhà ở đã có sổ hồng, sổ đỏ và nhà kinh doanh đa mục đích (một phần kinh doanh, một phần để ở).

Thời gian qua thị trường bất động sản khó khăn, nhiều tập đoàn mất thanh khoản. Việc giảm giá bất động sản ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tài sản bảo đảm của VIB? Tiên lượng trường hợp xấu nhất như bất động sản giảm 30%?

Ông Đăng Khắc Vỹ: Năm 2022 và 2023 là những năm rất khó khăn và sẽ còn rất khó khăn đối với thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.VIB chỉ có 3% trái phiếu và cho vay bất động sản trên tổng dư nợ 232.000, thấp nhất trong 19 ngân hàng được khảo sát.

Theo kết quả khảo sát của hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ 19-20 ngân hàng, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản của VIB ở mức 1.800 tỷ đồng trên tổng dư nợ 232.000 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu này chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

VIB cho vay bất động sản khoảng 3.800 tỷ đồng, rất nhỏ so với dự nợ ngân hàng. Doanh nghiệp bất động sản VIB cho vay chủ yếu là các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam như Phú Mỹ Hưng.

VIB có 90% dư nợ bán lẻ, trong số đó có hơn 90% dư nợ bán lẻ có tài sản bảo đảm và 50% tài sản bảo đảm này là bất động sản. VIB đánh giá tài sản bảo đảm rất chặt chẽ từ ddaafdu vào.

Tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm của VIB chỉ 43%, nếu thị trường bất động sản giảm đến 57% thì VIB mới đạt đến ngưỡng bình thường, còn thị trường bất động sản giảm 30% thì VIB hoàn toàn an toàn.

 Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT điều hành phiên thảo luận và trả lời câu hỏi của cổ đông. (Ảnh: Nguyên Ngọc).

 

Fed chưa dừng tăng lãi suất, dự báo tiếp tục tăng đến hết quý II và có khả năng chạm mức 6%. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và quản trị rủi ro của VIB như thế nào?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Cũng có nhiều tin tức được đưa ra cho thấy khả năng Fed không tiếp tục tăng lãi suất để đảm bảo các ngân hàng hoạt động thông suốt. Tại Việt Nam, NHNN cũng vừa hạ lãi suất hôm qua, giá huy động giảm kéo theo giá cho vay sẽ giảm.

Về hoạt động tăng trưởng tín dụng của VIB, với room 15%/năm chúng tôi chỉ cần thực hiện 4-6 tháng. Trong hai tháng đầu năm (trong đó tháng 1 rơi vào kỳ nghỉ Tết), VIB đã chủ động xem xét thị trường và quyết định không tăng trưởng tín dụng để quan sát tác động tiêu cực từ thị trường thế giới và trong nước.

Bắt đầu từ ngày mai, chúng tôi thực hiện tăng trưởng tín dụng. Nếu thị trường tiếp diễn trong điều kiện bình thường, chúng tôi thực hiện 4-6 tháng là hoàn thành mục tiêu năm. 

Tình hình nợ xấu VIB lũy kế đến tháng 2/2023, đặc biệt là nợ nhóm 2?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Nợ xấu có tăng có giảm không quan trọng, VIB chưa bao giờ mất vốn và trước giờ vẫn thu lại được 105% giá trị cho vay ban đầu. Thời kỳ COVID-19 thì nợ xấu VIB lập tức tăng nhẹ nhưng sau đó chúng ta kìm lại được ngay.

Ông Hà Hoàn Dũng, Giám đốc Quản trị rủi ro: Tính đến cuối năm 2022, nợ xấu 1,79%, nợ ngắn hạn 3,2%. Với kịch bản thị trường bất động sản thời gian qua, VIB đã chủ động xây dựng phương án từ lựa chọn khách hàng đầu vào và đánh giá tài sản bảo đảm.

VIB chỉ nhận tài sản bảo đảm là dự án có sổ hồng, sổ đỏ (không nhận tài sản hình thành trong tương lai). VIB có thể xử lý những khoản cho vay dễ dàng. Nợ xấu và nợ ngắn hạn có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra.

Kế hoạch NIM 2023 của VIB?

Ông Đặng Khắc Vỹ: Trong những tháng đầu năm 2023, NIM của VIB tăng nhẹ, vượt hơn con số 4,6% của cả năm 2022. Với những biện pháp của NHNN, một mặt giảm lãi suất huy động, mặt khác yêu cầu ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, giảm lãi suất cho vay. Do đó, NIM VIB thời gian tới dao động 4,5-4,6%.

Tình hình thanh khoản của VIB hiện nay?

68% vốn huy động của VIB từ doanh nghiệp, cá nhân; 13% từ phát hành giấy tờ có giá với kỳ hạn 12-36 tháng. Ở thị trường nước ngoài, VIB vay khoản 8%.

Chúng tôi cho vay theo lãi suất thả nổi (bao gồm cả cho vay cá nhân) và điều chỉnh lãi suất tăng giảm kịp thời hàng kỳ 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng.

Bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2027

HĐQT nhiệm kỳ 2023-2027 của VIB gồm 5 thành viên (4 thành viên thông thường, 1 thành viên độc lập, 4 thành viên không phải là người điều hành): Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT; ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT; ông Đỗ Xuân Hoàng, Thành viên HĐQT; ông Hàn Ngọc Vũ, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Thành viên HĐQT độc lập.

Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2027 của VIB gồm 2 thành viên: Ông Đào Quang Ngọc và bà Nguyễn Lương Thị Bích Thủy. Thành viên còn lại sẽ được bầu tại ĐHĐCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào tháng 6.

Đại hội kết thúc vào lúc 12 giờ 57 phút. Tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Nguyên Ngọc