|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dấu ấn của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành tại Vietcombank

10:41 | 03/07/2021
Chia sẻ
Dưới thời lãnh đạo của ông Nghiêm Xuân Thành, Vietcombank đã có bước chuyển mình quan trọng từ một ngân hàng chuyên bán buôn sang mô hình bán lẻ, khẳng định vị trí quán quân lợi nhuận liên tục trong nhiều năm.

Sau 8 năm gắn bó, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành chính thức chia tay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) và được điều chuyển đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Với xuất phát điểm từ Ngân hàng Công thương (VietinBank), từng nắm giữ chức vụ Chánh văn phòng của Ngân hàng Nhà nước trước khi nhận chức Tổng Giám đốc Vietcombank vào năm 2013, ông Nghiêm Xuân Thành đã mang đến một làn gió mới cho ngân hàng này.

Sự xuất hiện của ông cũng. đánh dấu giai đoạn Vietcombank chuyển mình từ một ngân hàng chuyên bán buôn dần sang mô hình bán lẻ, một trong ba trụ cột chính tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của Vietcombank gồm: bán lẻ, giá rẻ và dịch vụ.

Trong một sự kiện với báo giới, ông Thành cho biết chiến lược bán lẻ được Vietcombank khởi động từ năm 2013 khi vẫn còn là ngân hàng bán buôn, tỷ trọng cho vay các doanh nghiệp chiếm tới 80%.

Ông Thành từng chia sẻ rằng khi ngân hàng đặt mục tiêu đứng đầu bán lẻ, "nhiều người cảm thấy buồn cười" vì nhắc tới Vietcombank là nhắc tới bán buôn, thanh toán quốc tế...

Dấu ấn của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành tại Vietcombank - Ảnh 1.

Với trụ cột thứ hai, hiện nay Vietcombank đã dẫn đầu hệ thống về quy mô nguồn tiền giá rẻ, bao gồm tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiền gửi lãi suất thấp. Trong đó, riêng về tỷ lệ CASA của Vietcombank luôn nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành.

Với việc triển khai các gói tài khoản miễn phí dịch vụ chuyển tiền hồi đầu năm, nguồn vốn giá rẻ của Vietcombank được kỳ vọng tiếp tục tăng trong tương lai.

Trụ cột thứ ba đó là thu dịch vụ, mảng hoạt động này đã tăng mạnh mẽ trong thời gian qua và hiện chiếm tỷ trọng 26% trong tổng thu nhập của ngân hàng.

Có thể nhận thấy, dưới thời Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành, Vietcombank không chỉ duy trì vị trí ngân hàng hàng đầu lợi nhuận tại Việt Nam mà còn có chỗ đứng trong khu vực. Vietcombank là ngân hàng Việt đầu tiên có mặt trong Top 500 Ngân hàng hàng đầu thế giới theo kết quả bình chọn do Tạp chí The Banker và là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong top 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu xếp do Tạp chí Forbes bình chọn.

Dấu ấn của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành tại Vietcombank - Ảnh 2.

Tính chung trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2020, thời gian ông Thành đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Vietcombank, tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng với tốc độ bình quân 16,3%/năm; dư nợ cho vay khách hàng tăng 17,3%/năm và số dư tiền gửi khách hàng tăng 17,7%/năm.

Tính đến hết quý I/2021, tổng tài của ngân hàng giảm 4% so với đầu năm, còn gần 1,3 triệu tỷ đồng, chủ yếu do sự sụt giảm của tiền mặt và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Dư nợ cho vay khách hàng vẫn tăng 4% lên 871,937 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 1% xuống hơn 1 triệu tỷ đồng.

Vietcombank dưới thời chủ tịch Nghiêm Xuân Thành - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Hoạt động tín dụng tăng trưởng đã góp phần giúp thu nhập lãi thuần của Vietcombank trưởng đều đặn, từ mức hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2014 lên mức 36.285 tỷ đồng trong năm 2020, tương ứng tốc độ tăng trưởng bình quân 19%/năm.

Song song với đó, Vietcombank liên tục đẩy mạnh các hoạt động khác ngoài tín dụng, các khoản thu ngoài lãi của ngân hàng ghi nhận những sự tăng trưởng tốt. 

Đơn cử như thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng từ 1.619 tỷ đồng trong năm 2014 lên mức 6.607 tỷ đồng trong năm 2020, tương ứng tăng 28%/năm, nằm trong top đầu toàn ngành về thu dịch vụ.

Tương tự, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối của Vietcombank cũng vượt trội hơn so với các nhà băng khác. Với mức tăng bình quân 20%/năm, năm 2020, hoạt động này đã thu về cho ngân hàng 3.906 tỷ đồng lãi thuần, cao nhất toàn ngành.

Vietcombank dưới thời chủ tịch Nghiêm Xuân Thành - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Sự khởi sắc của hầu hết mảng kinh doanh cốt lõi đã giúp Vietcombank luôn đứng trên đỉnh lợi nhuận trong suốt thời gian qua.

Giai đoạn 2014 đến 2019, lợi nhuận của Vietcombank luôn đứng đầu toàn ngành, tốc độ tăng trưởng hàng năm đều đạt trên hai con số. Thậm chí, năm 2018, với mức tăng trưởng trên 61%, Vietcombank gần như "cô đơn" trên đỉnh lợi nhuận, bằng cả ngân hàng đứng thứ hai và thứ ba cộng lại.

Đến năm 2020, Vietcombank báo lãi đi ngang, song vẫn đứng ở vị trí quán quân do mức lợi nhuận tỷ USD vốn cách biệt lớn với các nhà băng còn lại. Nguyên nhân chính chủ yếu do nhà băng này đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục 370%.

Vietcombank dưới thời chủ tịch Nghiêm Xuân Thành - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu an toàn hoạt động của Vietcombank cũng được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu liên tục được giảm từ mức 2,3% cuối năm 2014 xuống còn 0,6% cuối năm 2020.

Vào năm ngoái, ngân hàng cũng đã đáp ứng các trụ cột của Basel II, hệ số an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 tại thời điểm cuối năm 2020 ở mức 9,56%, cao hơn mức chuẩn 8%.

Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) trên thị trường 1 của ngân hàng ở mức xấp xỉ 85%, thấp hơn so với mặt bằng chung các nhà băng.

Dấu ấn của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành tại Vietcombank - Ảnh 6.

Ngoài ra, dưới thời của ông Thành, Vietcombank còn ghi dấu ấn nhất định trên thị trường chứng khoán.

Năm 2013, cổ phiếu VCB chỉ có giá khoảng 16.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh). Sau 8 năm, giá cổ phiếu đã tăng gấp hơn 7 lần (116.400 đồng/cp kết phiên 1/7), trở thành cổ phiếu ngân hàng có giá cao nhất trên thị trường. 

Đồng thời, sau nhiều năm xếp sau Vinamilk hay Vingroup, Vietcombank hiện đã vươn lên trở thành doanh nghiệp giá trị nhất trên toàn thị trường chứng khoán với mức vốn hóa gần 430.000 tỷ đồng, cao hơn cả hai ngân hàng dưới cộng lại.

Vietcombank dưới thời chủ tịch Nghiêm Xuân Thành - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu VCB từ 2013 đến nay. (Ảnh: TradingView).


Lê Huy