Danh mục quỹ đầu tư của Dragon Capital tăng lên 57 mã, đưa nhóm bất động sản vào tầm ngắm cho 2024
Báo cáo hoạt động mới đây của quỹ DCDS thuộc Dragon Capital, sau khi giảm sâu trong tháng 10, VN-Index hồi phục trong tháng 11 với mức tăng 6,4% so với cuối tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, VN-Index đã tăng 8,6%, vượt chỉ số SET Thái Lan (giảm 17,3%), PCOMP Philippines (giảm 5,2%) và JCI Indonesia (tăng 3,4%).
DCDS tăng tỷ trọng cổ phiếu, tiếp tục quan sát nhóm ngành bất động sản
Danh mục đầu tư của DCDS ghi nhận tăng trưởng 12,7% trong tháng 11. Tính trong 11 tháng đầu năm, hiệu suất hoạt động của quỹ đạt 22,4%, cao hơn so với VN-Index (tăng 8,6%). Những ngành đóng góp vào mức tăng chung trong danh mục như PDR (+29,4%), DXG (+20%), VND (+27%), NKG (+31,2%), HSG (+26%) và DGC (+20%).
Hướng đến năm 2024, các nhà quản lý quỹ DCDS kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, những nổ lực tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ sẽ giúp kinh tế phục hồi tốt hơn.
DCDS cũng có kế hoạch gia tăng tỷ trọng ngành bất động sản khi ngành thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2024, đặc biệt khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh mới và Luật đất đai mới có hiệu lực và những ảnh hưởng tích cực đến thị trường.
Tổng giá trị tài sản ròng tại cuối tháng 11 đạt 1.448,6 tỷ đồng. 10 khoản đầu tư lớn chiếm gần 43% danh mục, gồm những cái tên: FPT, DGC, MWG, GMD, STB, VTP, PNJ, PVS, HSG, PVD.
So sánh với danh mục cuối tháng 10, quỹ đã loại bỏ các mã CII, HHV, VCB và VCI, ngược lại mua mới ANV, HDC, SAB, SHS, VCG, VGS và VIX. Danh mục cuối kỳ đang có tổng cộng 57 cổ phiếu, với trị giá 1.390 tỷ đồng. Tỷ trọng cổ phiếu tăng từ 83,29% vào cuối tháng 10 lên 93,04% danh mục tại cuối tháng 11.
Vòng quay tài sản ròng của quỹ trong tháng 11 là 451,62%, ngang bằng tỷ lệ trong tháng 10. Chỉ số này được tính bằng tổng giá trị mua bán trong kỳ chia cho hai lần giá trị bình quân tài sản ròng.
Sau đổi tên và chiến lược, DCDE hướng đến 4 nhóm cổ phiếu
Một thành viên của Dragon Capital là DCBC vừa đổi tên thành DCDE, giá trị tài sản ròng tại cuối tháng 11 đạt 388 tỷ đồng. Hiệu quả đầu tư của DCDE tăng 11,6% trong tháng 11, nâng lũy kế từ đầu năm lên thành 18,8%.
Báo cáo hoạt động mới đây của DCDE chỉ ra điểm nhấn trong chiến lược đầu tư mới của quỹ là việc ưu tiên lựa chọn các công ty có lịch sử chi trả cổ tức thuộc các ngành tăng trưởng ổn định, trọng yếu của nền kinh tế. Sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 11 được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực từ thị trường, bao gồm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 11 tháng đầu năm, ước đạt hơn 619 tỷ USD, và nguồn vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 22,9 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo DCDE cho biết, một trong những khoản đầu tư nổi bật của quỹ trong tháng 11 là cổ phiếu Gemadept (Mã: GMD), ghi nhận mức tăng 19%. Với kết quả kinh doanh tích cực từ hoạt động khai thác cảng và logistics trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng so với cùng kỳ.
Gemadept sở hữu và khai thác hệ thống cảng và logistics lớn tại nhiều địa phương trong cả nước và khu vực, hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động xuất nhập khẩu. Với lịch sử chi trả cổ tức đều đặn, mức chi trả năm 2023 của Gemadept đạt 20%, cao hơn mức trung bình 12% hằng năm.
GMD có mức tăng 19% trong tháng 11. Tại thời điểm cuối tháng 11, mã cảng biển chiếm 3,4% danh mục của DCDE. Cùng với đó, quỹ đang rót tiền đầu tư nhiều nhất tại các mã: FPT, VCB, PNJ, DGC, ACB, MBB, PVS, NKG và VNM.
So sánh với danh mục vào cuối tháng 10, quỹ đã loại bỏ GAS, TCH và VHC, ngược lại thêm mới BMP, DIG, HDG và VGS. Danh mục cổ phiếu cuối kỳ có 40 mã, tương ứng với giá trị 378,9 tỷ đồng. Tỷ trọng cổ phiếu đạt 96,23% danh mục, cao hơn mức 88,53% của cuối tháng trước.Vòng quay tài sản ròng của quỹ trong tháng 11 là 185,81%, nhỉnh hơn mức 184,5% của tháng 10.
Về chiến lược trong thời gian tới, nhà quản lý quỹ DCDE chia sẻ tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư, tìm kiếm cổ phiếu các công ty với lịch sử chia cổ tức đều đặn và được đánh giá thấp trong thời gian qua, nhằm gia tăng nguồn lợi nhuận từ cổ tức. Quỹ đặc biệt quan tâm đến các ngành có mức chi trả cổ tức cao hiện tại như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ và năng lượng.