|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc đua 3F ngày một chật chội với sự gia nhập của các tân binh

10:54 | 16/11/2022
Chia sẻ
Giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam ước tính đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2021, với sự tham gia của nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco và Masan Meatlife và mới đây là sự xuất hiện của những tân binh là HAGL hay BAF. Tuy nhiên, sân chơi 3F đang được đánh giá là khá chật chội.

Sự gia nhập của những tân binh

Thị trường 3F (Feed - Farm - Food) vốn đã chật chội với những cái tên lớn như Dabaco,  CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina,...mới đây đã xuất hiện thêm những cái tên mới như Hoàng Anh Gia Lai, BAF với những câu chuyện riêng.

Hồi tháng 4, CTCP Hoàng Anh Gia Lai(Mã: HAG, HAGL) công bố định hướng 3F của mình gắn liền với câu chuyện "heo ăn chuối". Theo đó, công ty tận dụng lượng chuối thừa, không đạt chất lượng để xuất khẩu làm thức ăn cho heo. 

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của Hoàng Anh Gia Lai, việc tận dụng chuối làm thức ăn chăn nuôi sẽ giúp giá thành nuôi heo dưới 40.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với phương pháp dùng thức ăn công nghiệp (50.000 đồng/kg).  Thành phần từ chuối chiếm 40% cấu thành thức ăn chăn nuôi. Do đó, ông Đức xem đây là lợi thế lớn của công ty và thậm chí công ty ông còn được hưởng lợi khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua. 

Sau sự kiện này, câu chuyện "heo ăn chuối" của HAGL thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới đầu tư bởi nhiều năm liên tiếp công ty chìm trong thua lỗ với nhiều dự án nông nghiệp khác như từ trồng cao su, nuôi bò, làm mía đường,...

Tiếp sau đó, hồi tháng 10, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam ra mắt sản phẩm “heo ăn chay” với hai phân khúc cao cấp (thịt mát) và trung cấp (thịt nóng, để trong tủ mát, cạnh tranh trực tiếp với thịt ngoài chợ). 

Trao đổi với người viết ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, công thức "cám chay" của công ty được làm từ 100% nguyên liệu thực vật và gốc đạm thực vật, không chứa các thành phần từ gốc đạm động vật như bột xương thịt, bột cá… và công thức thức ăn này chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ và không bán thương mại ra thị trường. Theo ông Bá với phương pháp này biên lợi nhuận nuôi heo khoảng 30%. 

“Suy cho cùng, dùng từ “heo ăn chay” hay từ nào khác là chúng tôi hướng tới sản phẩm sạch, an toàn và ngon. Để đáp ứng tiêu chuẩn sạch và an toàn thì chỉ cần nuôi tiêu chuẩn khép kín là đã đủ rồi. Còn để ngon, tiệm cận như chất lượng thịt nuôi như ngày xưa, dùng thức ăn tự nhiên”, ông Bá nói. 

Trước câu hỏi tại sao BAF ra mắt "heo ăn chay" trong bối cảnh "heo ăn chuối" đang gây được sự chú ý, ông Bá cho biết: "Việc tung sản phẩm "heo ăn chay" lúc này hoàn toàn không phải vì HAGL cho ra đời "heo ăn chuối" thành công thu hút được sự chú ý". 

Theo ông Bá, "heo ăn chuối" về bản chất là dùng chuối thay thế nguyên liệu đầu vào khác trong thức ăn chăn nuôi như ngô, khoai, sắn, còn heo ăn chay là dùng đạm gốc thực vật.

"Heo ăn chay là tâm huyết của chúng tôi xây dựng từ đầu, mất nhiều thời gian để bộ phận dinh dưỡng thử nghiệm cho ra được công thức phù hợp. Những công thức trước đó có giá thành cao, người tiêu dùng khó chấp nhận, do đó chúng tôi phải tối ưu lại công thức. Vì sao bây giờ BaF mới công bố? câu trả lời là vì bây giờ chúng tôi mới nghiên cứu xong", ông Bá nói.  

Kết quả của việc tái định hướng

"Heo ăn chuối" hay "heo ăn chay" đều là những kết quả của việc tái định hướng của BAF và HAGL.  Thành lập từ năm 2017, ban đầu BAF kinh doanh nông sản, chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài và bán hàng trong nước. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá nông sản gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Do đó, kể từ quý II/2020, công ty dần cắt giảm mảng kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu và chỉ tập trung vào thị trường nội địa. 

Theo BAF, mặc dù doanh thu hàng năm lớn nhưng lĩnh vực kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thường có biên lợi thuận thấp, dao động ở mức 1% - 2%. Giá cả nông sản biến động liên tục và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố thị trường nên lợi nhuận thương mại hàng năm của BAF thường không ổn định.

Các loại nông sản cung ứng trên thị trường đều có tính thời vụ và mang tính chất địa phương, vùng miền rất rõ rệt. Thông thường, nguồn cung nông sản không liên tục, không ổn định, thường có độ trễ nhất định so với nhu cầu của thị trường.

“Với việc thay đổi chiến lược, ban lãnh đạo chủ động giảm dần hoạt động thương mại để tập trung chủ yếu nguồn lực cho hoạt động chăn nuôi”.

Hiện tại, BAF tập trung vào chuỗi giá trị khép kín với hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại heo với quy mô hơn 200.000 con, thuộc top 5 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn nhất cả nước.

Kết quả kinh doanh trong 9 tháng 2022 cho thấy doanh thu mảng bán nông sản giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái trong khi mảng chăn nuôi tăng gần gấp đôi. 

Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 4.889 tỷ đồng giảm 46%, lợi nhuận sau thuế là 286 tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bán nông sản giảm 54% so với cùng kỳ còn 3.934 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 95% so với cùng kỳ lên 955 tỷ đồng. 

 Số liệu: BCTC BAF

Năm 2022, BAF đặt kế hoạch 5.950 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế là 402 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, doanh nghiệp hoàn thành 82% mục tiêu doanh thu, 71% mục tiêu lợi nhuận. 

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt nhận định đóng góp từ mô hình 3F sẽ hỗ trợ lợi nhuận của BAF, được củng cố bởi việc tăng năng suất của nhà máy sản xuất nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Tây Ninh và mở rộng mảng chăn nuôi heo.

 Ngày 21/9, BAF đã khởi công xây dựng 4 cụm trang trại heo công nghệ cạo tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh, dự kiến cụm trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2023.

Cụ thể, dự án 3 cụm trang trại heo Hải Đăng được xây dựng với tổng diện tích hơn 66 ha, quy mô 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt, khi đi vào vận hành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 280.000 heo/năm, đóng góp khoảng 1.080 tỷ doanh thu/năm.

Còn dự án trang trại heo Tân Châu được xây dựng với diện tích 12 ha, quy mô chăn nuôi 18.000 heo thịt, công suất đạt gần 45.000 con/năm, đóng góp doanh thu khoảng 260 tỷ đồng/năm.

4 dự án này nằm trong chiến lược xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và đạt 200.000 nái vào năm 2030.

Với định hướng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín, BAF cũng đang bán lẻ thịt thương hiệu thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và Meat shop. Hệ thống này hiện có gần 60 cửa hàng và 250 Meat Shop, dự kiến mở rộng lên 100 cửa hàng và 1.000 Meat Shop trong năm 2023.  

Tầm nhìn đến 2030, Siba Food đang hướng tới trở thành chuỗi cửa hàng thực phẩm quy mô lớn nhất Việt Nam với 1.500 cửa hàng Siba Food và 15.000 Meat Shop. 

Với HAGL, "heo ăn chuối" được ông Đức kỳ vọng sẽ giúp công ty thoát khỏi nợ nần kéo dài trong nhiều năm. 

HAGL đặt tham vọng nuôi 1 triệu con heo trong năm 2022. Điều này đồng nghĩa công ty phải nâng diện tích trồng chuối thêm 2.000 ha lên 7.000 ha. 

Với mô hình nuôi heo bằng chuối của ông Đức rất khó để “copy - paste” bởi gần như không ai sở hữu 5.000 ha chuối đồng thời nuôi cả heo như HAGL, trừ THACO.

Tuy nhiên, theo ông Đức: “1 triệu con heo của HAGL so với 35 triệu con của cả nước là rất nhỏ. Ngay cả HNG của THACO có nuôi heo ăn chuối như HAGL, thì thêm vài triệu con nữa vẫn không sao. Nhưng tôi biết rằng họ làm việc khác chứ không làm như HAGL”.

Tính đến cuối năm 2021 HAGL đã xây dựng được 7 cụm chuồng trại với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm. Mỗi cụm chuồng trại nuôi 2.400 con heo nái và mỗi con heo nái sinh ra khoảng 25 con heo thịt mỗi năm. Trong năm 2022, số lượng cụm chuồng trại sẽ được nâng lên thành 16 cụm.  

Theo đại diện của công ty, kế hoạch năm 2022, HAGL sẽ có khoảng 200 cửa hàng và năm 2023 con số này nâng lên 1.000 cửa hàng kinh doanh mặt hàng heo ăn chuối này, bao gồm cả mô hình nhượng quyền, tập trung chủ yếu ở TP HCM và Hà Nội. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến nuôi thử nghiệm sản phẩm gà chạy bộ ăn chuối với quy mô 100.000 con trên diện tích 2 ha.  Dự kiến, công ty sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11/2022.  

Mới đây, công ty đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với 1.441 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu trái cây chiếm 40% với 577 tỷ, mảng heo đem về 357 tỷ doanh thu và đóng góp gần 25% vào tổng doanh thu. Còn lại là nguồn thu từ bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ. 

Luỹ kế 9 tháng, HAGL ghi nhận 3.471 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 154% và lãi ròng 890 tỷ gấp 21 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng chăn nuôi đóng góp 29% doanh thu. 

 Số liệu: BCTC HAGL (H.Mĩ tổng hợp)

Sân chơi 3F ngày càng chật chội

Việc gia nhập vào sân chơi 3F của BAF và HAGL được đánh giá là phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect đánh giá kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi và COVID-19, dẫn đến nhu cầu thịt sạch tăng lên.

Xu hướng này phát triển mạnh ở khu vực thành thị, nhờ sự phát triển của kênh thương mại hiện đại giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với thịt sạch có thương hiệu và rõ nguồn gốc. Do đó, VNDirect cho rằng thị trường thịt heo Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng và các doanh nghiệp áp dụng mô hình 3F sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi nhu cầu sang thịt sạch ở khu vực thành thị. 

Theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10% -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”. 

Tuy nhiên, thị trường này đang có những ông lớn trong ngành vốn đã hoạt động lâu năm. 

Giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam ước tính đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2021, với sự tham gia của nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco và Masan Meatlife. Trong đó CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn nhất Việt Nam với thị phần thịt heo ước tính khoảng 17-18%. Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. 

Sau 2 năm ra mắt, sản phẩm Meat Deli đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần. Sản phẩm thịt mát Meat Deli vẫn đang đứng đầu về mức giá trong phân khúc thịt heo có thương hiệu với câu chuyện “Thịt mát theo tiêu chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam” - sử dụng công nghệ đóng gói Oxy Fresh 9.

VNDirect cho rằng sân chơi 3F hiện đang khá chật chội mới nhiều đối thủ mạnh.   

 Một số doanh nghiệp chăn nuôi kinh doanh mô hình 3F theo chuỗi khép kín. Nguồn: VNDirect

"Mặc dù thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ tên thương hiệu đặc biệt, nhưng chúng tôi cho rằng sản phẩm “Heo ăn chuối” không có quá nhiều khác biệt so với những sản phẩm thịt sạch đang có đối với thị trường, xét ở góc độ tiêu dùng", VNDirect nhận định. 

 So sánh giá thịt (ba chỉ) thương hiệu trên thị trường (đơn vị: đồng/kg). Nguồn: VNDirect

Với HAGL, hai mảnh ghép là giết mổ và chế biến sâu vẫn còn đang khuyết. 

Ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL cho biết do việc xây dựng nhà máy riêng cần nhiều thời gian nên hiện tại công ty vẫn đang liên kết với một số nhà máy giết mổ đạt chuẩn để gia công giết mổ và chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến của đối tác để sản xuất theo công thức, thương hiệu riêng. 

“Hiện tại, Việt Nam có nhiều nhà máy giết mổ cũng như chế biến thực phẩm đầu tư hiện đại nhưng đang hoạt động dưới công suất, việc hợp tác này đôi bên cùng có lợi. Trong tương lai, HAGL mong muốn toàn bộ sản lượng heo nuôi từ trang trại sẽ qua nhà máy trước khi ra thị trường nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế”, ông Lộc nói. 

Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tổng chi phí cho giết mổ khoảng  từ 120.000 – 130.000 đồng/con. Chi phí này hầu như không thay đổi trong thời gian qua.

Định hướng lâu dài, BAPI HAGL sẽ triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy riêng tại Gia Lai do chính công ty vận hành nhằm chuẩn hóa quy trình khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng. Dự kiến nhà máy giết mổ heo này sẽ có công suất 3.000 con/ngày.

Còn với BAF, bài toán mà công ty cần giải là sức ép cạnh tranh từ các sập thịt ngoài chợ và thuyết phục người tiêu dùng chi số tiền cao hơn để dùng sản phẩm của mình. 

“Chúng tôi sẽ bán với giá cao hơn ngoài chợ cao hơn 5 - 10%. Chúng tôi không thể bán sản phẩm tốt và ngon hơn mà lại bằng giá ở chợ được. Điểm mạnh sản phẩm của chúng tôi là sạch sẽ, chăn nuôi giết mổ khép kín. Trong khi đó, thịt ngoài chợ phơi nắng, phơi mưa, ruồi muỗi nhiều, điều kiện bảo quản không đảm bảo; sau 3 tiếng vi khuẩn có thể xâm nhập”, ông Bá nói.

Theo ông Bá  chi phí cách nuôi bằng cám chay sẽ khiến thời gian nuôi kéo dài hơn và chi phí cao hơn so với cách nuôi thông thường nhưng đổi lại chất lượng sẽ ngon hơn. 

"Chúng tôi mong người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để bù đắp phần chi phí tăng lên", ông Bá nói. 

H.Mĩ