|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu tài chính lớn nhất thế giới có vốn hóa 474 tỷ USD, gần gấp đôi toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam

22:34 | 25/01/2023
Chia sẻ
Visa là doanh nghiệp dịch vụ tài chính có vốn hóa lớn nhất thế giới 474 tỷ USD, cao hơn 95% so với tổng vốn hóa của tất cả cổ phiếu thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thẻ tín dụng Visa do JPMorgan Chase phát hành. (Ảnh: New York Times).

Tính đến hết phiên giao dịch 24/1, Visa Inc. có vốn hóa 474 tỷ USD và là doanh nghiệp dịch vụ tài chính giá trị nhất hành tinh, đứng trên nhiều cái tên khổng lồ như các ngân hàng JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), hay đối thủ Mastercard.

JPMorgan Chase là nhà băng có quy mô tổng tài sản hơn 3.300 tỷ USD, lớn nhất nước Mỹ tại ngày 30/9/2022. Cùng thời điểm đó, tổng tài sản của Visa chỉ là 85,5 tỷ USD, tức là nhỏ hơn 39 lần.

Tuy nhiên, giá trị trên thị trường chứng khoán của JPMorgan hiện chỉ bằng 86% của Visa. 

4 doanh nghiệp dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới đều có trụ sở tại Mỹ và có vốn hóa lớn hơn toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. Số liệu cuối ngày 24/1/2023.

Visa không thực hiện các nghiệp vụ của ngân hàng như phát hành thẻ, nhận tiền gửi hay cho vay. Visa cũng không định đoạt mức lãi suất và phí mà khách hàng phải trả khi dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Thay vào đó, Visa cung cấp công nghệ thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật cho các định chế tài chính để những định chế này phát hành thẻ với thương hiệu Visa cho khách hàng.

Như vậy, nhiệm vụ của Visa là đảm bảo hoạt động thanh toán và các giao dịch tiền mặt diễn ra chính xác và an toàn. Ngân hàng mới là người cho khách hàng vay tiền mỗi khi quẹt thẻ tín dụng, ngân hàng quyết định lãi suất thẻ và ngân hàng cũng là người thu phí phát hành và phí thường niên.

Do không nhận tiền gửi và cho vay như ngân hàng nên quy mô tài sản của Visa khá nhỏ. Ngược lại, biên lợi nhuận của Visa cao hơn nhiều so với các nhà băng.

Trong năm 2021, Visa xử lý 226 tỷ giao dịch, tăng trưởng 20% so với năm trước và chiếm 39% thị phần toàn cầu. Trong 12 tháng tính đến ngày 30/6/2022, Visa xử lý 255,4 tỷ giao dịch trên toàn cầu với tổng giá trị khoảng 14.000 tỷ USD.

Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2022, Visa ghi nhận doanh thu thuần 29,3 tỷ USD, lợi nhuận ròng 15 tỷ USD. Tỷ lệ biên lãi thuần đạt 51%.

 

So với đầu năm 2023, cổ phiếu Visa và Mastercard cao hơn lần lượt 7% và 9%. Visa là một trong 30 thành viên của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kể từ ngày 20/9/2013. Mastercard không phải là thành viên của Dow Jones. 

Visa có trụ sở tại Foster City, bang California, Mỹ nhưng hiện hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi.

Đối thủ của Visa là Mastercard hiện có vốn hóa thị trường 365 tỷ USD, thấp hơn ngân hàng JPMorgan Chase nhưng cao hơn Bank of America, Wells Fargo, ICBC cũng như toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong ba quý đầu năm 2022, Mastercard ghi nhận doanh thu 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 7,4 tỷ USD, tăng 17% và tương ứng với biên lãi thuần 45%.

Trong 11 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới về vốn hóa có 7 đại diện đến từ Mỹ và 4 ngân hàng Trung Quốc. Tất cả 4 vị trí đầu tiên đều thuộc về các doanh nghiệp Mỹ. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) xếp số 5, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc xếp số 7, Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc đứng thứ 9 và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đứng số 10.

JPMorgan Chase là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản.

Trong top 11 có hai công ty dịch vụ thanh toán (Visa và Mastercard), 8 ngân hàng và một công ty môi giới chứng khoán kiêm dịch vụ đầu tư, quản lý tài sản (Charles Schwab).

Trong năm 2022 vừa qua, Charles Schwab đạt doanh thu 20,8 tỷ USD và lãi ròng 7,2 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 12% và 23% so với năm trước. Tỷ lệ ROE cải thiện từ 11% trong năm 2022 lên 18% trong năm ngoái. 

So với đầu năm 2023, giá cổ phiêu Charles Schwab hiện nay thấp hơn 3,3%.

Đức Quyền