Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Dragon Capital không còn là cổ đông lớn ACB, con trai Chủ tịch VIB thoái toàn bộ gần 125 triệu cp
STB dẫn đầu tăng giá, ACB thỏa thuận "đột biến"
Tuần qua (7 - 11/8), nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa với 12 mã tăng, 13 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu. Trong đó, STB là mã có đà tăng tốt nhất với mức + 10%, với 3 trên 5 phiên tăng trên 3%. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 4/2022. Hiện cổ phiếu STB còn cách đỉnh lịch sử hơn 10%.
Cổ phiếu LPB của LPBank có phiên tăng kịch trần ngay từ đầu tuần, giúp mã này đạt mức tăng 7,8% sau 5 phiên giao dịch. Ngoài ra, một số cổ phiếu đạt mức tăng trên 3% trong tuần qua còn có OCB, NVB, SSB và CTG.
Ở chiều ngược lại, SGB là mã giảm mạnh nhất tuần qua sau khi mất 12,6% giá trị sau 5 phiên giao dịch. Tuần trước đó, cổ phiếu này đã tăng vọt tới 35%. Đối với nhóm cổ phiếu niêm yết trên HOSE, ACB là mã giảm nhiều nhất với mức -6,1%. Giống với SGB, ACB đã có một tuần trước đó tăng giá tích cực.
Thanh khoản của toàn ngành tiếp tục ở mức cao trong tuần này khi xuất hiện thêm nhiều giao dịch lớn. Cụ thể, tuần qua có tổng cộng hơn 1,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng được giao dịch giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị đạt 27.800 tỷ đồng.
Trong đó, ACB đứng đầu toàn ngành với giá trị giao dịch lên tới 5.137 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với tuần trước đó. Đáng chú ý, ở phiên đầu tuần, có hơn 122 triệu cổ phiếu ACB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận, tương đương với giá trị hơn 3.200 tỷ đồng.
Khối lượng này gần khớp với lượng cổ phiếu mà Dragon Capital bán ra trong phiên 7/8. Quỹ ngoại Dragon Capital đã bán ra gần 121 triệu cổ phiếu ACB, tương đương hơn 3,1% cổ phiếu của ngân hàng.
Sau giao dịch, Dragon Capital chỉ nắm giữ gần 148 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,8% cổ phiếu. Do tỷ lệ sở hữu tụt xuống dưới 5%, Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn của ngân hàng ACB kể từ ngày 7/8.
STB vẫn duy trì được thanh khoản ở mức cao, với 4.637 tỷ đồng, bỏ xa mức 2.331 tỷ đồng của EIB đứng sau đó. Ngoài ra, SGB cũng tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm khi thanh khoản tuần này đạt gần 1.500 tỷ đồng, cao gấp đôi so với tuần trước và gấp nhiều lần các tuần trước đây.
Ghi nhận tại phiên 8/8, cổ phiếu này ghi nhận 58 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thỏa thuận, tương đương 19% vốn điều lệ của Saigonbank. Theo dữ liệu giao dịch, khối lượng cổ phiếu được giao dịch này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 1.127 tỷ đồng cp SGB, mức cao nhất toàn thị trường. Ngoài ra, nhóm này còn mua ròng 190 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 167 tỷ đồng STB. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 144 tỷ đồng VPB và 110 tỷ đồng VCB.
Khối tự doanh có xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng khi bán ròng 231 tỷ đồng cổ phiếu VPB và 181 tỷ đồng ACB, 122 tỷ đồng VIB, 110 tỷ đồng STB và 75 tỷ đồng MBB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Thông tin từ cuộc họp thường kỳ tháng 7, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 7 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm 2023, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6, cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đang giảm sút.
Nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay đối với cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Động thái của các ngân hàng lần này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Con trai Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ đã bán hết hơn 124 triệu cổ phiếu VIB, tương đương với 4,916% vốn cổ phần của ngân hàng. Ước tính với mức giá bình quân khoảng 21.000 đồng/cp, giá trị của giao dịch dự kiến ở mức 2.630 tỷ đồng.
SHB hoàn tất việc phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%. Qua đó, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên gần 36.194 tỷ đồng.
Ngày 10/8, HĐQT ABBank giao ông Phạm Duy Hiếu đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc thay bà Lê Thị Bích Phượng có đơn từ nhiệm.