Cơ hội nào cho Sun Group gia nhập thị trường bia?
Mới đây, tập đoàn Sun Group và BrauKon & Camba - thương hiệu bia Đức, ký kết thỏa thuận phát triển dòng sản phẩm bia thủ công cao cấp Sun KraftBeer, đồng thời mở rộng mô hình xưởng bia thủ công với dây chuyền sản xuất hiện đại.
Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ hợp tác phát triển mô hình xưởng bia thủ công cao cấp hàng đầu Việt Nam. Bước đầu, hai bên xây dựng xưởng bia thủ công Ba Na Brew House nằm trên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) có sản lượng dự kiến 2,7 - 5 triệu lít/năm.
Theo lãnh đạo Sun Group, trong lộ trình 10 năm tới, Sun KraftBeer sẽ tiếp tục chinh phục thêm nhiều vùng đất trên bản đồ Việt Nam với việc cho ra đời những xưởng bia thủ công công nghệ Đức nguyên bản có sản lượng từ 5 đến 10 triệu lít/năm.
Sun Group là một tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản và đầu tư hạ tầng.
Tên tuổi của Sun Group gắn liền với các công trình du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng như: khu du lịch Sun World Ba Na Hills, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Cầu Vàng ở Đà Nẵng; JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, La Festa Phu Quoc, Curio Collection by Hilton, Cầu Hôn ở Phú Quốc; Sun World Fansipan Legend (Sa Pa)…
Việc hợp tác với thương hiệu danh tiếng của Đức trong lĩnh vực sản xuất bia đánh dấu bước tiến mới của Sun Group kết hợp hoạt động du lịch.
Cơ hội cho Sungroup trong ngành bia
Thị trường bia tại Việt Nam hiện nay đang phát triển theo hai hướng, là bia thủ công và bia công nghiệp. So với bia thủ công, bia công nghiệp hiện nay có thị phần lớn, số lượng tiêu thụ nhiều hơn.
Tuy nhiên, các hãng bia công nghiệp lớn, từ những "ông lớn" ngoại như Heniken, Carlsberg cho đến doanh nghiệp nội địa như Sabeco và Habeco ... đang chen chúc nhau dành miếng bánh thị phần. Theo báo cáo Chứng khoán FPTS mới công bố tháng trước, Sabeco và Heineken chiếm khoảng 77% thị phần bia công nghiệp, lần lượt là 33,9% và 43% tổng sản lượng bia tiêu thụ năm 2023.
Ngoài giá bán cạnh tranh, tính đa dạng của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất bia công nghiệp đang phải "đau đầu" tìm ra các chiến lược marketing, truyền thông để gia tăng độ nhận diện thương hiệu. Dẫu vậy, không phải hoạt động nào giúp doanh nghiệp mang về được lợi thế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất bia công nghiệp còn đối diện một khó khăn khác là Nghị định 100. Việc đẩy mạnh việc thổi nồng cồn khiến sức tiêu thụ bia trở nên yếu đi, và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác để thay thế,...
Thị trường bia công nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức, vậy tại sao, một tập đoàn lớn như Sun Group vẫn chọn dấn thân vào ngành sản xuất bia?
Theo dữ liệu từ Kirin Holdings, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều lớn nhất nhì thị trường Đông Nam Á. Ngoài bia công nghiệp, bia thủ công Việt Nam vẫn có chỗ đứng nhất định.
Bia thủ công du nhập vào Việt Nam được hơn một thập kỉ và tới nay nó ngày càng phát triển, với đa dạng hoá các loại sản phẩm cùng nhiều hương vị, phong cách khác nhau. Các công thức bia thủ công ở Việt Nam rất đa dạng nhờ lợi thế về địa lý, đem đến rất nhiều hương vị riêng.
Trả lời phỏng vấn Zingnews năm 2020, bà Hoàng Hồng Hạnh - quản lý một hãng bia thủ công, cho biết: "Đối với những người ít uống bia, thì hầu như các loại bia thương mại sẽ giống nhau cả về hương và vị, chưa kể còn dễ gây đầy bụng. Trong khi đó, bia thủ công đánh vào tệp khách quan tâm về chất lượng, hương vị đặc trưng riêng biệt mang màu sắc sáng tạo của nhà sản xuất bia".
Việt Nam có nhiều hương liệu và trái cây, chẳng hạn sả, chanh dây, củ cải đỏ, cà phê, ca cao thậm chí là hạt dổi, mắc khén. Đây đều là những nguyên liệu thường được dùng để ủ bia thủ công. Điều này cho phép các hãng bia không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giảm chi phí đầu vào và có một mức giá bia cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, việc truyền bá các sản phẩm địa phương cũng giúp các hãng bia thủ công có điểm khác biệt so với những đối thủ khác.
Việt Nam có môi trường pháp lý thoải mái hơn cho các nhà làm bia thủ công, vì họ được phép sản xuất bia theo từng lô nhỏ. Điều này trái ngược với Thái Lan, khi quốc gia này yêu cầu các hãng bia phải sản xuất ít nhất 10.000 lít/năm. Còn Việt Nam chỉ yêu cầu sản xuất ở mức 1.000 lít/năm. Do đó, nhiều nhà sản xuất bia quy mô nhỏ ở Thái đã chuyển sang Việt Nam.
Theo bà Hạnh, loại đồ uống này sẽ dần có chỗ đứng trong thị trường như cocktails, bởi đây là loại đồ uống có sức sáng tạo không hồi kết. Đồng nghĩa, bia thủ công vẫn sẽ có miếng bánh thị trường của riêng mình, và miếng bánh này ngày càng mở rộng hơn bởi nhiều yếu tố: sản phẩm độc đáo, điều kiện tốt để sản xuất, và thái độ ngày càng rộng mở đối với bia của giới trẻ Việt Nam.
Trở lại với Sun Group, với lợi thế về nguồn khách du lịch dồi dào, việc phát triển dòng bia thủ công mang hương vị Việt Nam của Sun Group được coi như là một bước kích cầu kết hợp với làm du lịch, giúp gia tăng doanh thu và tạo trải nghiệm mới cho khách hàng khi đến với Bà Nà Hills nói riêng và Việt Nam nói chung.