Chuyên gia: Loạt doanh nghiệp FDI đình đám có thể bổ sung hàng hóa chất lượng cho TTCK
"Khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán". Đây là một trong các kiến nghị mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất trong hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 được tổ chức mới đây.
Trên thực tế, câu chuyện lên sàn của khối FDI vẫn là đề tài được quan tâm của giới đầu tư trong nhiều năm qua. Việc thúc đẩy lên sàn kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho thị trường chứng khoán, nhưng kèm theo đó vẫn cần nhiều sự thận trọng.
Chưa xuất hiện cái tên đủ lớn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như lãnh đạo Chính phủ đã nhận được nhiều văn bản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị sớm triển khai nội dung này.
"Cũng cần phải xem xét để phân biệt điều kiện về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết, để có thể có một số điều kiện mở hơn so với các doanh nghiệp không niêm yết", bà Ngọc nói và kiến nghị thêm nên rà soát cho mở cửa sớm một số ngành, lĩnh vực trên thị trường chứng khoán.
Hiện Nghị định 38/2003/NĐ-CP hướng dẫn thí điểm việc chuyển đổi doanh nghiệp FDI sang công ty cổ phần và Quyết định 238/2005/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã hết hiệu lực. Trong khi Luật chứng khoán 2019 chưa có quy định cụ thể về niêm yết đã tạo rào cản cho doanh nghiệp FDI.
Quan sát cho thấy doanh nghiệp FDI đã thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng với quy mô nhỏ và chưa tạo được điểm nhấn. Giới đầu tư từng chứng kiến một làn sóng các doanh nghiệp FDI lên sàn sau khi Nghị định 38 được ban hành.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, giai đoạn 2003 - 2010 đã có 10 doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài được chấp thuận chuyển đổi từ hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần để niêm yết thị trường chứng khoán.
Các đơn vị này gồm Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (2005 - Mã: TYA), Công nghiệp Tung Kuang (2006 - Mã: TKU), Công nghiệp Gốm sứ Taicera (2006 - Mã: TCR), Mirae (2008 - Mã: KMR), Everpia (2010 - Mã: EVE)
Các đơn vị Gạch men Chang Yih (2006 - Mã: CYC), Thực phẩm Quốc tế (2006 - Mã: IFS) và Quốc tế Hoàng Gia (2007 - Mã: RIC) do kinh doanh lỗ nặng đã bị chuyển giao dịch tại UPCoM. Hai đơn vị còn lại là Full Power (2006 - Mã: FPC) đã hủy niêm yết và Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (2008) đã sáp nhập.
Sau giai đoạn này có thêm một doanh nghiệp FDI niêm yết là CTCP Siam Brothers Việt Nam (2017 - Mã: SBV) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014.
Phần lớn các doanh nghiệp FDI này có quy mô vốn tương đối nhỏ trên thị trường chứng khoán, hoạt động kinh doanh không mấy nổi bật và thanh khoản cổ phiếu cũng mờ nhạt, cho thấy mức độ quan tâm thấp của nhà đầu tư.
Giám đốc cấp cao KIS Việt Nam Trương Hiền Phương nhận định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện không nhiều và quy mô nhỏ. Một phần khác là các công ty Việt Nam niêm yết nhưng sau đó được nhà đầu tư nước ngoài mua chi phối.
"Thực trạng này là do vấn đề về thủ tục và quy định, bởi doanh nghiệp FDI không chỉ đáp ứng Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán mà còn có cả Luật đầu tư nước ngoài", ông Phương nói về việc doanh nghiệp ngại niêm yết.
Theo đó, vị chuyên gia khuyến nghị các cơ quan pháp lý cần rà soát hơn nữa để xem có các hạn chế hay trục trặc nào liên quan. Theo ông, "nói thì dễ nhưng khi thực hiện lại vướng nhiều quy định hơn doanh nghiệp nội, nên họ khó niêm yết hơn".
Tổng vốn hóa của 6 công ty còn đang niêm yết và công ty trên UPCoM chỉ khoảng hơn 5.200 tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với quy mô vốn hóa của các sàn niêm yết, tức chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 0,1%.
Tỷ trọng này phản ánh sự tương phản rất lớn trong cơ cấu vốn FDI tại Việt Nam. Năm 2023, cả nước ghi nhận vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 36,6 tỷ USD và vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài hơn 23 tỷ USD, đều là con số kỷ lục.
Không chỉ nguồn vốn mà số lượng doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế cũng đông đảo, thậm chí có nhiều đơn vị sừng sỏ trên thế giới đang hoạt động như Samsung, C.P, Aeon, Formosa, VSIP, Intel, Vedan, Hyosung, Honda, Gamuda, Lego, SCG...
Rổ hàng hóa "dự bị" chất lượng
Với thực trạng lớn mạnh của các doanh nghiệp FDI, đây có thể là lượng hàng hóa bổ sung chất lượng cho thị trường chứng khoán nếu đủ điều kiện và đủ cơ chế, pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và vai trò huy động lớn ngày càng lớn dần, các doanh nghiệp FDI đình đám đã bắt đầu đánh tiếng muốn niêm yết cổ phiếu.
Điển hình như C.P Group (Thái Lan) chấp thuận cho công ty con C.P Việt Nam thực hiện các thủ tục để niêm yết tại HOSE. Công ty có quy mô doanh thu hơn 3,5 tỷ USD này đang là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, tuy nhiên thời gian niêm yết vẫn chưa được ấn định.
Lãnh đạo Aeon cũng tiết lộ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc... Tập đoàn này xuất hiện từ 2014 và có kế hoạch tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực bất động sản công nghiệp, lãnh đạo Becamex IDC cũng đã thông tin về phương án IPO Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapre (VSIP). Liên doanh này được thành lập năm 1996 và hiện là đơn vị dẫn đầu về phát triển khu công nghiệp.
Ông Trương Hiền Phương đánh giá các doanh nghiệp FDI đã đánh tiếng niêm yết là những thương hiệu hàng đầu trên thế giới, nếu các đơn vị này sẵn sàng niêm yết và có chế khuyến khích thì sẽ tạo thêm lượng hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán.
"Các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Singapore… cũng có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài niêm yết, một trung tâm giao dịch có nhiều loại sản phẩm sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của nhà đầu tư", Giám đốc Chứng khoán KIS chia sẻ.
Ông Phương nêu thực trạng các quỹ đầu tư hiện chỉ tập trung vào rổ VN30 và một số doanh nghiệp lớn. Trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài lại bị cơ chế hết room nên không giải ngân được, do đó việc bổ sung doanh nghiệp FDI sẽ tạo ra lựa chọn phong phú hơn cho dòng vốn ngoại.
Tương tự, ông Lê Xuân Huy nói rằng việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đáp ứng đủ tiêu chuẩn niêm yết là hoàn toàn khả thi và hết sức cần thiết, giúp các đơn vị huy động vốn mở rộng kinh doanh.
"Những doanh nghiệp FDI có tài chính minh bạch, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận lớn khi được niêm yết chắc chắn sẽ trở thành hàng hóa chất lượng và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm", ông Huy nói.
Tuy nhiên, nhà môi giới trên cũng nêu quan ngại rằng hệ thống pháp luật cho vấn đề này vẫn chưa hoàn thiện. Các văn bản pháp lý chưa có quy định cụ thể về việc niêm yết doanh nghiệp FDI niêm yết là nguyên nhân chính gây ra khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, khi triển khai niêm yết các doanh nghiệp FDI, nhà nước cần có giải pháp quản lý chặt chẽ việc chuyển giá và minh bạch thông tin tài chính để các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư vào những doanh nghiệp này.