Chuyên gia Cushman & Wakefield: Nhà đầu tư ngày càng có xu hướng yêu cầu diện tích thuê đất công nghiệp lớn
Miền Nam bao gồm 17 tỉnh và thành phố, trong đó TP HCM là khu vực kinh tế sôi động và điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư mới muốn gia nhập thị trường Việt Nam, theo đánh giá của bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam.
Trong 5 năm qua, GDP toàn miền Nam tăng trưởng khả quan, đứng đầu là Bình Dương với 6.700 USD/người/năm tính đến quý II/2022. Nguồn vốn FDI rót vào ngành sản xuất và bất động sản của miền Nam trong năm 2021 chiếm 75% tổng vốn cam kết tích lũy, lần lượt đạt 254 tỷ USD và 65 tỷ USD.
Trong nửa đầu năm nay, miền Nam tiếp tục là nơi trọng điểm thu hút vốn FDI với hơn 14 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đăng ký. Bà Trang Bùi đánh giá với việc FDI tăng mạnh vào lĩnh vực công nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển các mô hình sản phẩm đa dạng phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập tại khu vực này.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giá thuê đất công nghiệp dự báo tiếp tục tăng 07/07/2022 - 07:59
-
Doanh nghiệp chạy đua rót tiền vào bất động sản công nghiệp 16/03/2022 - 07:00
Dữ liệu được công bố bởi chuyển gia Cushman & Wakefiel cho thấy, giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 6 dự án FDI mang giá trị tỷ USD đổ vào các KCN, điển hình như Goertek Vina (Trung Quốc) đăng ký đầu tư 500 tỷ USD vào KCN WHA (Nghệ An); Samsung đăng ký đầu tư 20 tỷ USD vào KCN Yên Bình (Nghệ An), LG Displa đăng ký đầu tư 2,1 tỷ USD vào KCN Tràng Duệ (Hải Phòng),..
Một số thương vụ M&A dự án bất động sản công nghiệp cũng được thực hiện thành công trong giai đoạn này như LogisValley bán dự án cùng tên tại Bắc Ninh (10,9 ha) cho KTB Asset Management, hay BW Industrial mua lại hai KCN gồm KCN Mỹ Phước 4 (24 ha, Bình Dương) và KCN Xuyên Á (22 ha, Long An).
Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Indochina Kajima Development (liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima) cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào các dự án bất động sản công nghiệp Việt Nam trong vòng 5-7 năm tới.
Bà Trang Bùi cho biết, giai đoạn 2018-2021, nguồn cung đất công nghiệp tại miền Nam tăng trưởng bình quân 11% mỗi năm, nhà xưởng xây sẵn tăng bình quân 14% mỗi năm và nhà kho xây sẵn tăng bình quân 22% mỗi năm. Tại một số khu vực có hạ tầng kết nối quan trọng, giá thuê dao động 160-200 USD/m2.
Trong quý đầu năm, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và TP HCM cung ứng ra thị trường 25.200 ha đất công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy 89% và giá thuê trung bình 135 USD/m2/kỳ hạn thuê.
Trong đó, thị trường nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn khởi phát từ năm 2017 đến nay đã đón được nhiều nhà đầu tư. Tính đến quý I/2022, tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam đạt 4,2 triệu m2 và nhà kho xây sẵn đạt 3,9 triệu m2, giá thuê dao động 3,5 - 6 USD/m2/tháng.
Cushman & Wakefield dự báo nguồn cung đất công nghiệp miền Nam trong năm nay vào khoảng 23.000 ha, tập trung tại các KCN: VSIP III, Amata City Long Thành, Hiệp Phước (giai đoạn 3) và Cái Mép (giai đoạn 2, 3). Nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tập trung tại KCN Hố Nai, KCN An Phú Thạnh, Long Hậu (giai đoạn 2) và KCN Nhơn Trạch. Còn diện tích nhà kho xây sẵn có tại KCN Hố Nai và KCN An Phú Thạnh.
Theo quan sát của bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc, Cushman & Wakefield Việt Nam, các nhà đầu tư ngày càng có xu hướng yêu cầu diện tích cho thuê lớn hơn, dao động 20.000-50.000 m2 và thời hạn thuê dài hơn.
Bà Huỳnh Bửu Trân, Giám Đốc Điều Hành, KCN Việt Nam chia sẻ thêm: “Chúng tôi ghi nhận số lượng các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là giai đoạn hậu COVID-19.
Tuy nhiên, không ít các nhà đầu tư vẫn còn trì hoãn quyết định đầu tư vì tình trạng thị trường bất ổn trên toàn cầu, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa kết nối tại miền Nam, chi phí vận chuyển tăng cao, thủ tục phê duyệt kéo dài hay thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao”.
Vào tháng 5 năm ngoái, Việt Nam đã trải qua một đợt bùng phát dịch COVID-19 và Chính phủ đã áp dụng lệnh phong tỏa chặt chẽ trên diện rộng. Hoạt động công nghiệp sản xuất bị ngưng trệ và toàn hệ thống cung ứng và hậu cần miền Nam bị ảnh hưởng trực tiếp.
Các chuyên gia cho rằng sự kiện này đã làm rõ hơn các lỗ hổng cần được giải quyết trong hệ thống chuỗi cung ứng miền Nam, đặc biệt là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và kho bãi.
Theo bà Trang Bùi, “ngành công nghiệp sản xuất là trái tim của sự phát triển kinh tế của đất nước và năng lực sản xuất nội địa chính là thước đo chuẩn xác nhất. Một quốc gia lớn mạnh sẽ phải có tiềm lực sản xuất nội tại để hạn chế bị tổn thương do các yếu tố địa chính trị bên ngoài.
Về lâu dài, nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng thay đổi kế hoạch sản xuất của họ để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro của những cú sốc tương tự trong tương lai”.