Chứng khoán châu Á năm 2025: Nhà đầu tư cần cẩn trọng rủi ro nào?
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, các kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các thị trường chứng khoán châu Á trong năm 2025.
Rủi ro Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mạnh tay áp thuế quan lên hàng hoá nhập khẩu và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trở nên diều hâu hơn cũng có thể gây áp lực lên các tài sản châu Á.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị ở Hàn Quốc và các động thái của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng như những ngân hàng trung ương khác trong khu vực.
Trong năm 2024, tỷ suất sinh lời của chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã thua kém chỉ số S&P 500 đến 16 điểm %. Những rủi ro nêu trên có thể nới rộng cách biệt giữa hai chỉ số trong năm 2025.
Bên dưới là 5 chủ đề chính dành cho các nhà đầu tư cổ phiếu châu Á trong năm nay, theo tổng hợp của Bloomberg:
Các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc
Thị trường chứng khoán Trung Quốc từng bật tăng mạnh mẽ sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp kích thích kinh tế vào năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng đã chững lại vào khoảng cuối năm.
Giờ đây, các nhà đầu tư đang hướng đến cuộc họp Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 tới để biết mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các kế hoạch chi tiết của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Theo ông Mark Matthews, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á tại ngân hàng Julius Baer, một số biện pháp mà Bắc Kinh có thể triển khai là trợ cấp và tặng phiếu mua sắm cho người tiêu dùng, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản.
Cổ phiếu Trung Quốc bắt đầu năm 2025 với một nốt trầm sau khi cắt đứt chuỗi giảm liên tiếp ba năm vào năm 2024. Mặc dù các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp thêm hỗ trợ, họ vẫn lo ngại về sức mạnh của cuộc phục hồi kinh tế.
Bất kỳ biện pháp kích thích mới nào của Bắc Kinh cũng sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn vào những thị trường châu Á mới nổi có mối liên hệ với Trung Quốc.
Thuế quan của Mỹ
Sự không chắc chắn xung quanh chính sách thương mại của ông Trump vẫn là một trong những mối đe doạ lớn nhất với cổ phiếu châu Á. Kế hoạch áp thuế đối với cả đồng minh và đối thủ của ông Trump có khả năng gây tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất chip và cung ứng linh kiện cho ngành bán dẫn châu Á có thể chịu áp lực.
Theo Giám đốc Xiao Feng của hãng đầu tư CLSA, thuế quan bổ sung đối với xe điện Trung Quốc có thể không tạo nhiều tác động vì chính quyền Tổng thống Joe Biden vốn đã đánh thuế 100% lên sản phẩm này và Mỹ chiếm chưa đến 1% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Feng nói thêm rằng các nhà sản xuất phụ tùng ô tô xuất khẩu sang Mexico và Canada có thể mất đi đơn hàng nếu ông Trump quyết định áp thêm thuế quan lên hai quốc gia láng giềng này.
Mặt khác, các thị trường như Ấn Độ và Đông Nam Á đã được hưởng lợi khi doanh nghiệp đa dạng hoá sản xuất trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi động thái của ông Trump khi họ chuẩn bị mua cổ phiếu của những quốc gia có khả năng hưởng lợi.
Lộ trình lãi suất của Fed
Fed cho biết họ sẽ thận trọng hơn với các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai. Tín hiệu này có thể giúp đồng USD tiếp tục tăng cao, ít nhất là trong khoảng đầu năm 2025 - qua đó gây áp lực lên các đồng tiền và cổ phiếu châu Á.
Sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ và các chính sách có khả năng gây gián đoạn của ông Trump cũng được cho là sẽ thúc đẩy lạm phát đi lên. Điều này có thể thu hẹp dư địa hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương châu Á.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ tương lai đối với châu Á và những chính sách đối nội có thể tác động đến đồng USD và triển vọng lãi suất của Fed”, ông Jack Liu, trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư tuỳ ý tại ngân hàng Lombard Odier, cho hay.
Song, các chiến lược gia Phố Wall dự đoán đồng bạc xanh sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2025 trong bối cảnh lãi suất thực của Mỹ giảm và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cải thiện. Nếu dự đoán này thành hiện thực, dòng vốn vào châu Á có thể tăng vào nửa cuối năm.
Chính sách của BoJ
Sau những phát biểu ôn hoà của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda vào tháng trước, các nhà kinh tế tại những công ty tài chính lớn đã lùi dự báo về đợt tăng lãi suất tiếp theo từ tháng 1 sang tháng 3.
Cùng với đó, các nhà giao dịch đã giảm bớt khoản đặt cược vào đà tăng của đồng yen, khiến đồng nội tệ của Nhật Bản sụt 10% so với đồng USD trong năm 2024.
Đồng nội tệ yếu hơn sẽ nâng đỡ các nhà xuất khẩu Nhật Bản, chẳng hạn như các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ và ô tô. Kết quả của thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến MSCI châu Á bởi cổ phiếu Nhật Bản là thành phần lớn nhất trong chỉ số với tỷ trọng gần 32%.
Việc BoJ trì hoãn tăng lãi suất cũng có thể làm chậm quá trình huỷ bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) sử dụng đồng yen làm đồng tiền cấp vốn.
Bất kỳ động thái nào của BoJ đều sẽ tạo ra tác động lớn - vượt khỏi biên giới Nhật Bản và châu Á, vì các doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản là những người mua hàng đầu đối với các tài sản nước ngoài và yen Nhật là một đồng tiền tài trợ quan trọng trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng của Hàn Quốc
Triển vọng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á vẫn còn bấp bênh khi đất nước này vẫn đang vật lộn với những bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng phức tạp.
Sau khi tăng trưởng 2,1% vào năm 2024, Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống còn 1,8%. Điều chỉnh này phản ánh những hậu quả từ sự kiện thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Điều đó cũng làm tăng nguy cơ cho thị trường tài chính Hàn Quốc. Vào năm ngoái, Hàn Quốc là một trong những thị trường chứng khoán có kết quả giao dịch kém nhất thế giới, tụt xa đối thủ công nghệ của nước này tại châu Á là Đài Loan. Đồng won Hàn Quốc đang dao động gần mức thấp nhất trong 15 năm.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi kết quả của cuộc biến động chính trị. Nếu Toà án Hiến pháp Hàn Quốc kết luận động thái luận tội ông Yoon là hợp pháp và có hiệu lực, vị tổng thống sẽ mất chức, kích hoạt một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày.