Hà Nội 17 °C | 08:47PM, 08/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiến lược giành thị phần từ tay đối thủ của Sabeco

16:57 | 05/05/2023
Chia sẻ
Ban lãnh đạo Sabeco đề ra các phương án để gia tăng thị phần trước các đối thủ lớn ở Việt Nam.

Theo báo cáo của MBS, thị trường bia Việt Nam được thống trị bởi nhóm 4 hãng lớn, đó là Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco. Bốn hãng này chiếm tới 94,4% thị phần ngành bia, trong đó riêng Heineken và Sabeco có tổng thị phần là 78,3%, áp đảo hai hãng còn lại.

Cuộc rượt đuổi giữa hai tên tuổi đầu ngành bia luôn là câu chuyện đầy cảm hứng trên thương trường, đặc biệt khi Sabeco được chống lưng bởi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Trong những năm qua, công ty này đã Bắc tiến và đạt được thành công tại thị trường này. Sabeco tiếp tục tấn công thị trường ở lĩnh vực bia cao cấp, cận cao cấp nhằm đuổi kịp đối thủ.

 Ông Neo Gim Siong Bennett. (Ảnh: Sabeco).

Phân khúc cận cao cấp và cao cấp

Trước bối cảnh bia ngoại nhập ngày càng tăng và đối thủ ra mắt sản phẩm mới, tại ĐHĐCĐ vừa qua, CEO Sabeco - ông Neo Gim Siong Bennett, đã đưa giải pháp để ứng phó và duy trì thị phần trong 2-3 năm tới.

Vị CEO nhận định thị trường bia Việt Nam đang cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, Sabeco sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện những gì đã và đang làm được từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 của hành trình chuyển đổi.

“Sabeco sẽ không chỉ tập trung vào một lĩnh vực mà trên tất cả các trụ cột chiến lược, từ bán hàng đến tiếp thị, chuỗi cung ứng, sản xuất, con người và quản trị. Chúng tôi đã làm tốt giai đoạn 1 và hiện đã có đủ điều kiện để triển khai giai đoạn 2. 

Chúng tôi phải tập trung nâng cao năng lực con người và xây dựng thương hiệu ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Chúng tôi sẽ tự lực thực hiện những điều đó hoặc bằng cách hợp tác với các thương hiệu khác. Tất cả những nỗ lực này sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của chúng tôi và giúp Sabeco giành được thị phần trong tương lai”, ông Bennett nói.

 Bên trong nhà máy của Sabeco. (Ảnh: Nhịp cầu đầu tư).

Theo Sabeco, phân khúc cận cao cấp hiện chiếm hơn 20% tổng phân khúc thị trường bia, chủ yếu do một thương hiệu thống trị. Hiện công ty đang có hai sản phẩm thuộc danh mục này, gồm bia Saigon Chill và bia Saigon Special.

“So với thương hiệu đang dẫn đầu, thị phần của chúng ta còn nhỏ, tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Tất cả các thương hiệu của chúng ta đều đang có mức tăng trưởng tốt, và chúng tôi tin rằng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục trong những năm tới đây”, vị CEO thừa nhận.

Cải thiện tại thị trường Sài Gòn

Thực tế nhiều quán bia, nhà hàng lớn ở TP HCM không bán bia Saigon, ban giám đốc Sabeco thừa nhận “đối thủ của chúng ta rất mạnh ở TP HCM và thị phần của họ hiện đang cao nhất thế giới”.

“Đối thủ của chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ thị phần trong khi chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công. Trên thực tế, có rất nhiều nhà hàng ở TP HCM bán bia Saigon, và chúng tôi đã thấy được sự cải thiện lớn ở TP HCM so với trước đây. Với các khoản đầu tư vào 6 trụ cột chiến lược như đã đề cập, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong những tháng tới”, phía công ty chia sẻ.

 

Đối thủ của chúng ta rất mạnh ở TP HCM và thị phần của họ hiện đang cao nhất thế giới

Ông Neo Gim Siong Bennett

Tại thị trường phía Bắc, theo thông tin từ Sabeco, trong 5-8 năm qua, thị phần của hãng bia này tại đây đã tăng hơn gấp đôi. Sabeco đang nắm giữ vị trí thứ hai ở miền Bắc và đang tiếp tục tăng trưởng. 

“Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào nhãn hàng và yếu tố con người ở miền Bắc. Các kế hoạch và chiến lược hiện tại đang chứng minh được hiệu quả vì thị phần của chúng ta tại miền Bắc đang tăng nhanh hơn bất kỳ địa phương nào khác tại Việt Nam”, lãnh đạo công ty cho biết.

Đổ tiền vào marketing

Năm ngoái, Sabeco đã triển khai nhiều chương trình marketing, mở rộng nhiều điểm bán hàng cho kênh tiêu thụ tại chỗ. Do đó, chi phí bán hàng năm 2022 tăng 29,5% so với cùng kỳ. Nói về vấn đề này, lãnh đạo Sabeco cho biết sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và họ phải “chi tiêu nhiều hơn trước để chiến đấu”.

“Nhiều người xem đầu tư cho marketing là một chi phí. Chúng tôi xem đó là một khoản đầu tư. Chúng tôi tin rằng những khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn và lợi nhuận lớn hơn nữa trong dài hạn.

Khi chúng ta có sản phẩm tốt chúng ta sẽ không phải mang sản phẩm đến người tiêu dùng mà tự họ sẽ đến với chúng ta. Nếu thương hiệu đủ mạnh, chúng ta sẽ không phải lo lắng về việc trữ hàng vì nhà phân phối sẽ tự tìm đến chúng tavà nhân viên sẽ cảm thấy được khích lệ động viên trong khâu bán hàng bao gồm cả nhân viên của nhà phân phối và điểm bán hàng”, công ty chia sẻ.

Năm nay, Sabeco đang xem xét khoản 50 - 70 triệu USD cho các hoạt động đầu tư, mua lại tài sản và mở rộng nhà máy. 

Đức Huy

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.