|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Chân dung startup] Nhà sáng lập Jungle Boss khởi nghiệp từ lều lá và hành trình trở thành đơn vị độc quyền khai thác tour đu dây Hố sụt Kong

15:18 | 01/08/2022
Chia sẻ
Sau màn gọi vốn ấn tượng của Jungle Boss tại Shark Tank, giật ngay được 400 triệu từ vé vàng của Shark Hưng cũng như mời được thêm cá mập Hùng Anh tham gia hợp tác, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện, cà phê sáng cuối tuần cùng CEO Founder Lê Lưu Dũng.

 

 

Năm 2008, tôi làm việc cho dự án bảo tồn thiên nhiên thuộc một tổ chức phi chính phủ của Đức, công việc của tôi liên quan đến công tác cứu hộ động vật hoang dã, bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho người dân địa phương, qua đó nhằm giảm thiểu tác động lên rừng.

Là người làm bảo vệ rừng, công việc của tôi có ít nhiều sự bất đồng với người dân địa phương. Họ là những người sinh ra với rừng và nguồn sinh kế đều đến từ rừng.

Ngay từ khi còn công tác ở tổ chức phi chính phủ, tôi đã luôn suy nghĩ về việc bảo vệ rừng như thế nào để vừa thỏa mãn nhu cầu sinh kế của người dân địa phương, vừa bảo vệ được thiên nhiên. Nếu người dân địa phương có việc làm thì sẽ giảm thiểu được phần nhiều tác động đối với hệ sinh thái rừng.

Sau khi rời tổ chức, tôi có tham gia một công ty du lịch mạo hiểm. Ở đó tôi học được cách họ làm tour du lịch sinh thái, có người địa phương tham gia vào, tạo ra một mô hình phát triển bền vững, có sự hỗ trợ tới cộng đồng.

Năm 2015, tôi thành lập Jungle Boss. Tôi bắt đầu với một homestay nhỏ, thuê bà con địa phương làm. Sau khi homestay vào guồng, tôi tiếp tục mở thêm các tour du lịch thám hiểm rừng trong ngày. Thời gian đó thật sự rất vất vả, một mình tôi gần như làm hết mọi việc. Do thiếu nhân lực, ở giai đoạn đầu làm tour, tôi phải cáng đáng nhiều khâu. Ban ngày tôi dẫn khách đi vào rừng, tối về lại ngồi vào bàn để lên kế hoạch làm marketing và sale, sắp xếp lịch trình, chưa kể công việc quản lý ở homestay.

 

Một ngày của tôi bắt đầu từ 6-7h sáng và kết thúc vào khoảng 2h sáng, trừ thời gian ăn ngủ sinh hoạt khoảng 4-5 tiếng thì mọi thời gian của tôi đều dành cho công việc. Ngày trước, tôi còn phải tự học cách làm web rồi tự mình thiết kế cho công ty luôn.

Ngày đó, tôi làm công ăn lương thì không dư dả tiền để sẵn sàng làm khởi nghiệp. Tôi thế chấp sổ đỏ và vay ngân hàng 200 triệu để mở homestay.

Ban đầu, homestay chỉ có vỏn vẹn ba cái nhà gỗ, trong khi nơi tôi làm việc và tiếp khách là một cái lều lá, hệt như mấy quán cà phê chòi. Nó trái ngược với những gì mà Jungle Boss hiện có, chúng tôi giờ đây đã xây dựng được trụ sở rộng 650 m vuông, quản lý hai khu homestay trên diện tích 700 m vuông.

 

Nếu như nhân sự hồi đó chỉ có một mình thì giờ đã lên đến 200 người. Tôi chọn con đường đi lên từ gốc. Ưu tiên của tôi là những người dân địa phương, ngoài những người đi học trở về, tôi chấp nhận cả những người không biết gì.

Quan điểm của tôi khi khởi nghiệp là có sự tham gia của cộng đồng địa phương, vì thế tôi sẵn sàng dạy và đào tạo người dân địa phương, nếu họ chấp nhận đi cùng tôi trên con đường này. Có những anh em ngày trước cùng làm homestay với tôi và đến giờ họ vẫn ở đây.

 

 

Phải mất tới một năm trời, quay cuồng trong công việc quản trị kiêm nhân viên dẫn đoàn thì tôi mới có thêm những nhân sự mới. Ở ngày đầu, Jungle Boss đón chào thêm hai hướng dẫn viên, một bạn kế toán và một bạn làm sale.

Tôi cố gắng vận dụng nguồn lực địa phương, xác định tư tưởng là chọn những người ở đây, chỉ cần họ có năng lực về ngoại ngữ, tôi sẵn sàng đào tạo dần, bên cạnh đó là những bạn được ăn học ở xa quay trở về, có trình độ cao hơn. Với tư tưởng đó, tôi sẵn sàng tốn nhiều thời gian công sức để đào tạo họ, mất chi phí nhiều hơn để phát triển đội ngũ dần lớn mạnh.

 

Bài toán lúc đó là chi phí nhân sự. Người ta đi học ở xa, được đào tạo chuyên môn thì mình cũng phải đảm bảo mức lương tương xứng cho người ta. Những ngày đầu khởi nghiệp, doanh thu chưa ổn định và không đủ để trả lương cho nhân viên, tôi phải đi vay mượn để có một khoản dành cho chi phí quản trị doanh nghiệp.

Tôi cảm thấy mình khá may mắn khi dự án Jungle Boss phát triển nhanh, một phần là vì sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, họ rất là thích tour trekking của mình.

Ở Quảng Bình chỉ có chúng tôi và một đơn vị nữa cùng chia nhau làm tour du lịch mạo hiểm, khám phá. Nhờ vậy, chúng tôi sớm có nguồn doanh thu để sống tiếp.

 

Những ngày đầu chúng tôi làm những tour trekking trong ngày, mãi đến 2016, chúng tôi mới phát triển những tour dài hơn, cắm trại trong rừng. Thời gian đầu, có những ngày chúng tôi chỉ tiếp đoàn có hai khách. Dù biết là sẽ lỗ nhưng chúng tôi vẫn làm. Việc làm như thế là để khách hàng có những đánh giá tốt về tour của mình.

Chúng tôi chọn đối tượng khách là người nước ngoài, tây balo. Thị trường lúc đó ở Phong Nha có sẵn rất nhiều khách quốc tế, chúng tôi kết nối với các đại lý bán tour ở địa phương, sau đó bắt đầu đưa tour của mình lên các nền tảng online như Tripadvisor,…

Mỗi đoàn chúng tôi dẫn trung bình khoảng 6 khách, tối đa là 14 khách. Chi phí khoảng 1,5 triệu cho hành trình đi vào rừng thám hiểm trong một ngày.

 

 

Kể từ ngày đầu khởi nghiệp đến bây giờ, chúng tôi không gặp phải sự cạnh tranh quá lớn, bởi lẽ đây là mô hình đặc thù, độc quyền khai thác và khó có người làm được. Vì thế, ở Quảng Bình hiện tại vẫn chỉ có hai đơn vị được cấp phép khai thác tour du lịch khám phá hang động.

Lại quay trở về bài toán con người, nguồn nhân lực ở Quảng Bình không có nhiều và chúng tôi mất rất nhiều thời gian, tiền của để đào tạo được. Vì thế, không có nhiều đơn vị có thể dễ dàng chen chân vào.

Tôi vẫn luôn tin vào định hướng chọn người địa phương là đúng đắn. Người Quảng Bình họ rất giỏi và có năng lực. Tôi sẵn sàng đào tạo họ để đi cùng mình xa hơn trên con đường này.

 

Với câu chuyện giấy phép, tôi nghĩ rằng việc tạo ra sinh kế cho người dân địa phương đã tạo được nhiều cảm tình hơn khi xin cấp phép hoạt động tour. Tuy nhiên, đó cũng là cả một quá trình.

Để làm một sản phẩm du lịch thì phải qua rất nhiều bước. Ví dụ, muốn làm một tour du lịch kết hợp với vườn quốc gia, mình cần có được sự chấp thuận của họ.

Sau đó lập đề án để trình UBND tỉnh. Nếu được thông qua, tỉnh sẽ giao cho Sở Du lịch khảo sát. Từ đó Sở Du lịch sẽ mời thêm nhiều bên liên quan như: Sở Tài nguyên Môi trường, Công an, Quân đội vào thẩm định dự án, đi thực địa để đánh giá tiềm năng phát triển, mức độ an toàn và tính bền vững trong bảo vệ môi trường của tour đó.

Sau khi khảo sát, các ban ngành sẽ về họp và cho ý kiến về đề án. Kể cả khi đã đạt được sự nhất trí cao, dự án cũng phải chạy thử nghiệm trong khoảng 6 tháng đến 1 năm trước khi đi vào khai thác chính thức.

Quá trình thử nghiệm đó là cơ hội để mình chứng minh tiềm năng phát triển của tour, có mang lại lượng lớn khách du lịch không, có đảm bảo an toàn hay không, và tác động tới môi trường như thế nào… Hết thời gian thử nghiệm chính quyền sẽ họp lại một lần nữa để đưa ra quyết định chính thức.

 

Chúng tôi mất thời gian từ 3 tháng đến 2 năm để đưa ra một sản phẩm chính thức. Tuy theo tính chất của tour, ví dụ những tour ngắn, dễ dàng thì chúng tôi tốn khoảng 3 tháng nhưng với tour đu dây ở Hố sụt Kong, thời gian đó kéo dài tới 2 năm, từ quá trình đi khảo sát, đưa ra các hệ thống tiêu chí an toàn đến vấn đề xin cấp phép.

Đối với những tour có tính chất nguy hiểm, chúng tôi liên kết với Hiệp hội hang động Mỹ. Nhờ họ qua khảo sát địa hình, độ mạo hiểm của tour, đưa ra tư vấn về các tiêu chí an toàn cũng như hỗ trợ đạo tạo nhân viên, bản thân tôi và một số thành viên khác của Jungle Boss cũng là thành viên của Hiệp hội, chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Hiệp hội.

Hiện tại, chúng tôi có hai tuyến mạo hiểm là Hố sụt Kong, đi thám hiểm qua các hang như Hang Hổ, Hang Over, Hang Pigmy (hang động ngầm lớn thứ 4 thế giới), bên cạnh đó là tuyến thám hiểm Hang Voi, thung lũng Ma Đa với mức độ mạo hiểm thấp hơn.

 

 

Hố sụt Kong đến với chúng tôi là một cái duyên. Trước đó, chúng tôi khai thác tour ở Hang Hổ, Hang Pigmy, Hang Over nhưng lại chưa từng biết tới sự hiện diện của hố sụt này.

Cuối năm 2019, trong một chuyến khảo sát, quay clip phục vụ việc quảng bá tour, chúng tôi có bay flycam và tình cờ phát hiện một góc nhỏ của hố. Ở trên điện thoại thì chúng tôi không nhận ra nhưng khi chiếu trên màn hình thì mới nhìn thấy một cái lỗ rất lớn xuất hiện. Chúng tôi tự hỏi tại sao bao năm đi mòn các hang động nhưng mình lại không nhận ra sự hiện diện của cái hố này nhỉ?

Với cái đam mê trong người, chúng tôi quyết định xách ba lô lên và đi tìm hiểu luôn. Thời điểm đó, ở Quảng Bình rất lạnh, có mưa nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đến hố sụt bằng được.

Chúng tôi đi theo con đường mà flycam dẫn lối và không hề biết đó là một cái hố sụt, ban đầu mình chỉ nghĩ nó là hang động thôi. Cứ đi, đi mãi và lạc giữa khu rừng ở trong hố sụt lúc nào không hay.

Khi đó, chúng tôi nhìn xuống đáy hố và phát hiện một dòng suối ngầm, lúc trèo xuống lấy nước uống, nhìn lên mới biết đây là một hố sụt rất sâu.

Tôi cùng đoàn của mình ngồi dưới suối suốt 1 tiếng đồng hồ, ngâm mình trong dòng suy nghĩ miên man về hố sụt này, bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu vì chúng tôi đã dành nhiều năm đi qua các hang nhưng sao chưa từng đặt chân đến đây, dù nó nằm ngay bên cạnh.

 

Nhớ lại thời điểm đó, chúng tôi phải đi bộ trong hang, bơi dưới dòng nước lạnh như đá để quay về lán trại, dù khổ cực nhưng vẫn hào hứng vì phát hiện mới nay. Ngay sau đó, chúng tôi đã mời các chuyên gia của Hiệp hội hang động sang khảo sát luôn.

Siêu hố sụt Kong Collapse, thuộc hang Hổ ở Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, được các chuyên gia hang động Mỹ đánh giá là sâu nhất Việt Nam. Tour thám hiểm Hố sụt Kong Collapse do Jungle Boss độc quyền khai thác đưa du khách tới trải nghiệm được đu dây từ độ cao 100 m thẳng đứng, từ hóc mắt của hố sụt Kong Collapse xuống đáy. Đây được đánh giá là sản phẩm du lịch mạo hiểm hang động có độ khó cao nhất tại Việt Nam. Những người tham gia khám phám phá phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra như: độ tuổi bắt buộc từ 16 đến 65, không mắc các triệu chứng sợ độ cao, cao huyết áp, xương khớp, các bệnh về tim mạch…

 

 

Để mà đánh giá hành trình khởi nghiệp này, tôi nghĩ nó đang đi khá là nhanh. Hồi mới bắt đầu tôi chưa thể hình dung được rằng có ngày mình sẽ quản lý đội ngũ lên tới 200 nhân sự và đi kèm với đó là vận hành một tour đu dây mạo hiểm đẳng cấp như Hố sụt Kong.

Thậm chí, chúng tôi còn chưa bao giờ dám nghĩ đến việc tổ chức tour du dây có độ cao hơn 100 m.

Phải nói rằng ngoài vì đồng lương thì những người anh em làm cùng tôi đều có đam mê và họ yêu thích công việc này. Ai nấy cũng hăng say làm việc, quên ăn quên ngủ. Những thành tựu mà chúng tôi có hiện này đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, máu và thậm chí là cả tính mạng.

Ngày còn khảo sát hệ thống hang ở Hố sụt Kong, chúng tôi đi nguyên cả ngày để đến hố sụt. Tới nơi thì không có thiết bị, phải đu theo dây rừng xuống hố, cực kỳ nguy hiểm.

Khi đó, chỉ có đam mê chảy trong máu mới giúp ý chí của chúng tôi nóng lên, có động lực để làm tới cùng. Tất nhiên, yếu tố an toàn vẫn được chúng tôi đưa lên hàng đầu nhưng có những thời điểm mình không thể lường trước được những gì sẽ xảy đến với mình.

Thật ra, ở vị trí hiện tại về tour du lịch mạo hiểm, chúng tôi tự tin nói rằng Jungle Boss đang ở vị thế top đầu. Chúng tôi rất tự hào khi nói về sản phẩm Hố sụt Kong, đây là một tour được khách hàng đánh giá là có cấp độ mạo hiểm số 1 Việt Nam, không chỉ ở trong nước mà kể cả trên thế giới, hiếm có một đơn vị nào tổ chức được một tour du lịch đu dây mạo hiểm như những gì Jungle Boss đang làm. Chúng tôi thấy được thành quả hai năm trời phát triển sản phẩm du lịch ở Hố sụt Kong đã được đền đáp xứng đáng.

Bạn phải hiểu rằng chúng tôi đang làm tour du lịch mạo hiểm cho những người mới bắt đầu chơi bộ môn thám hiểm hang động, vì thế yếu tố an toàn luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Hoạt động này chủ yếu dành cho các nhà thám hiểm, chuyên gia.

 

Chúng tôi đang tiến hành khảo sát Hung Thoòng (Thung lũng Thoòng), nơi này gồm hệ thống nhiều hang động và một hố sụt có độ sâu khoảng hơn 200 m. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang ấp ủ một số sản phẩm mới như mô hình glamping (cắm trại sang trọng – PV), nhắm tới đối tượng các nhóm bạn bè, gia đình muốn trải nghiệm thám hiểm rừng ở cấp độ “sang chảnh” hơn.

Jungle Boss cũng đang nghiên cứu sản phẩm dù lượn. Chúng tôi đang làm việc với Liên đoàn dù lượn Việt Nam để phát triển thêm mô hình này.

Chúng tôi có ấp ủ tham vọng mang mô hình của Jungle Boss tới một số địa phương khác ở Việt Nam như vùng núi Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên,… Khi lên sóng Shark Tank, các shark hỏi tôi tính scale-up như thế nào thì tôi cũng trả lời thẳng luôn là mình sẽ áp dụng lại những gì đã làm ở Quảng Bình với các địa phương khác, không vấn đề gì cả.

Sau khi lên sóng, đã có một số đơn vị đặt vấn đề về việc này nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét vì Jungle Boss chỉ muốn tập trung phát triển sản phẩm ở Quảng Bình và chưa nghĩ tới chuyện khác.

 

 

Nếu ngày trước khách nước ngoài chiếm tới 90% thì ở thời điểm hiện tại, đã có sự hoán đổi vị trí, khách trong nước lại chiếm 90%. Người Việt Nam rất thích du lịch mạo hiểm và xu hướng đó có phần tăng lên.

Trong giai đoạn nghỉ vì dịch bệnh, chúng tôi đã tập trung phát triển sản phẩm tour đu dây H sụt Kong. Hầu hết quá trình, từ lúc bắt đầu khảo sát đến lúc đưa vào khai thác tour này đều diễn ra trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.

Từ lúc khảo sát vào đầu năm 2020, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đưa sản phẩm này tới với khách hàng hồi tháng 11/2021. Hiện đây là tour chiếm thị phần lớn nhất của Jungle Boss và được khách du lịch đánh giá rất cao, giới thiệu thêm bạn bè đến trải nghiệm.

Người Việt trước đây thích du lịch nghỉ dưỡng, du lịch theo kiểu truyền thống hoặc đi nước ngoài. Nhưng, xu hướng tìm về du lịch trong nước đang ngày càng nhiều hơn, người ta ưa khám phá các điểm đến mới, tìm kiếm những trải nghiệm khác lạ.

Trước đây, khi tôi làm trekking, không thấy bóng dáng người Việt Nam nào nhưng giờ đã khác rồi, môn khám phá hang động đang là trào lưu mới.

 

Tôi nghĩ khách hàng đang dành sự ưu tiên tới sức khỏe và cái đẹp. Thứ nhất, đi trekking giúp họ cảm thấy khỏe. Tìm về với rừng, bỏ lại công việc deadline, không có wifi, không có sóng điện thoại… con người ta được hòa mình vào thiên nhiên, tạm gác lại những lo toan bộn bề ngoài kia. Bên cạnh đó, đi trekking nhiều giúp cánh chị em có vóc dáng đẹp, đàn ông chúng ta cũng thế, giờ phái mạnh cũng thích được đẹp.

Thứ hai, đó là cảm giác được chinh phục, vượt qua giới hạn của bản thân. Tôi nói với bạn có nhiều người không dám đứng trên tòa nhà 20 tầng để nhìn xuống, bởi vì họ sợ. Nhưng khi đu dây xuống hố, độ cao bằng tòa nhà 35 tầng, họ vẫn làm được.

 

Thích được khỏe đẹp, có thể vượt qua chính bản thân mình là điều mà khách hàng của tôi tìm đến.

 

 

Thú thực là tôi chưa đi gọi vốn bao giờ. Shark Tank là một gợi ý từ bạn nhân viên của tôi. Tôi đến bể cá mập không phải để gọi vốn cho sản phẩm hiện tại mà chúng tôi đang cần các shark đầu tư để phát triển cho những sản phẩm tương lai như dù lượn, glamping… khi có được sự đầu tư của các shark về kiến thức, tiền bạc… tôi nghĩ sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội để phát triển thuận lợi hơn. 

 

Tôi rất thích Shark Hưng, vì tôi có nghe được rằng anh Hưng là người thích đi mạo hiểm, khám phá… Một người có cái “máu” rất giống với tôi. Tạm bỏ qua câu chuyện kinh doanh, tôi nghĩ người thích mạo hiểm, thích leo trèo, khám phá thì họ sẽ có cái chất riêng và họ sẽ dám sống thật với nó. Tôi cho rằng chọn những người dám sống thật với lòng mình sẽ là sự kết hợp hoàn hảo. 

 

Bên cạnh đó, mối quan hệ của Shark Hưng cực kỳ rộng và tôi nghĩ rằng vị cá mập này có thể mang tới nhiều khách hàng hơn cho mình. 

 

Thực ra, tôi không hề bị phân tâm bởi golden ticket. Quan điểm của tôi là giữ lại cổ phần cho mình, nếu chấp nhận tiền thì tôi đã chọn deal của Shark Hùng Anh vì nó cao hơn nhiều so với Shark Hưng.

Tôi nhìn thấy doanh nghiệp của mình có giá trị hàng trăm tỷ trong tương lai, vì thế 5% của hiện tại sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Đó là lý do tôi chọn deal 12 tỷ đồng lấy 25% của Shark Hưng, thay vì đề nghị đổi 20 tỷ lấy 30% cổ phần của Shark Hùng Anh. Tôi đánh giá Shark Tank như một màn tập dượt cho mình với những vòng gọi vốn tiếp theo.

Đây là nơi không chỉ giúp tìm kiếm cơ hội đầu tư mà còn mang lại cho tôi cơ hội được học hỏi rất nhiều kiến thức về kinh doanh. Nếu có cơ hội lên lần hai, tôi nghĩ mình sẽ làm tốt hơn nhiều. 

 

 

Đối với cá nhân tôi, mình phải làm cái gì đó thực sự là đam mê của mình. Khi mình sống vì đam mê thì nó sẽ không còn là làm việc nữa. Sống cùng đam mê sẽ đưa ta tới giới hạn mà người khác chưa chắc đã làm được.

Trải qua chặng đường 7 năm khởi nghiệp, dù không quá dài nhưng tôi nhìn thấy được cái lửa của mình trong niềm đam mê này. Sản phẩm của tôi phát triển không chỉ là hang động mà trong đó còn là đội ngũ do chính mình gây dựng.

Từ vai trò là nhà bảo tồn thiên nhiên, tôi đã bắt đầu với niềm đam mê núi rừng như vậy và giờ đây tôi có một doanh nghiệp tạo ra doanh thu, nuôi sống rất nhiều người cũng có niềm say mê với thiên nhiên như mình.

 

Đam mê của chúng tôi sẽ không dừng lại, sẽ còn nhiều sản phẩm mới nữa được Jungle Boss mang tới cho khách hàng.

 

Thành Vũ
Justin Bui
Doanh nghiệp & Kinh doanh

Nội dung: Thành Vũ - Thiết kế: Đức Bùi