|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO WiGroup: 2023 sẽ là năm bắt đầu chu kỳ thanh khoản mở rộng

18:04 | 27/12/2022
Chia sẻ
CEO WiGroup cho rằng năm 2023 sẽ là năm bắt đầu chu kỳ thanh khoản mở rộng khi tỷ giá không còn chịu áp lực, Ngân hàng Nhà nước có thể quay trở lại mua dự trữ ngoại hối, tức bơm tiền vào thông qua kênh tỷ giá. Lãi suất dự báo sẽ bắt đầu giảm từ quý II năm 2023.

Tại tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng năm 2023 sẽ là năm bắt đầu chu kỳ thanh khoản mở rộng. Theo đó, tỷ giá sẽ không còn chịu áp lực trong năm tới, thậm chí Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể quay trở lại mua dự trữ ngoại hối, tức bơm tiền vào thông qua kênh tỷ giá. Lãi suất cũng được dự báo sẽ bắt đầu giảm từ quý II năm 2023.

Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam có thể sẽ xuất hiện dấu hiệu về một sự suy yếu trong khoảng quý I và quý II năm 2023. Lạm phát toàn cầu đang giảm rất nhanh, trong khi áp lực lạm phát tại Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ rất cao, song ông Báu cho rằng lạm phát năm 2023 sẽ không cao, thiết lập đỉnh vào đầu năm và giảm dần về cuối năm.

 CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Ba nguyên nhân của sự cạn kiệt về thanh khoản 

Theo CEO của WiGroup, muốn biết hệ thống ngân hàng thiếu tiền hay không cần nhìn vào lãi suất bởi lãi suất là chi phí của việc sử dụng tiền. Các ngân hàng cũng như người dân bình thưởng, phải đi vay thông qua kênh huy động cũng có thể vay lẫn nhau.

Do đó, để biết được hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế thiếu tiền, cần nhìn vào cách các ngân hàng trả lãi suất. Từ cuối năm 2020-2021, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ dao động quanh mức 0%, tức là các ngân hàng gần như cho nhau vay và không lấy lãi suất qua đêm.

“Chúng ta đã ở trong giai đoạn hai năm thừa tiền, nhưng đến 4-5 tháng gần đây, chúng ta thiếu tiền trong hệ thống ngân hàng thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lên đến 5-6%/năm. Tương tự, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cũng tăng từ 0,25%/năm lên tới 5,6%/năm và duy trì đến bây giờ,” ông Báu cho hay.

Như vậy, nhìn chung tất cả các loại lãi suất kỳ hạn ngắn – nơi thể hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng đều tăng vọt. Đồng thời, lãi suất trên thị trường 1 (thị trường giữa ngân hàng và người dân) cũng tăng vọt nhưng trễ hơn khá nhiều.

Đến tháng 10/2022 sau vụ việc Vạn Thịnh Phát và NHNN tăng lãi suất điều hành, lãi suất thị trường mới tăng vọt, tức sự “ngộp thở” về thanh khoản mới chỉ xuất hiện khoảng 4-5 tháng gần đây. Điều này đã từng xảy ra vào năm 2011-2012.

Số liệu tổng cung tiền so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng khoảng 7%, đây là mức tăng trưởng cung tiền thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Lần đầu tiên trong lịch sử, cung tiền đi ngang, tức tiền trong nền kinh tế không tăng từ đầu năm, thậm chí còn giảm. Đây là một điều đáng báo động, ông Báu cho biết.

 Ảnh: WiChart.

Bức tranh này thể hiện rằng sau 10-12 năm, Việt Nam mới chứng kiến giai đoạn tiền thiếu trên mọi mặt trận từ trong hệ thống ngân hàng đến nền kinh tế. Hạn mức tăng trưởng tín dụng mở ra trong hai tháng cuối năm nhưng không cho vay vì chính ngân hàng cũng thiếu tiền.  

Từ đó, ông Báu đã chỉ ra ba nguyên ngân khiến thanh khoản cạn kiệt trong thời gian vừa qua. Thứ nhất là chênh lệch giữa tín dụng và huy động. Cụ thể, có khoảng 11,6 triệu tỷ đồng tín dụng trong nền kinh tế nhưng ngân hàng chỉ huy động được từ người dân khoảng 11,2 triệu tỷ đồng hay nói cách khác ngân hàng phải xoay xở tiền từ khu vực khác để cho vay.

Có nghĩa, ngân hàng đang cho vay vượt quá lượng huy động về. Ông Báu cho rằng đây là rủi ro và sớm muộn cũng làm cho chi phí sử dụng vốn của nền kinh tế tăng lên, bởi ngân hàng cạn tiền cho vay.Nếu thị trường trái phiếu không gặp vấn đề. Các ngân hàng vẫn có thể tìm nguồn huy động vốn khác và từ đó cân bằng lại dòng vốn của mình.

Thứ hai, NHNN bán ra 25 tỷ USD, tương đương rút 600.000 tỷ đồng. Điều này đến từ việc Việt Nam phải can thiệp về tỷ giá. Cuối cùng, lãi suất tăng cùng với việc siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra đổ vỡ niềm tin và bán tháo tài sản tài chính.

 Ảnh: WiChart.

Phương Nga