|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO SuperShip kể chuyện khởi nghiệp: Từ cạn vốn sau ba tháng đầu kinh doanh tới giấc mơ IPO

14:59 | 07/04/2021
Chia sẻ
Startup nổi lên sau chương trình Shark Tank Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể và đang đặt mục tiêu IPO sau năm 2024.

SuperShip là startup giao hàng theo mô hình nhượng quyền do CEO Lê Thanh Hoài cùng các đồng sự sáng lập ra. Năm 2015, CEO Lê Thanh Hoài cùng một vài người bạn góp vốn với chỉ vọn vẹn 40 triệu đồng khởi nghiệp với dịch vụ vận chuyển hàng. 

Mới đây trên Facebook cá nhân, ông Hoài đã chia sẻ lại hình ảnh về hành trình từ lúc bắt đầu khởi nghiệp cho tới hiện tại cũng như lộ trình phát triển trong thời gian sắp tới.

CEO SuperShip kể chuyện khởi nghiệp, tự cạn vốn sau ba tháng đầu tới kế hoạch IPO sau năm 2024 - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hoài chia sẻ về hành trình khởi nghiệp cùng SuperShip. (Ảnh: FBNV).

Sau 3 tháng kinh doanh, nguồn vốn của SuperShip đã cạn kiệt nhưng có một điều may mắn là công ty tìm được khách hàng có 100 đơn/ngày và sau đó được một nhà đầu tư thiên thần góp vốn 200 triệu đồng, nhờ đó có thể bám trụ lại với cuộc chơi.

Khoản đầu tư đầu tiên đã giúp SuperShip có bước tiến, doanh số trong năm 2016 tăng đều 10-20% tháng, đạt 2,4 tỷ/năm đưa CEO Lê Thanh Hoài tự tin gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank Việt Nam với đề nghị 2 tỷ lấy 20% cổ phần từ ông Trần Anh Vương.

Thông tin từ Shark Tank Việt Nam, SuperShip tăng trưởng liên tiếp sau màn gọi vốn thành công. Từ doanh thu đạt 7,4 tỷ đồng (2017), ba năm sau (2020) SuperShip đã đạt mức hơn 63 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần. 

Sau đó, SuperShip liên tục phát triển và mở rộng hệ thống bưu cục ra các tỉnh trên toàn quốc với mô hình kinh doanh nhượng quyền. Tính đến tháng 4/2021, công ty có 264 bưu cục trên toàn quốc, trải dài 54/63 tỉnh và thành phố.

CEO SuperShip kể chuyện khởi nghiệp: Từ cạn vốn sau ba tháng đầu kinh doanh tới giấc mơ IPO - Ảnh 2.

Màn gọi vốn thành công của SuperShip trên chương trình Shark Tank Việt Nam đã đưa công ty có đến những bước chuyển mình đáng kể. (Ảnh: Shark Tank VN).

Mỗi đối tác sẽ trả công ty 5% tổng doanh thu mỗi tháng, trong đó: 2% cho công tác tài chính; 2% phí bảo trì, nâng cấp phần mềm và 1% dành cho các chi phí khác như marketing, đào tạo… SuperShip tự phát triển công nghệ và thống nhất các bưu cục trên một hệ thống, đồng nghĩa với việc đơn hàng vẫn chạy trên hệ thống của SuperShip, không có chuyện tách rời đơn lẻ. 

Việc các bưu cục nhượng quyền vận hành trên một hệ thống chung sẽ đảm bảo được sự đồng bộ về chất lượng dịch vụ. Về mặt tài chính thì các bưu cục hoạt động độc lập.

Câu chuyện khởi nghiệp của SuperShip và giấc mơ IPO - Ảnh 3.

SuperShip vẫn tăng trưởng doanh số bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. (Ảnh: SuperShip).

Trong năm 2020, dù bị tác động nhiều bởi đại dịch COVID-19 nhưng ông Hoài tiết lộ  vẫn tăng trưởng đều, doanh số gấp đôi năm 2019, đạt 63 tỷ. Kỳ vọng trong năm 2021 của CEO Lê Thanh Hoài sẽ là đưa SuperShip đạt doanh số 120 tỷ và 390 tỷ trong năm 2024 (gấp hơn 6 lần năm 2020). 

Ngoài ra, công ty đang lên kế hoạch gọi vốn 1 triệu USD từ các nhà đầu tư chiến lược, chuẩn bị cho quá trình IPO sau năm 2024.

Vượng Phát