CEO Hoà Phát: Tiêu thụ thép quý IV có thể chỉ tăng nhẹ
Tiêu thụ thép xây dựng vẫn thấp
Tháng 8, tình hình bán hàng thép trong nước vẫn chưa thể phục hồi. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bán hàng thép thành phẩm các loại giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2 triệu tấn. Trong đó, thép xây dựng có mức giảm mạnh nhất 24,4% xuống 881.036 tấn. Tuy nhiên, với những mặt hàng như HRC, thép cán nguội, tôn mạ, việc tiêu thụ có sự phục hồi mạnh mẽ 26 - 53%.
Theo VSA, cuộc cạnh tranh về giá bán, thị phần thép xây dựng của các nhà máy ngày càng trở nên khốc liệt để duy trì hoạt động của nhà máy. Trong khi đó, thị trường bất động sản trì trệ nên sử dụng thép xây dựng thấp so với kỳ vọng vào mùa cao điểm.
Hoà Phát dẫn đầu thị phần thép xây dựng trong 8 tháng với 32,7%, tiếp đến là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) với 10,8%.
“Xét tổng thể nhu cầu sử dụng nội địa và xuất khẩu trong 8 tháng qua vẫn ở mức thấp, các nhà máy giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất, bán hàng”, VSA nhận định.
Tính đến cuối tháng 9 giảm giá thép xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo số liệu của Steel Online, ngày 28/9, giá thép CB300 của Hoà Phát ở mức 13,6 triệu đồng/tấn, giảm 15% so với đầu năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hoà Phát nhận định ngành thép có thể đã tạo đáy vào quý IV/2022, quý I/2023, nhưng giá thép vẫn giảm. Đây không chỉ là do cung - cầu mà còn vì giá nguyên vật liệu dầu vào giảm.
Số liệu từ VSA cho thấy giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ… tính đến cuối quý III giảm mạnh 14 - 34% so với hồi đầu năm. Trong đó, giá than mỡ nhập khẩu từ Australia có mức giảm sâu nhất (34%) xuống 244 USD/tấn.
Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc VNSteel cho biết theo chu kỳ cuối quý I, đầu quý II bao giờ cũng là cao điểm tiêu thụ thép trong năm bởi thời tiết hanh khô, thuận lợi cho hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, thị trường năm nay rất xấu, nhu cầu thép giảm khoảng 20%, sức tiêu thụ của II và III vẫn yếu.
Kỳ vọng vào các dự án đầu tư công
Các doanh nghiệp nhận định chưa thể kỳ vọng một "cú bật" của ngành thép trong những tháng còn lại năm 2023 bởi tình hình kinh tế vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc rõ ràng. Tuy nhiên, kịch bản về một sự phục hồi nhẹ là điều khả thi nhờ việc triển Chính phủ đang triển khai các dự án đầu tư công.
“Giai đoạn quý IV, tiêu thụ thép sẽ tốt lên nhưng không nhiều do nền kinh tế vẫn tương đối xấu. Để có sự thay đổi đột biến, ngành phải chờ khi nào nền kinh tế phục hồi mạnh, bất động sản và chế biến chế tạo đi lên. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn do đó sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Tôi nghĩ rằng khi nào lãi suất thế giới giảm thì nền kinh tế mới phục hồi. Một số chuyên gia cho rằng phải đến tháng 5, 6/2024 Fed mới giảm lãi suất”, ông Thắng nói.
Theo ông những tháng cuối năm ngành thép vẫn trông chờ vào các dự án đầu tư công. Ngoài ra, việc Chính phủ giảm lãi suất thời gian qua cũng bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng được xem là động lực cho tiêu thụ thép thời gian tới.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 ước đạt 39,6% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 42,35% thì tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022.
Phó TGĐ VNSteel cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu nợ để tiếp tục tồn tại trong tời gian tới.
“Việc phát triển dự án mới của khối tư nhân rất hạn chế. Ngành thép vẫn chỉ kỳ vọng vào các dự án đầu tư công. Trong giai đoạn sụt giảm nhu cầu vừa qua, nguồn cung ra thị trường còn rất lớn. Kể cả khi thị trường có phục hồi thì cũng ở mức nhẹ và biến động giá không lớn”, ông Thảo nói.
Ông kỳ vọng kết quả kinh doanh những tháng cuối năm sẽ cải thiện nhẹ nhờ giá nguyên liệu đầu vào đã giảm.
Ở góc độ doanh nghiệp xây dựng khối đầu tư công, việc giá thép giảm thời gian qua được xem là yếu tố thuận lợi bởi đây là nguyên liệu đầu vào của các công trình.
Tuy nhiên, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết doanh nghiệp cũng chuẩn bị cho kịch bản giá thép trong năm 2024 có thể tăng trở lại do nhu cầu từ các dự án đầu tư công lớn và thị trường bất động sản phục hồi. Hiện thép chiếm khoảng 20% chi phí xây dựng các công trình của tập đoàn này.
“Nhu cầu thép từ các dự án đầu tư công thời gian tới được dự báo tăng mạnh. Điều này có thể nhìn thấy rõ thông qua quy mô các dự án mà Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, không loại trừ việc thị trường bất động sản sẽ phục hồi tiêu thụ lượng thép nhiều.
Chúng tôi đang tăng cường hợp tác với doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thép. Đồng thời tập đoàn có những chính sách đặt hàng để giúp bình ổn nguồn vật liệu, đảm bảo mục tiêu sản xuất kinh doanh đề ra”, Tổng Giám đốc Đèo Cả nói.