|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Captain Úy: Con trai người thợ săn thiện xạ nhất vùng và cơ duyên với ‘con mắt của Kong’

16:00 | 23/01/2023
Chia sẻ
Nhớ lại ngày đầu tiên theo các bậc cha chú vào tận sâu ngóc ngách rừng già Phong Nha, Nguyễn Văn Úy hay còn được biết tới với biệt danh “Captain Úy”, chắc không tưởng tượng được hình ảnh của anh hiện tại. Từ một người khuân vác đồ cho đoàn thám hiểm, Úy trở thành người đảm nhận giám sát an toàn cho tour đu dây hố sụt Kong (Kong Collapse), thuộc hệ thống hang Hổ ở tỉnh Quảng Bình.

Ở Phong Nha (Quảng Bình) – nơi Úy sinh ra, ngoài trồng trọt lương thực, người dân thường phải kiếm tìm sản vật rừng để cải thiện cuộc sống. Ở vùng đất này, hoạt động sản xuất nông nghiệp không hề dễ dàng, một mùa trồng lúa chưa đủ để lấp đầy cái bụng của những người dân nơi đây, chưa kể các rủi ro như thiên tai hay mất mùa“Thế hệ của tôi trở về trước đều bắt buộc phải vào rừng vì trồng trọt không đủ ăn. Việc đi rừng gần như là bắt buộc với người dân nơi đây”, Captain Úy nhớ lại những ngày còn đi rừng.

Là con của người thợ săn thiện xạ nhất vùng, Úy có cơ hội đi rừng cùng những người kinh nghiệm nhất và chuyến đi đầu tiên đó đã mang lại cho anh những kỹ năng sinh tồn cần thiết để tự tin “kiếm ăn” trong rừng.

 Captain Úy. (Ảnh: NVCC)

Mỗi lần đi rừng, Úy có thể kiếm được vài trăm nghìn đến một triệu đồng, tùy thuộc vào những gì thu được từ chuyến đi đó. Tuy vậy, Úy chia sẻ rằng anh không hề muốn làm công việc đặt bẫy thú hoang dã, kiếm sống nhờ mang sản vật rừng đi bán. “Cuộc sống mưu sinh buộc tôi phải làm như vậy, thực lòng bản thân không hề mong muốn”, Captain Úy nói.

Bước ngoặt cuộc đời

Năm 2009, ở gần một bản tên Đoòng, cả thế giới kinh ngạc với Sơn Đoòng – hang động tự nhiên lớn nhất thế giới thuộc quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng. Các nhà khoa học đã có những chuyến khảo sát hang động tại Phong Nha và Uý có cơ hội hỗ trợ gùi đồ cho đoàn. Từ đó, Úy tìm ra cho mình một hướng đi mới sau những chuyến gùi đồ.

Năm 2013, công ty Oxalis xin được giấy phép và tiến hành khai thác du lịch mạo hiểm tại hang Sơn Đoòng. Doanh nghiệp này bắt đầu tuyển dụng người dân địa phương làm việc cho họ.

Xuất phát điểm là một người đi rừng, cơ hội làm việc cho Oxalis mang lại cho Úy những trải nghiệm đầu tiên về quy cách làm việc của một tổ chức, các tiêu chuẩn cần phải đáp ứng và điều lớn nhất là tinh thần trách nhiệm với công ty.

Những chuyến đi bộ xuyên rừng Phong Nha. (Ảnh: NVCC).

Với bộ môn du lịch mạo hiểm, đa phần du khách đều đến từ nước ngoài, tỷ lệ du khách Việt Nam ngày đó còn rất thấp. Do đó, Úy bắt đầu tự học tiếng Anh và tích lũy thêm kinh nghiệm khi tham gia hỗ trợ các đoàn du khách thám hiểm hang Sơn Đoòng.

Năm 2015, nhận lời mời của ông Lê Lưu Dũng, một nhân sự cũ tại Oxalis, Úy đã cùng ông Dũng tham gia thành lập Jungle Boss. Sau 7 năm hoạt động, Jungle Boss đang phát triển tour đu dây mạo hiểm 100 m tại Hố sụt Kong – một trong những trải nghiệm được đánh giá là đẳng cấp hàng đầu Việt Nam.

Con mắt của King Kong

Úy cho biết Oxalis yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngoại ngữ để đạt được vị trí người dẫn tour. Với một người dân địa phương, vừa làm và học như anh, yêu cầu này dường như không dễ dàng. Do đó, Captain Úy chọn rẽ hướng, thử sức mình ở một công ty khởi nghiệp. Và cơ duyên này đã dẫn họ đến được Hố sụt Kong.

Năm 2018, Jungle Boss xin được giấy phép khảo sát hang động để phát triển tour khám phá và đoàn khảo sát của họ đã bắt đầu tìm kiếm một chiếc “cửa cụt” được nhắc tới trong bản đồ của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (1997).

“Ngày đó, hầu hết người dân đều có công việc nhờ du lịch phát triển, nên ít người đi rừng và các đường lối đi vào hệ thống hang Hổ đã lấp mất theo thời gian. Chúng tôi tìm kiếm đến lần thứ ba vẫn không thể tìm ra lối vào miệng hố. Cả đoàn rất hoài nghi về tính chính xác của bản đồ do các chuyên gia hang động vẽ ngày trước”, Úy hồi tưởng lại.

 Hố sụt Kong từ bên dưới nhìn lên. (Ảnh: NVCC).

Captain Úy có đam mê với flycam và chính nhờ thiết bị này, anh đã tình cờ phát hiện một miệng hố siêu lớn. Ngay từ khi nhìn thấy nó, Úy liên tưởng ngay tới hình ảnh con mắt của King Kong – một nhân vật giả tưởng trong phim Kong: Skull Island, từng được bấm máy tại nhiều địa danh của Việt Nam.

Một người từng có trên dưới trăm lần đặt chân vào hang Sơn Đoòng cũng như hơn 300 hang động ở Phong Nha, như Úy, cực kỳ phấn khích với phát hiện này. “Chỉ cần nhìn vào địa hình hố sụt, dòng chảy của nước…, tôi chắc chắn còn nhiều điều bí ẩn ở trong miệng hố này”, Captain Úy nói.

Sau đó, công ty kết hợp với các chuyên gia hang động Mỹ để khảo sát hố sụt Kong và đó là một trải nghiệm nhớ đời với Captain Úy.

“Chúng tôi mang không đủ dây và cũng không có các vị trí cài dây. Xác định làm tới cùng, tôi chọn những loại cây có bộ rễ to, bám chắc nhất trên vách đá để cài dây và đu xuống hố. Đó là một trải nghiệm sinh tử, vị chuyên gia khi cùng tôi leo xuống đã bật khóc vì trước đó, ông ta cảm thấy cực kỳ lo lắng khi tôi chọn những cây bé để cho dây vào”, Captain Úy nói. Anh cho biết kinh nghiệm đi rừng cho anh biết cây nào có bộ rễ nở rộng, bám chắc vào vách đá.

 "Con mắt của Kong" từ trên cao nhìn xuống. (Ảnh: NVCC).

Jungle Boss mất hai năm để có thể đưa tour trải nghiệm đu dây Hố sụt Kong vào khai thác. Từ khi ra mắt vào giữa năm 2021 đến nay, sản phẩm du lịch này đã đón khoảng 500 lượt khách. Vì đây là sản phẩm du lịch đặc thù, không dành cho đại chúng, mỗi năm Hố sụt Kong chỉ được cho phép đón 1500 lượt khách.

Tour thám hiểm Hố sụt Kong Collapse do Jungle Boss độc quyền khai thác đưa du khách tới trải nghiệm được đu dây từ độ cao 100 m thẳng đứng, từ hốc mắt của hố sụt Kong Collapse xuống đáy. Đây được đánh giá là sản phẩm du lịch mạo hiểm hang động có độ khó cao nhất tại Việt Nam. Những người tham gia khám phám phá phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra như: độ tuổi bắt buộc từ 16 đến 65, không mắc các triệu chứng sợ độ cao, cao huyết áp, xương khớp, các bệnh về tim mạch…

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam. 

Thành Vũ