[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Vietcombank giữ vững ngôi vương, nhiều ngân hàng báo lãi tăng bằng lần
(Tiếp tục cập nhật)
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 21 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh cả năm 2024. Trong đó, một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận vượt mốc tỷ USD trong năm 2024 như Vietcombank, BIDV, Agribank, MB và Techcombank. Nhiều ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số và hai ngân hàng có kết quả thấp hơn so với năm trước.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) công bố báo cáo tài chính quý IV với lợi nhuận trước thuế 10.703 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm, lợi nhuận Vietcombank đạt 42.236 tỷ đồng, tăng 2,2% và thực hiện vượt kế hoạch (hơn 42.000 tỷ đồng) và dẫn đầu toàn ngành ngân hàng.
Trong quý, thu nhập lãi thuần tăng 8,2% và các hoạt động ngoài lãi cũng ghi nhận tăng trưởng 20,7%.
Đến cuối tháng 12, tổng tài sản của Vietcombank ở mức 2,08 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng ở mức 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 14,1%. Tiền gửi khách hàng ở mức 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%. Cuối quý IV, Vietcombank có 13.964 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng tỷ lệ 0,96%.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) cho biết lợi nhuận quý IV đạt 2.002 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, lợi nhuận MSB ở mức 6.904 tỷ đồng, tăng 18,4%.
Kết quả kinh doanh quý IV của MSB đi lên so với cùng kỳ chủ yếu do ngân hàng ghi nhận khoản lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, cụ thể thu nhập lãi thuần tăng 3,7%. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài lãi tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của MSB đạt 320.177 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay ở mức 178.278 tỷ đồng, tăng 19,5%; tiền gửi khách hàng đạt 154.612 tỷ đồng, tăng hơn 16,8%. Đến cuối quý IV, tỷ lệ nợ xấu của MSB ở mức 2,65%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - Mã: SHB) báo cáo lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 11.543 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023 và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông thông qua. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,4%, duy trì hiệu quả sinh lời nhóm đầu ngành.
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản ở mức hơn 747.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cuối năm trước. Dư nợ cấp tín dụng ở mức gần 534.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng cấp tín dụng 18,2%.Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức trên 12% theo tiêu chuẩn Basel II.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV tăng 58% so với năm 2023, đạt 809 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 81% kế hoạch năm.
Tính đến hết ngày 31/12/2024, quy mô hoạt động của ABBank tiếp tục tăng trưởng thông qua ghi nhận từ các chỉ số bao gồm tổng tài sản đạt 176.628 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, đạt 104% kế hoạch năm.
Tổng huy động đạt 155.900 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2023, đạt 108% kế hoạch năm; Tổng dư nợ đạt 154.426 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2023, đạt 110% kế hoạch năm.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.453 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận trước thuế đạt 4.006 tỷ đồng giảm 3,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt, thu nhập thuần trong quý từ lãi tăng 1.323 tỷ, tương đương tăng 99,3% so với cùng kỳ, động lực tăng trưởng chính đến từ tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện ở mức 3,5% vào cuối năm 2024.
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của OCB đạt 280.712 tỷ đồng tăng 16,9% so với năm 2023. Đặc biệt, ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thị trường một đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%). Huy động thị trường một đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV ở mức 291 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận VietABank là 1.085 tỷ đồng, tăng 18,3%.
Tính đến cuối tháng 12, tổng tài sản của VietABank ở mức 119.832 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay ở mức 79.916 tỷ đồng, tăng 33,1%. Tiền gửi khách hàng đạt 90.289 tỷ đồng, tăng 4,1%.
Cuối quý IV, số dư nợ xấu của ngân hàng là 1.046 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,31%.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - Mã: KLB) công bố lợi nhuận quý IV ở mức 352 tỷ đồng, tăng 342,5% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 1.112 tỷ đồng, tăng trưởng 54,7%.
Trong quý IV, thu nhập lãi thuần của KienlongBank đạt 793,7 tỷ đồng, tăng 46,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài lãi ghi nhận kết quả tích cực.
Đến cuối quý IV, tổng tài sản KienlongBank ở mức 91.176 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 61.432 tỷ đồng, tăng 18,6%. Tiền gửi đạt 63.521 tỷ đồng, tăng 11,6%. Số dư nợ xấu ở mức 1.172 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,91%.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB - Mã: VIB) công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, đây là con số lợi nhuận thực chất, phản ánh đúng kết quả kinh doanh và tình hình thị trường. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt khoảng 18%.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng VIB đạt 325.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22%.Trong đó, dư nợ bán lẻ đạt gần 260.000 tỷ đồng, tỷ lệ bán lẻ duy trì mức 80%, cao nhất ngành.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank – Mã: BVB) đã công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 391 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ; hoàn thành 195% kế hoạch lợi nhuận được Đại hội đồng cổ đông giao trước đó (200 tỷ đồng).
Tăng trưởng lợi nhuận của BVBank chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng trưởng lần lượt là 56% và 105,9%, thu về 2.306 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – Mã: ACB) lãi trước thuế đạt 21.006 tỷ đồng, tăng 4,7%; lợi nhuận sau thuế ở mức 16.790 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được gần 95,5% kế hoạch năm (22.000 đồng).
Tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng hai con số lần lượt là 11,4% và 10,8%. Bên cạnh đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh cũng tăng 19%, đóng góp khoản lãi 200 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB) công bố báo cáo tài chính năm 2024 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng lợi nhuận cao nhất trong ngành tính đến thời điểm hiện tại. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần (tăng 37,4%) và nguồn thu nhập khác (tăng 170%).
Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) là nhà băng đầu tiên cho biết có lợi nhuận trước thuế năm 2024 giảm so với năm trước, đạt gần 86 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 90 tỷ đồng trong năm 2023.Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của BaoViet Bank đạt hơn 90.600 tỷ đồng, tăng 7,06% so với cuối năm trước, trong đó tổng dư nợ tín dụng đạt gần 54.600 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 76 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 4,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý đạt 61 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 421 tỷ đồng, tăng 19,8%; lợi nhuận sau thuế là 337 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) công bố lợi nhuận trước thuế năm đạt 27.538 tỷ đồng, tăng 20,3%; lợi nhuận sau thuế ở mức 21.760 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) công bố lợi nhuận trước thuế đạt 6.039 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2023, hoàn thành 103% kế hoạch. Quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 325.699 tỷ đồng, tăng 22% trong đó dư nợ tín dụng đạt 209.355 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 20,42%.
Tổng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế vượt kế hoạch năm, đạt 215.984 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng ấn tượng đạt 32.658 tỷ đồng, tăng 96% so với năm 2023 và chiếm 19,4% tổng huy động.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) báo lãi trước thuế cán mốc gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đề ra tại đại hội đồng cổ đông. Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức trên 17%.
Cơ cấu lợi nhuận có sự chuyển dịch khi giảm lệ thuộc hoạt động tín dụng. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPBank đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng 47,5%, đạt hơn 3.360 tỷ đồng.
Tính đến hết 2024, tổng tài sản của ngân hàng vượt 418.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và vượt kế hoạch 7%; vốn điều lệ tăng lên 26.420 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của TPBank, bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp, đạt 261.500 tỷ đồng, tăng hơn 20%.
Tổng huy động cán mốc hơn 374.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 14%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng 14,4% so với 2023.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 110,1% so với năm 2023, đạt 1.080 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 38,7%, đạt 674 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản đạt 239.532 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%; trong đó dư nợ cấp tín dụng tăng 19,72%. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn duy trì quanh mức 24% - 25%; tỷ lệ LDR duy trì quanh mức 82% - 84%; tỷ lệ an toàn vốn CAR dao động quanh ngưỡng 12% - 13%.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt hơn 4.545 tỷ đồng, tăng 37,56% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 13,6% chỉ tiêu được giao.
Tính đến hết năm 2024 tổng tài sản Nam A Bank đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng gần 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động tín dụng của Nam A Bank đạt gần 168.000 tỷ đồng, tăng 18,34% so với đầu năm; huy động vốn đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều 'nhà băng' lãi tỷ đô
Vietcombank cho biết lợi nhuận ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2024, ước vượt mức kế hoạch 42.000 tỷ đồng, và giữ vị trí dẫn đầu toàn ngành. Năm 2024, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng 13,7%, tổng tài sản tăng 12,9% và lần đầu tiên vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng duy trì ở mức thấp 0,97%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao 223%.
Nhiều khả năng BIDV sẽ đứng vị trí thứ hai với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng tài sản của BIDV đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng. Huy động vốn đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng ở mức trên 2,01 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 15,3%. BIDV cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,3% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%.
Agribank báo lãi trước thuế riêng lẻ ở mức khoảng 27.927 tỷ đồng, tăng trên 8% so với năm trước.Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng (tăng 10%); Huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng trên 140.000 tỷ đồng (tăng 7,5%); Dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trên 170.000 tỷ đồng (tăng 11%).
Trong khi đó, VietinBank cho biết lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch đề ra, ở mức trên 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm ngoái. Tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%. Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của VietinBank tăng trưởng 16,88% so với năm 2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023
Trong nhóm cổ phần, MB ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước; lợi nhuận hợp nhất đạt 28.800 tỷ, tăng gần 10%. Tín dụng tăng 25% đạt 766.000 tỷ, huy động tăng 19% đạt 800.000 tỷ, cân bằng với hoạt động tín dụng.
Trên bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng đã có 8 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Sacombank cho biết lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Cả năm 2024, lợi nhuận Sacombank ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu sinh lời ROA ước đạt 1,46%, ROE ước đạt 20,23%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành.Huy động vốn và dư nợ tín dụng ước đạt lần lượt 649.000 tỷ đồng và 542.000 tỷ đồng, đều tăng 12% so với cùng kỳ.
Ngoài các ông lớn nói trên còn có LPBank, ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, thực hiện được 116% kế hoạch năm và chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của LPBank đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2023.Dư nợ tín dụng đạt 331.606 tỷ đồng, tăng hơn 20%. Huy động vốn thị trường 1 đạt 338.662 tỷ đồng tăng 18,69%.
Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh
Bên cạnh đó, một số nhà băng cũng đã hé lộ lợi nhuận năm 2024 như NCB, ACB và HDBank. Trước đó, đại diện lãnh đạo HDBank cũng thông tin chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng dự kiến đạt trên 16.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ đồng cổ đông giao.
Năm 2024, NCB thông báo đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hồi tháng 4/2024. Trong đó, tổng tài sản đạt 118.562 tỷ đồng, tăng 23,2% so với 2023 và vượt 12% so với kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 71.175 tỷ đồng, tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 100.491 tỷ đồng, vượt lần lượt 10,6% và 16,8% so với kế hoạch.
Ngân hàng ACB cũng cho biết tính đến hết 2024, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm, vượt xa mức tăng trưởng trung bình ngành (15,08%). Huy động tiền gửi từ khách hàng ước đạt hơn 537.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3%, với tỷ lệ CASA đạt 23%.
Trước đó, TPBank công bố lợi nhuận 11 tháng đạt hơn 7.100 tỷ đồng, cao hơn 28% so với lợi nhuận cả năm 2023 và dự kiến lợi nhuận cả năm 2024 sẽ tăng 34% so với năm 2023 (5.589 tỷ đồng).
Tổng huy động tính đến 30/11 cán mốc 338.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm. Thu nhập hoạt động của nhà băng đạt hơn 16.300 tỷ đồng. Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao gần 18%. Dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp của TPBank cán mốc 254.740 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm, vượt xa trung bình ngành.