Cầm cự giữ mặt bằng chờ hết dịch
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã giáng thêm một đòn mạnh vào thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê. Nhiều căn nhà phố mặt tiền tại các khu vực trung tâm Hà Nội và TP HCM đang đóng cửa im lìm dù trước đây bán buôn tấp nập.
Có thể thấy, chưa bao giờ thị trường mặt bằng bán lẻ chứng kiến tỷ lệ trống lớn đến vậy. Cùng với làn sóng trả mặt bằng của nhiều cơ sở kinh doanh, không ít người vẫn đang cố cầm cự qua ngày.
Hơn 4 tháng nay, xưởng sản xuất nhỏ của gia đình anh Quốc Cần (huyện Nhà Bè) không thể hoạt động. Dù không có nguồn thu, anh Cần vẫn phải gồng mình để trả phí thuê mặt bằng xây xưởng với giá 15 triệu đồng/tháng.
“Trước dịch, tôi thuê 340 m2 đất và xây một xưởng nhỏ để khởi nghiệp. Khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi đã phải đóng cửa xưởng, phí thuê đất vẫn phải trả hàng tháng để bảo quản lượng hàng tồn kho. Dù chủ đất đã nhiều lần giảm tiền thuê nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ như của nhà tôi, có giảm thì đó vẫn là một gánh nặng lớn. Bởi ngoài phí thuê đất, tôi còn nợ tiền ngân hàng. Còn cầm cự đến thời điểm hiện tại là cố gắng lắm rồi”, Anh Cần nói.
Giống với anh Cần, gara sửa xe ô tô của anh Văn Thuận (TP Thủ Đức) cũng phải đóng cửa do dịch bệnh suốt nhiều tháng qua. Anh Thuận chia sẻ, vì gara nằm ở vị trí mặt tiền nên giá thuê khá đắt, khoảng 21 triệu đồng/tháng.
“Không ai lường trước được đợt dịch này kéo dài lâu như vậy. Vì phí mặt bằng khá cao nên tôi đã nhiều lần thương lượng với chủ nhà và được giảm 25%. Tuy vậy, số tiền thuê hơn 15 triệu đồng/tháng vẫn rất lớn. Mấy tháng qua, do không có thu nhập nên tôi phải lấy tiền túi ra bù. Nhưng tiền cũng giới hạn do còn nhiều chi phí khác cho gia đình, tôi đã từng nghĩ đến việc đóng cửa hẳn gara, qua dịch tìm việc khác để làm”, anh Thuận nói.
Chị Phương Lam ngụ tại huyện Bình Chánh chia sẻ, hồi tháng 1 vừa qua, chị cùng một số người bạn hùn vốn thuê một mặt rộng khoảng 50 m2 để làm một quán ăn nhỏ. Song, kinh doanh chưa được bao lâu thì dịch ập đến, chưa kịp hoàn vốn thì đã phải chịu thêm khoản lỗ.
"Tiền thuê mặt bằng hàng tháng là 10 triệu, từ khi dịch bùng phát đến nay, chủ mặt bằng không giảm một đồng. Đã hơn 4 tháng nay quán không bán nhưng vẫn phải trả tiền thuê đều đặn. Chúng tôi chỉ đủ sức cầm cự thêm hai tháng nữa, nếu cứ đà này tiếp diễn, chắc chúng tôi sẽ phải chịu lỗ mà dẹp quán", chị Lam chia sẻ.
Không chỉ những khách thuê mặt bằng nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng gặp khó với việc thuê mặt bằng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài.
Đơn cử, CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh vừa qua cũng có gửi văn bản tới đối tác cho thuê mặt bằng đề nghị hỗ trợ chi phí thuê trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Cụ thể, doanh nghiệp này đã đề nghị đối tác chia sẻ giảm 50% giá thuê trên mỗi tháng với thời gian trong vòng một năm để chung sức cùng Bách Hóa Xanh xử lý các ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Nhiều mặt bằng ở vị trí vàng đang bỏ trống. (Ảnh: Nguyên Ngọc).
Có thể thấy, thị trường mặt bằng bán lẻ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự phục hồi. Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills Việt Nam đánh giá, dự kiến sau thời gian giãn cách xã hội này, các nhà bán lẻ sẽ mất ít nhất ba tháng để các khu mua sắm dần phục hồi lượng giao thông mua sắm. Đồng thời sẽ mất ít nhất một năm để nhà bán lẻ và người tiêu dùng lấy lại niềm tin và cả thị trường hoạt động ổn định, phục hồi trạng thái, doanh thu như năm 2019.
"Sau giai đoạn khó khăn, nhiều thương hiệu đã tái định vị, xác định chiến lược phát triển thận trọng hơn, lựa chọn địa điểm kỹ càng và quản lý các chi phí chặt chẽ hơn. Ví dụ điển hình là mặt bằng cho thuê quán cà phê và nhà hàng trước đây có thể đạt 20% thậm chí 30% doanh thu cho các vị trí đẹp, đắc địa thì nay chỉ còn tối đa 10 - 16% để duy trì hiệu quả", vị này cho biết.
Về triển vọng thị trường trong những tháng cuối năm, bà Quyên dự báo, giá thuê cho hợp đồng mới phần lớn được giữ nguyên, thậm chí giảm 20 - 30%. Tỷ lệ tăng giá hằng năm có thể sẽ giảm từ trung bình 8% xuống còn 5%, khiến tổng giá trị của một chu kỳ thuê của một bất động sản bán lẻ giảm đáng kể.