|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các đợt huy động vốn nghìn tỷ trên sàn

11:45 | 11/06/2024
Chia sẻ
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp phi tài chính lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để lấy tiền trả nợ ngân hàng, nợ trái phiếu hay đầu tư vào các dự án.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ thông tin công ty công bố.

Gemadept

Vào ngày 25/6 tới đây, CTCP Gemadept (Mã: GMD) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, trong tài liệu gửi cổ đông, công ty dự kiến chào bán tối đa 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ thực hiện quyền 3:1.

Với giá chào bán dự kiến 29.000 đồng/cổ phiếu, công ty muốn thu về hơn 3.000 tỷ đồng. Phần lớn nguồn tiền huy động 2.213 tỷ đồng sẽ dùng để mua sắm tài sản cố định, chi 231 tỷ đồng trả nợ ngân hàng và còn lại dùng để góp vốn vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng việc tăng vốn điều lệ là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính, cân đối vốn cho các hoạt động thường xuyên và hoạt động đầu tư thời gian tới. 

DIC Corp

HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG) mới đây đã thông qua kế hoạch chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 33% số cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ chào bán là 1.000:327,94 (tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu thì có 1 quyền, cứ 100.000 quyền thì được mua 32.794 cổ phiếu mới).

Giá chào bán là 15.000 đồng/cp, thấp hơn 46% so với thị giá cổ phiếu DIG chốt phiên 10/6 (27.800 đồng/cp). Thời gian phát hành dự kiến từ quý II đến quý IV/2024, sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Trong 3.000 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán, 1.135 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 2&3; 965 tỷ đồng đầu tư dự án Vị Thanh. Còn lại 900 tỷ đồng dùng để thanh toán trái phiếu bao gồm 461 tỷ đồng trái phiếu của lô DIGH2124002 (ngày thanh toán 30/9/2024) và 439 tỷ đồng trái phiếu của mã DIGH2124003 (ngày thanh toán 26/11/2024).

Tracodi

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông CTCP Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi - Mã: TCD) có kế hoạch phát hành riêng lẻ 170 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 10.000 đồng/cp, cao hơn 41% so với thị giá TCD chốt phiên 10/6 là 7.100 đồng/cp.

Với số tiền 1.700 tỷ đồng dự kiến thu được, công ty sẽ dùng 1.000 tỷ đồng để cơ cấu lại nguồn vốn bao gồm nhưng không giới hạn việc thanh toán nợ gốc, nợ lãi, nợ trước hạn, đến hạn. 700 tỷ còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động. Nếu thực hiện thành công các phương án trên, vốn điều lệ Tracodi sẽ tăng từ 2.826 tỷ lên 5.058 tỷ đồng.

Thép Nam Kim

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã thông qua phương án chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1.

Giá chào bán là 12.000 đồng/cp, thấp hơn 55% thị giá cổ phiếu NKG chốt phiên 10/6 (26.500 đồng/cp).

1.580 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán sẽ được góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư Dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hải Phát

Trong năm nay, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã: HPX) dự kiến phát hành hơn 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới). Cổ phiếu được tự do chuyển nhượng.

Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, cao hơn 47% so với giá cổ phiếu HPX chốt phiên ngày 10/6 là 6.820 đồng/cp. 

Nếu chào bán thành công, tổng số tiền huy động (1.520 tỷ đồng) sẽ được Hải Phát dùng để trả nợ theo thứ tự ưu tiên như sau: Sử dụng 1.410 tỷ đồng thanh toán gốc và lãi các khoản nợ trái phiếu (mã trái phiếu HPX122018, HPXH2123008, HPXH2124009, HPXH2125007). Số còn lại (110 tỷ đồng) sẽ được công ty dùng để thanh toán gốc và lãi của khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt – Chi nhánh Hà Nội.

Đèo Cả

Trong năm nay, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) có kế hoạch phát hành tổng cộng gần 170 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.816 tỷ đồng qua ba hình thức chào bán riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu và trả cổ tức năm 2023.

HHV dự kiến phát hành tối đa 73,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. HHV sẽ uỷ quyền cho HĐQT quyết định mức giá phát hành phù hợp tại thời điểm phát hành song không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Toàn bộ số tiền thu được tối thiểu là 735 tỷ sẽ được dùng để góp thêm vốn vào CTCP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với mức tối thiểu 145 tỷ. Số tiền còn lại sẽ được dùng để thu xếp vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Với phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu, HHV dự kiến phát hành tối đa 75,8 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền mua 100:15. HHV sẽ uỷ quyền cho HĐQT quyết định mức giá phát hành phù hợp tại thời điểm phát hành song không thấp hơn mệnh giá của cổ phiếu (10.000 đồng/cp). Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. 

Tối tiểu 759 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ dùng để thu xếp vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tối thiểu 358 tỷ, tối thiểu 360 tỷ sẽ dùng để đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Số tiền còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động đào tạo nhân lực và khoa học công nghệ. 

Dabaco

Để có tiền đầu tư các dự án, đầu tháng 5, HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) đã thông qua việc chào bán 80,67 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới).

Giá phát hành 15.000 đồng/cp, thấp hơn 58% giá chốt phiên 10/6 (36.000 đồng/cp). Số cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Bên cạnh đó, Dabaco muốn phát hành 12 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 12 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Như vậy, tổng số cổ phiếu công ty dự kiến phát hành gần 92,7 triệu cổ phiếu, thu về 1.330 tỷ đồng. Dabaco cho biết sẽ sử dụng tổng số tiền thu được đầu tư vào Công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành Dabaco.

Cụ thể, công ty dùng 95 tỷ đồng để đầu tư, thanh toán tiền mua thiết bị và tài sản cố định cho dự án, giải ngân từ quý II/2024 đến quý III/2025. Số còn lại (535 tỷ đồng), Dabaco dùng để đầu tư vốn lưu động ban đầu để vận hành dự ángiải ngân từ quý - IV2025.

Dầu khí Nam Sông Hậu

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH) đã thông qua phương án chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 103% số cổ phần đang lưu hành. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, cao hơn 52% giá cổ phiếu PSH chốt phiên 10/6 (6.600 đồng/cp).

1.300 tỷ thu được từ đợt chào bán dự kiến dùng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2024 và quý I/2025, sau khi UBCKNN chấp thuận. Thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định. Sau phát hành, vốn điều lệ của PSH dự kiến tăng từ 1.262 tỷ đồng lên 2.562 tỷ đồng.

Vinaconex

Mới đây, HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) đã thông qua kế hoạch chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1.

Giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu, bằng 45% giá cổ phiếu VCG chốt phiên 10/6 (23.100 đồng/cp). Số vốn cần huy động 1.197 tỷ đồng, dự kiến sử dụng  để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả.

Thời gian phát hành dự kiến là trong 2024 - 2025 sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN.

Hoà Bình

Đầu tháng 5, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ gồm nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty. Kế hoạch này đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Doanh nghiệp thông tin số cổ phần dự kiến chào bán trước đó là 74 triệu cổ phiếu. Song kể từ khi nghị quyết này được thông qua đến nay, vì một số lý do như Xây dựng Hoà bình đã thanh toán nợ cho một số chủ nợ, một số chủ nợ thay đổi ý định hoán đổi nợ nên Xây dựng Hoà Bình dự kiến sẽ phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu. 

Ngoài ra, trong trường hợp các chủ nợ thay đổi ý định và không đồng ý hoán đổi nợ, HĐQT công ty quyết định sẽ huỷ bỏ số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tương ứng của chủ nợ. 

Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, cao hơn 25% so với thị giá cổ phiếu HBC chốt phiên 10/6 (7.970 đồng/cp).

Thời gian phát hành dự kiến được thực hiện trước đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến trong quý II đến quý IV năm nay, sau khi được UBCKNN chấp thuận. 

CKG

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang (Mã: CKG) đã thông qua phương án chào bán hơn 47,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 50% số cổ phiếu đang lưu hành.Tỷ lệ thực hiện quyền: 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền, cổ đông sở hữu 2 quyền sẽ được mua thêm 1 cổ phần mới).

Giá chào bán dự kiến là 10.500 đồng/cp, thấp hơn 58% giá cổ phiếu CKG chốt phiên 10/6 (25.000 đồng/cp).

Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Toàn bộ 500 tỷ dự kiến thu được sẽ được dùng cho mục đích thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng đến hạn; thanh toán một phần trái phiếu đến hạn; bổ sung vốn lưu động. Trong đó, 105 tỷ dùng để thanh toán nợ ngân hàng, 350 tỷ trả một phần trái phiếu đến hạn còn lại 45 tỷ là bổ sung vốn lưu động.

Kinh Bắc

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (: KBC) lên kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 250 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư. ĐHĐCĐ sẽ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn giá bán cụ thể theo nguyên tắc xác định giá đã được ĐHĐCĐ thông qua.

Giá chào bán này sẽ không thấp hơn 80% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày UBCKNN có công văn chấp thuận hoặc xác nhận việc nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán. Đồng thời, giá chào bán không được thấp hơn giá trị được ghi trong sổ sách tại BCTC riêng của quý gần nhất.

Số tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được Kinh Bắc dùng để bổ sung vốn lưu động; tái cơ cấu các khoản nợ; tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết; mua cổ phần, phần vốn góp của các công ty để thực hiện các hoạt động M&A.

Thép SMC

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, cổ đông CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 99% số cổ phần đang lưu hành. 

Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 32% so với thị giá cổ phiếu SMC chốt phiên 10/4 (14.750 đồng/cp).

730 tỷ đồng huy động được dự kiến để thanh toán các khoản nợ vay của công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.

Masan

ĐHĐCĐ của Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã thông qua phương án chào bán cổ phần là cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức với tổng số lượng phát hành dự kiến tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán.

Hiện Masan đang có 1,43 tỷ cổ phiếu, tức tập đoàn sẽ chào bán tối đa khoảng 143 triệu cổ phiếu.

Với phương án chào bán cổ phần phổ thông, Masan sẽ phát hành riêng lẻ một hoặc nhiều lần. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã kiểm toán năm gần nhất. 

Số lượng chào bán không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Còn với phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức theo hình thức riêng lẻ, giá chào bán, số lượng nhà đầu tư và việc chuyển nhượng tương tự phương án chào bán cổ phần phổ thông. Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết. 

Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1. Mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành trên cơ sở yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi và theo nghị quyết của HĐQT.

Thời gian chào bán của hai phương án trên đều là trong 2024 hoặc trước ĐHĐCĐ thường niên 2025 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Lâm Anh