|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

BKAV đang có gì trong tay trước kế hoạch IPO?

16:04 | 02/06/2021
Chia sẻ
BKAV đang sở hữu trong tay 6 công ty con, chuyên về phát triển phần mềm, an ninh mạng cũng như phần cứng. Trong đó, BKAV Pro năm 2018 được định giá khoảng 1.500 tỷ đồng.
Đặt tham vọng IPO, BKAV đang có gì trong tay? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tử Quảng trong một lần giới thiệu Bphone. (Ảnh: BKAV).

Ngày 2/6, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Tập đoàn Công nghệ BKAV thông báo lần đầu phát hành 170 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn cho công ty con BKAV Pro. Đồng thời ông Quảng cũng tiết lộ sau giai đoạn này, BKAV sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán để mọi nhà đầu tư đều có thể tham gia.

Đây không phải là lần đầu tiên có thông tin về việc BKAV lên sàn. Năm 2018, công ty đã phát hành 5% cổ phần BKAV Pro cho các lãnh đạo, với định giá đơn vị này là 1.500 tỷ đồng. Thời điểm đó, theo nguồn tin của ICTNews, việc bán cổ phần nội bộ là một bước trong kế hoạch IPO của BKAV vào năm 2020.

Năm 2020 đã đi qua, nhưng tin đồn về việc IPO của BKAV vẫn chưa trở thành hiện thực. Đến nay, vị CEO của công ty an ninh mạng đã chính thức xác nhận tin đồn này, khẳng định việc niêm yết sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Doanh thu trăm tỷ mỗi năm từ bán phần mềm và nhà thông minh

Khởi nghiệp từ năm 1995 với phần mềm diệt virus BKAV do ông Nguyễn Tử Quảng cùng nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội phát triển. Đến năm 2003, CTCP BKAV chính thức được thành lập, có trụ sở chính tại Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội với ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là lập trình máy vi tính.

Theo cổng thông tin điện tử, BKAV có vốn điều lệ 100,06 tỷ đồng do ông Lê Thanh Nam sinh năm 1979 làm người đại diện pháp luật. Hiện ông Nam đang giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách mảng camera của BKAV.

Dữ liệu chúng tôi có được, tại thời điểm 31/12/2019, ông Lê Thanh Nam đang nắm 5% vốn BKAV. Trong khi đó, ông Nguyễn Tử Quảng nắm quyền chi phối toàn bộ công ty khi sở hữu tới 90% vốn góp. 5% còn lại thuộc về cá nhân, tổ chức khác.

Đặt tham vọng IPO, BKAV đang có gì trong tay? - Ảnh 1.

Hiện BKAV có 6 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực như phần mềm, an ninh mạng, chống mã độc, nhà thông minh và sản xuất smartphone. Đáng kể nhất là hai hạt nhân chính gồm CTCP Phần mềm diệt virus BKAV (BKAV Anti Virus/BKAV Pro) và Công ty TNHH Công nghệ Ngôi nhà thông minh (BKAV SmartHome).

Năm 2015 đánh dấu bước chuyển của BKAV từ một công ty thuần phần mềm sang công ty phần cứng khi ra mắt mẫu smartphone tầm trung Bphone 1. Công ty giới thiệu đây là mẫu smartphone đầu tiên do chính BKAV tự nghiên cứu, phát triển và sản xuất.

Giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu BKAV tăng trưởng đều đặn vài trăm tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận gộp vài chục tỷ đồng. Số liệu mới nhất chúng tôi có được năm 2019, BKAV đạt doanh thu 209 tỷ đồng, tăng 6% so với 2017, song lãi gộp giảm 40% xuống còn 31 tỷ đồng so với hai năm trước đó. Năm 2019, BKAV thu lãi sau thuế xấp xỉ 11 tỷ đồng.

Đặt tham vọng IPO, BKAV đang có gì trong tay? - Ảnh 3.

Lưu ý, số liệu bên trên chỉ là của riêng công ty mẹ BKAV, chưa tính các công ty con như BKAV Online, BKAV Smarthome,…. Kết quả kinh doanh của cả hệ thống chỉ có thể đánh giá chính xác khi có số liệu hợp nhất của toàn bộ công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết.

Tại thời điểm ngày 31/12/2019, BKAV sở hữu 417 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó có 268 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Sống nhờ diệt virus

CTCP Phần mềm diệt virus BKAV (BKAV Pro) được thành lập năm 2018, có cùng địa chỉ công ty mẹ BKAV tại Cầu Giấy, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của BKAV Pro là sản xuất phần mềm, ngoài ra còn có các ngành kinh doanh đăng ký như bán lẻ, quảng cáo, lập trình.

Đại diện pháp luật kiêm CEO là ông Vũ Ngọc Sơn, sinh năm 1980. Vốn điều lệ ban đầu của BKAV Pro là 50 tỷ đồng. Trong đó, CTCP BKAV góp 96% vốn, ông Vũ Ngọc Sơn và bà Lại Thu Hằng lần lượt mỗi người sở hữu 2% vốn góp BKAV Pro.

Gần đây nhất, ngày 30/6/2020, doanh nghiệp tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng, song không rõ tỷ lệ sở hữu. Năm 2018, BKAV Pro được BKAV định giá ở mức 1.500 tỷ đồng và đây cũng chính là đơn vị mang lại "nguồn sống" chính cho BKAV khi mỗi năm mang về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận.

Đặt tham vọng IPO, BKAV đang có gì trong tay? - Ảnh 3.

Ngay trong năm đầu thành lập, doanh thu BKAV Pro đạt 105 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế đạt 67 tỷ đồng. Năm 2019 doanh thu công ty tương đương năm trước, song lãi sau thuế giảm 21% xuống 53 tỷ đồng. Biên lãi gộp của BKAV Pro ở mức 70% - 80%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 40% của một công ty phần mềm như FPT.

Cuối năm 2019, tổng tài sản của BKAV Pro 169 tỷ đồng, trong đó có 120 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Đặt tham vọng IPO, BKAV đang có gì trong tay? - Ảnh 4.

Không chỉ dừng lại ở mảng phần mềm diệt virus, theo quan sát của người viết, BKAV gần như là một trong những công ty đi đầu ở mảng SmartHome tại Việt Nam.

Ngày 13/6/2014, BKAV đã lần đầu tiên trình làng mẫu nhà thông minh SmartHome theo các kịch bản ngữ cảnh tại dự án Green Valley của Phú Mỹ Hưng. Công ty TNHH Công nghệ Ngôi nhà thông minh BKAV SmartHome được thành lập từ tháng 9/2004 với mục đích phát triển các giải pháp công nghệ thông minh cho nhà ở, vốn điều lệ 45 tỷ đồng.

Dữ liệu chúng tôi có được, doanh thu hàng năm của BKAV SmartHome ở mức 20 - 32 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2019, song công ty vẫn đang chịu lỗ, chưa ghi nhận khoản lãi nào trong 4 năm này.

Tại thời điểm 31/12/2019, BKAV SmartHome sở hữu gần 50 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ 34 tỷ đồng. Trên cổng thông tin điện tử, doanh nghiệp này đang trong quá trình làm thủ tục giải thể.

Năm 2018, BKAV công bố thông tin cho thấy BKAV SmartHome đã có mặt trong hơn 10.000 căn hộ từ chung cư đến biệt thự hạng sang. Tại thời điểm đó, BKAV SmartHome chiếm khoảng 90% thị phần SmartHome ở phân khúc cao cấp và 80% ở phân khúc thấp hơn.

Đặt tham vọng IPO, BKAV đang có gì trong tay? - Ảnh 6.

Cùng năm 2018 một pháp nhân mới là Công ty TNHH BKAV SmartHome Global đã được thành lập có địa chỉ trùng với trụ sở chính BKAV, vốn điều lệ ban đầu 300 triệu đồng nhằm phát triển dòng sản phẩm mới là camera AI View "make in Viet Nam".

Ngày 27/10/2020, SmartHome Global nâng vốn điều lệ lên 9 tỷ đồng, trong đó CTCP BKAV góp 450 triệu đồng, năm 5% vốn điều lệ. 95% còn lại thuộc về bà Bùi Ngọc Hạnh Chi với số vốn góp 8,55 tỷ đồng.

Doanh thu công ty này chỉ ở mức 13 tỷ đồng năm 2018 và 16 tỷ đồng năm 2019, lãi sau thuế lần lượt là 5 tỷ đồng và lỗ 4,6 tỷ đồng (2019).

Tháng 6/2020, CEO Nguyễn Tử Quảng thông báo BKAV đã có đơn hàng sang Mỹ với tỷ lệ nội địa hóa từ 77 - 82%. BKAV cho biết đây là sản phẩm do người Việt tự tay thiết kế, kiểu dáng, thiết kế cơ khí đến phát triển phần cứng, phần mềm, đồng thời có giá rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất tại châu Âu tới 30%.

Đặt tham vọng IPO, BKAV đang có gì trong tay? - Ảnh 5.

Riêng đối với mảng smartphone, mặc dù đã 6 năm góp mặt trên thị trường song đến nay BKAV vẫn chưa công bố số liệu về doanh số hay thị phần Bphone tại Việt Nam. Mới đây nhất, trước sự dừng chân của VinSmart, ông Nguyễn Tử Quảng tuyên bố Bphone sẽ chiếm thứ hai thị phần smartphone tại Việt Nam vào năm 2023.

Trong đợt phát hành trái phiếu lần này, CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết sẽ dùng một phần trong tổng số 170 tỷ đồng dự kiến huy động được để phát triển các dòng Bphone giá tốt với mục tiêu phổ cập thị trường và tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn.


Chí Dũng - Thiên Trường