|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Biên lợi nhuận của doanh nghiệp gạo có thể giảm trong quý III dù xuất khẩu vẫn thuận lợi

07:00 | 25/08/2023
Chia sẻ
Giá gạo cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng cao. Do đó,  biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp gạo sẽ giảm theo quý và duy trì ổn định theo năm. Ngoài ra , nhiều doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông, có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của NHNN.

Xuất khẩu gạo có thể tiếp tục thuận lợi trong quý III

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 660.738 tấn, trị giá 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với tháng trước; còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,6% về lượng và 27,3% về trị giá. 

Lũy kế trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 4,9 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Philippines vẫn thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 39,6% tổng khối lượng xuất khẩu của cả nước với 1,94 triệu tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Trung Quốc tăng mạnh hơn 54%, đạt 718.654 tấn, chiếm 14,7% tổng lượng xuất khẩu. 

Indonesia đã vươn lên đứng thứ ba về thị trường xuất khẩu gạo của nước ta với khối lượng đạt 602.667 tăng 16 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 12,3% thị phần.

Theo dữ liệu từ Reuters, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh và hiện gần bằng giá gạo Thái Lan, quanh mốc 630 USD/tấn. Giá gạo Thái Lanh ở mức 655 USD/tấn. 

 Số liệu: Reuters (H.Mĩ tổng hợp)

Trong báo cáo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng trong quý III do Nga rút khỏi Thoả thuận Sáng kiến Lương thực Biển Đen, cho phép Ukraine xuất khẩu lương thực và phân bón từ ba cảng chính của Ukraine ở Biển Đen, dẫn đến nỗi lo ngại sụt giảm nguồn cung lương thực trên toàn cầu. 

Bên cạnh đó, El Nino bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài khoảng 2-3 năm, có nguy cơ gây hạn hán trên một số vùng trồng lúa ở Đông Nam Á kéo theo năng suất giảm.

Cuối cùng, Ấn Độ, nước đóng góp 37% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu hàng năm, cấm xuất khẩu gạo trắng nonbasmati, bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu gạo 25% tấm và áp thuế 30% đối với gạo non-bastima kể từ tháng 9/2022. 

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) dự báo tình hình xuất khẩu gạo sẽ còn tích cực trong thời gian tới. Nguồn cung không tăng trong khi nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Hiện tượng El Nino gây ra thời tiết khô hạn tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, diện tích trồng cây lương thực giảm, thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng cường tích trữ do lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Rủi ro biên lợi nhuận gộp giảm

Tuy nhiên, giá gạo cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng cao. Do đó, KIS cho rằng biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp gạo sẽ giảm theo quý và duy trì ổn định theo năm. Nhiều doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông, có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của NHNN.

Thống kê một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy biên lợi nhuận gộp quý II có sự phân hoá. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp ghi nhận sự cải thiện trong biên lợi nhuận gộp như Lộc Trời (Mã: LTG), Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (VSF), XNK Nông sản Thực Phẩm An Giang (Mã: AFX) hay XNK An Giang (Mã AGM) thì mức tăng không đánh kể từ 0,1 đến 3,8 điểm phần trăm. 

Trong khi đó, ở nhóm có biên lợi nhuận gộp giảm như Trung An (Mã: TAR), Vinaseed (Mã: NSC) thì mức giảm mạnh hơn 3,7 - 7,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Việc một số doanh nghiệp ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm chủ yếu là do tốc độ tăng doanh thu không lớn bằng tốc độ tăng giá vốn bán hàng. 

Điển hình như trường hợp của Trung An khi doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.615 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng 129% lên 1.549 tỷ đồng.

Số khác ghi nhận doanh thu giảm nhưng giá vốn lại tăng như trường hợp của Vinaseed. Công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, công ty sở hữu 7 công ty con khác, trong đó có Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) với tỷ lệ sở hữu 98,92% vốn điều lệ chuyên chế biến nông sản, hạt giống cây trồng. Các nhà máy Vinarice hiện có công suất chế biến 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm.

Chi phí tài chính của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang có xu hướng tăng lên vì mặt bằng lãi suất tăng cao. Ví dụ như Lộc Trời khi chi phí tài chính trong quý II tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

 

Cùng với đó, tổng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn của một số công ty xuất khẩu gạo như Lộc Trời, Vinaseed, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, XNK Nông sản Thực Phẩm An Giang,… trong quý II có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Điển hình như Lộc Trời ghi nhận khoản này trong quý II là 6.949 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Tài sản nhiều công ty xuất khẩu gạo tăng 

Trong quý II, tài sản nhiều công ty gạo tăng lên nhờ hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn.  Trong đó, tài sản ngắn hạn vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. 

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Tính đến thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của Lộc Trời là 12.184 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng thời điểm của năm ngoái và cao hơn 39% so với cuối năm 2022.  Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 76%. Khoản phải thu ngắn hạn tăng khoảng 80% so cuối quý II/2022 và cuối quý IV/2022 lên 5.852 tỷ đồng.

Với CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang, tổng tài sản tính đến 30/6 tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.167 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng này đến từ khoản phải thu ngắn hạn ở mức 786 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ và cao hơn 25% so với cuối năm ngoái. 

Trường hợp của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam ghi nhận tổng tài sản tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4% so với cuối năm 2022.  Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh 156% so với cuối năm ngoái lên hơn 3.000 tỷ đồng và tăng 40% so với cuối quý II/2022. 

Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 1.277 tỷ đồng. 

   Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Vòng quay hàng tồn kho của một số doanh nghiệp gạo được đẩy nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như Trung An với 1,5 lần, nhanh gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. CTCP XNK Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX) có vòng quay hàng tồn kho lớn nhất là 3,1 lần. 

Trong khi đó, vòng quay hàng tồn kho của AGM chỉ bằng một nửa của quý II/2022. Số ngày tồn kho tăng gấp đôi so với cùng kỳ, là 57 ngày. 

Việc hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực là bị "chôn vốn". Một số trường hợp, hàng tồn kho tăng lại là điều có lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá cả hàng hoá tăng lên, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng đó tăng. Nói cách khác, doanh nghiệp luôn sẵn sàng hoá để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời hưởng lợi được đà tăng giá bán.

Bộ NN&PTNT dự báo từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu năm 2023 khoảng trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo. Như vậy, dư địa cho xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm còn 2,7 triệu tấn.

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp cần tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Bộ Công Thương cho biết tình hình thị trường lúa gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá. Vì vậy, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

H.Mĩ