|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Bài 2] IFRS có phải là 'cây đũa thần' giúp tăng chất lượng báo cáo tài chính?

20:00 | 20/09/2022
Chia sẻ
Áp dụng Chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) có thể giúp tăng chất lượng báo cáo tài chính song khó có thể thể giảm gian lận báo cáo tài chính. Chất lượng báo cáo kiểm toán còn phụ thuộc vào sự độc lập và trách nhiệm của đơn vị kiểm toán.

Như phản ánh thực trạng ở Bài 1 , thời gian gần đây, nhóm doanh nghiệp niêm yết ghi nhận nhiều trường hợp sai lệch hay tồn tại nhiều điểm mập mờ trên báo cáo tài chính. 

Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO của WiGroup (công ty chuyên cung cấp dữ liệu cho nhà đầu tư) đánh giá: "Chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán của nhiều doanh nghiệp niêm yết khoảng 10 năm trở lại đây không có nhiều thay đổi. Báo cáo tài chính của những doanh nghiệp có quy mô vốn trên 1.000 tỷ thường khá chuẩn chỉnh nhưng với quy mô dưới 1.000 tỷ, đặc biệt là nhóm dưới 500 tỷ thì chất lượng báo cáo tài chính thấp hơn rất nhiều". 

Năm 2021, theo thống kê sàn HOSE ghi nhận 9 báo cáo tài chính có ý kiến ngoại trừ, sàn HNX là 11 doanh nghiệp. (Nguồn: Wigroup/H.K tổng hợp)

Nhiều ý kiến đánh giá và kỳ vọng việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ giúp nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Theo lộ trình, IFRS sẽ chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1 – giai đoạn chuẩn bị (từ năm 2019 đến năm 2021), Giai đoạn 2 – giai đoạn thử nghiệm (từ năm 2022 đến năm 2025), Giai đoạn 3 – giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS (từ sau năm 2025).

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Tổng Giám Đốc dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn IFRS, Grant Thornton Việt Nam nhận định: "Việc áp dụng IFRS sớm rõ ràng mang đến nhiều ảnh hưởng tích cực cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, nơi đòi hỏi sự minh bạch cao và thông tin giá trị doanh nghiệp phù hợp với giá trị thị trường. Việc đảm bảo thông tin tài chính công bố minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế giúp các doanh nghiệp niêm yết có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với thị trường vốn quốc tế và các nhà đầu tư tiềm năng".

 

Trong khi VAS chỉ yêu cầu doanh nghiệp trình bày báo cáo tài chính theo giá trị sổ sách, IFRS đòi hỏi doanh nghiệp phải áp dụng cơ sở giá trị hợp lý để ghi nhận hầu hết số dư các khoản mục và giao dịch kế toán trong kỳ báo cáo để thể hiện tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo giá trị hợp lý. Ngoài ra, IFRS cũng yêu cầu trình bày và công bố thông tin về rủi ro và kiểm soát rủi ro đối lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Các thông tin này là hết sức cần thiết và hữu dụng cho người đọc báo cáo tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết chứng khoán.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Tổng Giám Đốc dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn IFRS, Grant Thornton Việt Nam.

CEO của WiGroup cũng cho rằng việc áp dụng chuẩn IFRS ở Việt Nam sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài hoặc bản thân nhà đầu tư trong nước tin tưởng hơn vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết. Bởi quan trọng nhất của IFRS so với VAS là không quan tâm quá nhiều tới giá gốc mà "mark to market" nhiều tức đưa các tài sản tài chính, tài sản của doanh nghiệp về gần hơn với giá thị trường.

"Tuy nhiên có một vấn đề lớn là để áp dụng được IFRS thì Việt Nam cần có một thị trường thứ cấp cho những tài sản tài chính phát triển. Khi thị trường sơ cấp còn quá sơ khai thì doanh nghiệp không có cơ sở và khó có thể định giá sát với giá thị trường cho tài sản.

IFRS còn rất nhiều rào cản để áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt rào cản lớn nhất là "mark to market". Áp dụng IFRS không thể làm giảm gian lận báo cáo tài chính bởi chuẩn IFRS không phải quá hoàn hảo mà hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán để gọi được dòng vốn quốc tế", ông Báu nhận định.

Đại diện một đơn vị kiểm toán có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ: "Ngoài các nguyên tắc được quy định trong điều 8 Luật kiểm toán độc lập 2011, các kiểm toán viên còn tuân theo một nguyên tắc ngầm định là nguyên tắc “cân bằng”, nghĩa là vừa thỏa mãn được các yêu cầu của ban lãnh đạo nhưng vừa bảo vệ được công ty kiểm toán và kiểm toán viên". Do đó bất kể áp dụng chuẩn mực kế toán nào thì cũng khó có thể thể giảm gian lận báo cáo tài chính, chất lượng của báo cáo tài chính còn phụ thuộc vào sự độc lập và trách nhiệm của đơn vị kiểm toán.

Ngoài các cơ hội thì Phó Tổng Giám Đốc dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn IFRS cũng cho rằng việc áp dụng IFRS vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn tại Việt Nam.

Thứ nhất, chính sách của Nhà nước, cụ thể là từ Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý, chưa hoàn thiện các hướng dẫn về chuẩn mực kế toán IFRS, chuyển đổi từ VAS sang IFRS, khác biệt giữa hệ thống kế toán doanh nghiệp và hệ thống kê khai thuế và thống kê, và các nội dung hướng dẫn liên quan khác để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang IFRS.

Thứ hai, nhân lực làm kế toán tại Việt Nam chưa được đào tạo bài bản để áp dụng IFRS, gồm nhiều nội dung mới và phức tạp so với VAS hiện tại. Phần lớn đội ngũ kế toán doanh nghiệp và các trường đại học đào tạo ngành nghề kế toán vẫn đang thực hiện theo VAS.

Thứ ba, việc chuyển đổi hệ thống kế toán từ VAS sang IFRS đòi hỏi có sự đầu tư lớn, bao gồm tư duy và kiến thức kế toán và phần mềm kế toán của các doanh nghiệp. Việc đầu tư này có thể không phù hợp với toàn bộ các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam.

IFRS và những yêu cầu tăng tính minh bạch, hướng tới giá trị hợp lý

Trong năm đầu tiên thử nghiệm, trên thị trường chứng khoán hiện có CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) đã lập báo cáo tài chính song song cả chuẩn VAS và IFRS. Ngoài ra, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) đang gấp rút muốn đưa chuẩn IFRS vào luôn báo cáo tài chính năm nay. CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) vẫn công bố bản tin IR hàng quý cập nhật bảng kết quả kinh doanh theo cả VAS và IFRS từ năm ngoái tới nay.  

Dù IFRS là chuẩn quốc tế, nhằm minh bạch giao dịch, số liệu tài chính của doanh nghiệp song không phải hoàn toàn tác động tích cực với tất cả doanh nghiệp.

Trong trường hợp của doanh nghiệp bất động sản hay xây dựng khi áp dụng IFRS được quyền lựa chọn phương pháp đánh giá lại tài sản theo giá trị hợp lý, đúng với giá trị thị trường làm tăng giá trị tài sản. Khi đó hệ số nợ trên tài sản sẽ cải thiện giúp doanh nghiệp dễ dàng đi vay, huy động vốn hơn.

Điển hình nhất là trường hợp của CTCP Vincom Retail, nếu chiếu theo Chuẩn mực VAS thì lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ghi nhận 1.151 tỷ đồng còn theo IFRS thì đạt 1.726 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Nguyên nhân của sự chênh lệch trên chủ yếu đến từ việc VAS yêu cầu khấu hao với tài sản là các trung tâm thương mại của Vincom Retail nhưng tiêu chuẩn IFRS loại bỏ quy định này giúp giá vốn hàng bán của doanh nghiệp giảm 663 tỷ nửa đầu năm.

Bên cạnh đó, chuẩn IFRS cũng loại bỏ yêu cầu phân bổ lợi thế thương mại giúp chi phí quản lý của doanh nghiệp giảm 36 tỷ. Trái lại, IFRS yêu cầu khắt khe hơn trong các hoạt động tài chính nên làm tăng chi phí tài chính đồng thời giảm nguồn thu tài chính so với VAS.

 Nguồn: Báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh của Vincom Retail.

Ở chiều hướng ngược lại, việc áp dụng chuẩn IFRS sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận một số nhóm doanh nghiệp như hàng không.

Sale & Lease Back (S&LB) tức là bán và tái thuê - một nghiệp vụ phổ biến trong ngành hàng không, từng là một vấn đề gây tranh cãi trong giới đầu tư thời điểm Vietjet (Mã: VJC) mới lên sàn. Hiện Vietjet hay Vietnam Airlines (Mã: HVN) vẫn đang áp dụng hình thức S&LB và ghi nhận khoản lãi hàng trăm, hàng nghìn tỷ bên cạnh dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính.

Chuẩn IFRS đánh mạnh vào vấn đề "bản chất hơn hình thức", IFRS coi nghiệp vụ S&LB thực chất chỉ là nghiệp vụ tài trợ cho dài hạn hay vì nghiệp vụ bán tài sản thông thường. Do đó, nếu áp dụng IFRS thì Vietjet hay Vietnam Airlines không thể ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ nghiệp vụ S&LB mà bắt buộc phải ghi nhận khoản tiền nhận được từ giao dịch bán máy bay như là một khoản nợ phải trả bất chấp là hoạt động thuê tài chính hay thuê hoạt động (ngoại trừ trường hợp giá trị tài sản thuê là thấp không đáng kể hoặc thời hạn thuê nhỏ hơn 12 tháng).

 Nguồn: Trích thuyết minh báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018 của Vietjet.

Hoàng Kiều