Bách Hoá Xanh tạm dừng mở mới - nhọc nhằn cuộc chơi bán lẻ
Ngày cuối cùng của năm 2021, Bách Hoá Xanh công bố thông tin thay CEO. Ông Trần Kinh Doanh, theo nguyện vọng cá nhân, sẽ rút khỏi các hoạt động điều hành trực tiếp. Thay ông Doanh là ông Nguyễn Đức Tài - hiện đang là Chủ tịch Thế Giới Di Động.
Trước đó, trong kế hoạch phát triển năm 2022 được Thế Giới Di Động công bố, đơn vị này cho biết sẽ dừng mở mới Bách Hoá Xanh để tập trung cải thiện nền tảng vận hành và tối ưu hoá hoạt động.
Dừng mở mới Bách Hoá Xanh song Thế Giới Di Động lại dồn nguồn lực để mở 5 chuỗi mới khác nhau gồm xe đạp, thời trang, mẹ và bé, trang sức và đồ thể thao. Với những động thái trên, có thể thấy dường như sau một chặng đường "chinh chiến" trong cuộc đua bán lẻ, đến nay Bách Hoá Xanh đang gặp những thách thức về tăng trưởng và cần sắp xếp lại.
Từ động thái tạm dừng mở mới của Bách Hoá Xanh
Tiến vào mảng bán lẻ siêu thị từ năm 2015, khi thị trường điện máy và sản phẩm công nghệ tại Việt Nam đã bước qua thời kỳ hoàng kim, lãnh đạo Thế Giới Di Động lúc bấy giờ kỳ vọng đây sẽ là động lực tăng trưởng cho 10 năm tiếp theo của tập đoàn và thực tế cho thấy đơn vị này luôn là mảng kinh doanh tăng trưởng tốt của Thế Giới Di Động. Song những tháng gần đây, mức tăng trưởng của Bách Hoá Xanh đã hạ nhiệt, nếu không muốn nói là sụt giảm so với thời gian trước.
Trong 11 tháng đầu năm 2021, Bách Hoá Xanh mang về hơn 26.300 tỷ đồng cho Thế Giới Di Động, tương ứng với mức tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tháng 7 - thời điểm cơ quan chức năng siết chặt các biện pháp chống dịch, doanh thu toàn hệ thống Bách Hoá Xanh tăng vọt 133% so với cùng thời điểm năm 2020 lên gần 4.240 tỷ đồng. Trung bình 2,1 tỷ đồng doanh thu/cửa hàng/tháng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay của chuỗi này. Thậm chí, có những thời điểm theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, đơn vị này còn phải từ chối đơn hàng của khách để đảm bảo nguồn cung.
Tuy nhiên, khi bước sang tháng 8, doanh thu Bách Hoá Xanh giảm còn hơn 3.000 tỷ đồng. Con số tiếp tục giảm xuống gần 2.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9 và sang tháng 11 chỉ còn 1.800 tỷ đồng.
Với 2.026 cửa hàng tại thời điểm cuối tháng 11, tính trung bình trong tháng 11, mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh chỉ mang về doanh thu chưa tới 900 triệu đồng/tháng.Con số này là khá thấp khi so với năm 2020, mức doanh thu bình quân Bách Hoá Xanh đạt được trên mỗi cửa hàng đã là 1,25 tỷ đồng/tháng.
Đầu năm nay, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên của Thế Giới Di Động, ông Trần Kinh Doanh tự tin doanh thu Bách Hoá Xanh sẽ chạm ngưỡng 30.000 tỷ đồng, ngang ngửa với Saigon Co.op và Wincomerce. Song với thực tế nói trên, sẽ khó khăn cho Bách Hoá Xanh để về đích khi chỉ còn một tháng 12.
Lý giải về điều này, phía Thế Giới Di Động chia sẻ rằng sức mua các mặt hàng tiêu dùng hồi phục chậm. Thêm vào đó, đợt bùng phát dịch mạnh đang diễn ra tại một số tỉnh thành phía Nam cũng tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của chuỗi.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Đỗ Hoà - CEO IME Việt Nam, nếu quan sát thị trường bán lẻ Việt lâu năm, có lẽ các nhà đầu tư sẽ không quá bất ngờ với tuyên bố "tạm nghỉ" của Thế Giới Di Động. Thị trường này trước giờ luôn được đánh giá là sân chơi tỷ đô, song trong quá khứ, đã có không ít những "ông lớn" không trụ nổi và phải bỏ cuộc giữa chừng.
Mới đây nhất, đầu năm nay, đại gia bán lẻ Hàn Quốc Emart đã phải rút lui khỏi Việt Nam sau 5 năm tìm chỗ đứng. Hay Metro của Đức, Auchan của Pháp,… cũng phải dần thoái lui khỏi thị trường do không thể giải bài toán lợi nhuận.
Tới những lỗ hổng cần khắc phục
Thực tế, lãnh đạo Thế Giới Di Động đã sớm nhìn ra những tồn tại của mô hình bán lẻ Bách Hoá Xanh. Ngay từ đầu năm, tại quý I/2021, trong cuộc họp với các nhà đầu tư, ông Trần Kinh Doanh - khi ấy còn là CEO Bách Hoá Xanh đã chỉ ra những lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh của chuỗi này.
Ông Doanh cho hay công tác logistics cho ngành bách hoá rất phức tạp. Đơn cử, sản lượng luân chuyển hàng hoá của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh trong một tháng chỉ là 1,5 - 2,5 triệu sản phẩm thì tại Bách Hoá Xanh, con số này lên tới 150 triệu sản phẩm. "Tăng doanh thu từ tối ưu diện tích cửa hàng cũng không có nghĩa lý gì nếu nguồn hàng không được đưa đến đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ", ông Doanh nhận định.
Cựu CEO cho biết công ty đang gặp trục trặc trong khâu kiểm soát cung ứng hàng hoá, dẫn tới hoạt động mua hàng và phân phối tới các cửa hàng Bách Hoá Xanh không được tốt. Khi ấy, ông Trần Kinh Doanh cam kết với các nhà đầu tư rằng 1-2 tháng tới sẽ kiểm soát được việc này.
Để đạt mục tiêu, Bách Hoá Xanh đã đặt ra ba cải tổ quan trọng, tập trung vào: Sắp xếp lại công tác mua hàng, tối ưu năng suất lao động trên mỗi giờ công và cuối cùng là phát triển mô hình Bách Hoá Xanh diện tích lớn. "Doanh thu BHX sẽ tăng sau khi kiểm soát và xử lý vấn đề ở khâu cung ứng hàng hoá, cũng như chi phí sẽ được tiết giảm sau khi tăng năng suất lao động cho nhân viên trong một giờ đồng hồ làm việc", ông Doanh hứa hẹn.
Vậy nhưng có vẻ nỗ lực cải tổ Bách Hoá Xanh của lãnh đạo Thế Giới Di Động chưa kịp mang lại kết quả như mong muốn. Tháng 7, giai đoạn TP HCM siết chặt giãn cách, Bách Hoá Xanh đã vấp phải phản ứng trái chiều khi buộc phải tăng giá bán một số sản phẩm để đảm bảo nguồn cung. Hay như trước đó, đơn vị này cũng gặp khó khi gần 200 siêu thị Bách Hoá Xanh khu vực Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang cũng ngấp nghé nguy cơ thiếu hàng.
Trong văn bản gửi báo chí, một yếu tố được Bách Hoá Xanh nhắc tới là phía nhà cung cấp tăng giá hàng hoá do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông. Rõ ràng, nguồn cung là vấn đề mà Bách Hoá Xanh cần kiểm soát trong thời gian tới để đạt được kết quả kinh doanh như kỳ vọng.
Nhưng chuỗi cung ứng thôi là chưa đủ
Tuy nhiên, câu chuyện của ngành bán lẻ không chỉ nằm ở chuỗi cung ứng. Chuyên gia Đỗ Hoà cho rằng lúc này cuộc chơi trên thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ được quyết định bởi ba yếu tố: Ngành hàng chính - không thể tìm thấy ở cửa hàng đối thủ (thu hút khách); Phân loại và quản lý danh mục sản phẩm (mặt hàng, lợi nhuận); Và cuối cùng là chi phí vận hành.
Trong đó, theo vị cựu CEO Trung Nguyên, yếu tố thứ nhất nhà bán lẻ sẽ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, phân tích và định vị của marketing. Yếu tố thứ hai phụ thuộc vào bộ phận nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu, chiến lược giá, và chiến lược ngành hàng. Yếu tố cuối cùng phụ thuộc vào hệ thống quản lý và hiệu quả kết nối của chuỗi cung ứng như logistics, châm hàng,…
Chuyên gia này nhận định, với thông tin về quyết định tái cấu trúc mà Thế Giới Di Động công bố, việc tách 4K Farm - dự án nông nghiệp công nghệ cao, ra khỏi Bách Hoá Xanh có thể giúp giảm gánh nặng chi phí cho chuỗi này nhưng đồng thời cũng sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ giảm hiệu quả kết nối chuỗi cung ứng.
Hay như nhập nhà thuốc An Khang vào Bách Hoá Xanh cũng có thể giúp tối ưu hoá về mặt quản lý, phân bổ chi phí và tối ưu hoá lợi nhuận giữa hai bên. "Đồng thời, việc đóng gói lại và giảm chi phí như thế cũng tiện cho việc bán lại (thoái lui khỏi thị trường bán lẻ - NV) nếu có người mua", ông Hoà cho biết thêm.
Những thay đổi chắc chắn sẽ phải diễn ra để Bách Hoá Xanhcó thể tiến về phía trước. Kỳ vọng ở việc tái cấu trúc Bách Hoá Xanh là có cơ sở đặc biệt khi chủ tịch Nguyễn Đức Tài lên nắm quyền điều hành trực tiếp. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2022, Thế Giới Di Động đã dừng đưa ra mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận cho Bách Hoá Xanh.