7/11 tỷ phú giàu nhất thế giới chưa cam kết cho đi phần lớn khối tài sản của bản thân
Jeff Bezos đã cam kết cho đi “phần lớn” khối tài sản ròng trị giá 116 tỷ USD của mình, nhưng khi đề cập tới việc ký vào Giving Pledge, người sáng lập Amazon vẫn giữ im lặng, theo CNBC Make It. Giving Pledge do hai tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng vào năm 2010, là một chiến dịch khuyến khích các tỷ phú cam kết cho đi ít nhất một nửa tài sản ròng của họ để làm từ thiện.
Đó là một cam kết không ràng buộc: Những người sáng lập mô tả nó như một “cam kết đạo đức” và những người chỉ trích cho rằng các quy tắc lỏng lẻo của cam kết này thiếu tính thực tế. Cho đến nay, Giving Pledge đã được ký bởi 236 tỷ phú, bao gồm cả Bill Gates và Warren Buffett, cũng như Elon Musk và vợ cũ Jeff Bezos, MacKenzie Scott.
Jeff Bezos, người từng bị chỉ trích về việc không quan tâm tới hoạt động từ thiện, không phải là tỷ phú duy nhất chưa ký cam kết. Theo Bloomberg Billionaires Index, có tới 7/11 người giàu nhất thế giới hiện tại chưa ký cam kết này.
Bernard Arnault
Giá trị khối tài sản ròng: 157 tỷ USD
Bernard Arnault là người đồng sáng lập kiêm CEO của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH và là người giàu thứ hai thế giới, theo Bloomberg Billioanires Index.
Arnault đã không ký Giving Pledge, ông cũng không bình luận công khai về cam kết này. Không có hồ sơ công khai nào cho thấy mức độ mà Arnault đã quyên góp cho tổ chức từ thiện.
Tuy nhiên, LVMH đã đăng một tuyên bố trực tuyến nêu bật sứ mệnh từ thiện của công ty và ghi nhận khoản quyên góp trị giá 226 triệu USD của gia đình Arnault vào năm 2019 để giúp tài trợ cho việc sửa chữa nhà thờ Đức Bà mang tính biểu tượng của Paris sau trận hỏa hoạn kinh hoàng đã làm hư hại nghiêm trọng địa danh này vào năm đó.
Gautam Adani
Giá trị khối tài sản ròng: 130 tỷ USD
Gautam Adani là chủ tịch và người sáng lập Tập đoàn Adani, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất Ấn Độ. Ông là người giàu nhất Ấn Độ và giàu thứ ba trên thế giới, theo Bloomberg.
Giá trị khối tài sản ròng của ông đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 11/2021, khi công ty của ông thực hiện một loạt thương vụ mua lại để mở rộng sang các ngành khác như than đá và vận tải.
Gautam Adani cũng đã tăng cường các nỗ lực từ thiện của mình trong năm qua. Vào tháng 6, ông cam kết quyên góp 7,7 tỷ USD cho Quỹ Adani của mình, một nhánh từ thiện của công ty hỗ trợ các hoạt động xã hội ở Ấn Độ như các chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Jeff Bezos
Giá trị khối tài sản ròng: 116 tỷ USD
Theo ước tính của Forbes, Jeff Bezos đã quyên góp hơn 2,4 tỷ USD trong suốt cuộc đời của mình. Ông cũng đã cam kết phân phối tổng cộng 10 tỷ USD thông qua tổ chức phi lợi nhuận về khí hậu của riêng mình, Bezos Earth Fund.
Tuy nhiên, vị tỷ phú người Mỹ đã bỏ qua các câu hỏi về Giving Pledge trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi vợ cũ của ông, bà MacKenzie Scott, ký vào nó ngay sau khi họ ly hôn năm 2019.
Larry Page
Giá trị khối tài sản ròng: 88,7 tỷ USD
Năm 2014, người đồng sáng lập Google, Larry Page, cho biết ông không có kế hoạch để lại toàn bộ tài sản của mình cho hai người con. Ông cũng không cam kết để lại tài sản ròng của mình cho các tổ chức từ thiện.
Thay vào đó, vị tỷ phú nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông muốn trao phần lớn tài sản của mình cho các doanh nhân có ý tưởng lớn để thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Vào thời điểm đó, Page lấy ví dụ về Elon Musk: “Ông ấy muốn lên sao Hỏa. Đó là một mục tiêu xứng đáng”.
Vào năm 2019, Vox báo cáo rằng Page đã quyên góp hơn 2 tỷ USD cho quỹ từ thiện của riêng mình kể từ năm 2004. Phần lớn những khoản đóng góp đó được chuyển thành quỹ do các nhà tài trợ tư vấn, mà các nhà phê bình cho rằng có thể được sử dụng làm phương tiện để giúp Larry Page nhận ưu đãi về thuế.
Mukesh Ambani
Giá trị khối tài sản ròng: 88,2 tỷ USD
Mukesh Ambani, người giàu thứ 9 trên thế giới, là chủ tịch của Reliance Industries, một tập đoàn năng lượng và viễn thông, đồng thời là công ty có giá trị nhất Ấn Độ.
Gần đây, ông được nhóm nghiên cứu Hurun India vinh danh là một trong những nhà từ thiện hàng đầu Ấn Độ, sau khi được cho là đã quyên góp hơn 50 triệu USD cho các tổ chức từ thiện vào đầu năm 2022.
Năm 2010, Ambani thành lập Reliance Foundation, tổ chức từ thiện của công ty ông và là một trong những tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất Ấn Độ. Tổ chức này tập trung vào các sáng kiến cung cấp học bổng chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cũng như giúp xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở các cộng đồng nông nghiệp nông thôn, theo trang web của tổ chức.
Steve Ballmer
Giá trị khối tài sản ròng: 86,3 tỷ USD
Sự vắng mặt của Steve Ballmer trong Giving Pledge có thể là một điều bất ngờ. Ông là một trong những nhân viên đầu tiên của Microsoft, và đã vươn lên vai trò chủ tịch cũng như cánh tay phải của Bill Gates trước khi kế nhiệm bạn mình làm CEO vào năm 2000. Phần lớn tài sản của Ballmer đến từ 4% cổ phần của ông trong Microsoft.
Tuy nhiên, Ballmer đã nói rằng ông và Bill Gates đã “xa cách nhau” kể từ khi Bill Gates nghỉ việc ở công ty vào năm 2014, điều này có thể giải thích lý do Steve Ballmer không ký vào bản cam kết mà Bill Gates là người đồng khởi xướng.
Steve Ballmer vẫn khá tích cực trong lĩnh vực từ thiện. Ông và vợ của mình, Connie, điều hành tổ chức phi lợi nhuận của Ballmer Group, đã trao hơn 420 triệu USD tiền tài trợ từ thiện trong năm qua.
Sergey Brin
Giá trị khối tài sản ròng: 84,9 tỷ USD
Giống như Page, người đồng sáng lập Google, Sergey Brin chưa ký Giving Pledge. Người giàu thứ 11 trên thế giới, Brin đã không nói công khai về cam kết hoặc số tiền mà ông dự định cho đi.
Trước đây, Brin từng quyên góp tiền cho các đơn vị bao gồm Girls Who Code, tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục tập trung vào STEM và một món quà trị giá 63 triệu USD được báo cáo vào đầu năm nay cho Quỹ Michael J. Fox, quỹ tài trợ cho nghiên cứu về phương pháp chữa trị bệnh Parkinson.